Lắp camera ghi hình sân nhà hàng xóm có được không?

(PLO)- Nếu lắp camera ghi hình sân nhà hàng xóm hoặc các khu vực thuộc về đời tư cá nhân của họ thì có được không là thắc mắc của nhiều bạn đọc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhà tôi bán hàng nên lắp camera hướng ra hẻm sinh hoạt chung để giữ xe cho khách và phòng trộm cắp. Tuy nhiên góc camera rộng, có thể nhìn thấy được sân nhà hàng xóm, xin hỏi tôi có vi phạm quyền riêng tư không thưa luật sư?

Bạn đọc Thương Nguyễn (Biên Hòa)

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Theo Điều 21 Hiến pháp 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật, việc lắp đặt camera an ninh tại các khu vực công cộng hoặc khu hẻm sinh hoạt chung thường không vi phạm quyền riêng tư, miễn là mục đích sử dụng nhằm bảo vệ tài sản hoặc đảm bảo an ninh công cộng.

Tuy nhiên, nếu camera ghi hình sân nhà hàng xóm hoặc các khu vực thuộc về đời tư cá nhân của họ thì bạn có thể bị coi là xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Vì vậy, bạn nên điều chỉnh góc quay của camera tập trung vào khu vực của gia đình và tránh ghi hình các khu vực thuộc sở hữu cá nhân của hàng xóm nhằm tránh hành vi vi phạm pháp luật.

lắp camera ghi hình sân nhà hàng xóm
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM

Lưu ý, Điều 102 Nghị định 15/2020 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

- Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Đồng thời tại điểm g khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 14/2022 quy định hành vi lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, tội xâm phạm quyền riêng tư có thể bị xử lý hình sự khi hành vi vi phạm đủ nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm