Cập nhật vào đầu giờ sáng nay trên thị trường New York, giá vàng thế giới giao ngay hạ nhẹ 0,2% xuống 2.648,21USD/ounce. Giá vàng thế giới như vậy đã hạ nhiệt tương đối so với ngưỡng 2.685,42USD/ounce thiết lập ngày 26-9.
Ấn Độ mua vàng mạnh tay nhất trong 42 tháng
Một yếu tố quan trọng khiến cho giá vàng thế giới hạ chính là đồng USD tăng giá khá mạnh. Chỉ số đồng USD trên thị trường Mỹ giao dịch ở mức cao nhất trong 7 tuần. Chính vì vậy vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Zaner Metals, ông Peter A. Grant, nhận xét: “Sự mạnh lên của đồng USD nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, tuy nhiên nó cũng đủ để ngăn giá vàng thế giới lập kỷ lục mới”.
Còn trong thời gian dài hơn, chuyên gia của Zaner Metals dự báo giá vàng thế giới sẽ chạm ngưỡng 2.700USD/ounce và sau đó lên 3.000USD/ounce, giá vàng chịu ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị cũng như bất ổn chính trị khi mà cuộc bầu cử Mỹ đến gần.
Vàng thường được coi như công cụ đầu tư ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế leo thang, vàng thường tăng giá mạnh trong môi trường lãi suất cơ bản thấp.
Theo dự báo của các chuyên gia, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,25% vào tháng sau hiện đang được tính toán ở mức 86%. Báo cáo thị trường việc làm Mỹ vào tuần tới củng cố cho niềm tin vào việc thực trạng kinh tế Mỹ hiện tại không phù hợp với việc hạ lãi suất mạnh tay hơn.
Thị trường vàng trong tuần này sẽ đón nhận biên bản cuộc họp chính sách của Fed, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) và chỉ số giá sản xuất Mỹ (PPI).
Động thái của một số nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong tháng 9-2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã không mua thêm vàng đến tháng thứ 5 liên tiếp. Đó là thống kê từ nguồn chính thức, còn với các nguồn gián tiếp số liệu có thể chưa được công bố đầy đủ.
Tuy nhiên, Ấn Độ lại nhập khẩu rất mạnh vàng. Tính toán của chuyên gia tại tổ chức đầu tư Heraeus cho thấy Ấn Độ nhiều khả năng đã nhập đến 125 tấn vàng chỉ riêng trong tháng 8, mức này tăng đến 58% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi so với tháng liền trước. Mức nhập khẩu vàng của Ấn Độ như vậy cao nhất tính từ đầu năm 2021 cho đến nay.
Vàng khó mua, khó bán; USD tái lập ngưỡng 25.000 đồng/USD
Ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội, hiện đang có tình trạng khó mua và bán vàng. Một số người tiêu dùng cho biết, dù không cần mua vàng SJC mà chỉ cần mua được vàng dù bất kỳ thương hiệu nào cũng không dễ dàng. Phải đi khắp các cửa hàng may ra mới mua được vài chỉ hoặc một cây vàng.
Ở chiều ngược lại, một số người dân có nhu cầu bán vàng cũng không dễ. Có những tiệm vàng từ chối mua lại vàng SJC ở thời điểm hiện tại hoặc yêu cầu phải có hóa đơn giấy mới mua.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước hiện đang được giao dịch ở mức 82,00 – 84,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Ở mức đóng cửa của giá vàng thế giới phiên gần nhất, quy đổi ra giá vàng trong nước tính theo tỷ giá Vietcombank tương đương 80,46 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 3,56 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng Kim Bảo 999.9 giao dịch ở mức 82,70 – 83,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng nhẫn ép vỉ vàng rồng Thăng Long giao dịch ở mức 82,68 – 83,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tỷ giá đồng USD tại thị trường trong nước sau khoảng thời gian hạ nhiệt giờ đây đang nóng trở lại theo diễn biến của thị trường thế giới. Cập nhật vào đầu giờ sáng nay, tỷ giá đồng USD tại Vietcombank giao dịch ở mức 24.640 – 25.030 đồng/USD.