Hổ ở Thảo Cầm Viên được cho ăn ra sao để đảm bảo an toàn?

(PLO)- Trước việc hàng loạt cá thể hổ chết ở Đồng Nai và Long An, Thảo Cầm Viên tăng cường quy trình chăm sóc để đảm bảo an toàn cho hổ và các loài động vật tại đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và Long An, tính đến thời điểm hiện tại, có 51 cá thể hổ, báo và sư tử chết. Trong đó, có một số mẫu tại khu du lịch Vườn Xoài, vườn thú Mỹ Quỳnh, sau khi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) tiến hành xét nghiệm, cho ra kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

Trước nguy cơ lây nhiễm virus cúm A/H5N1 từ động vật hoang dã sang con người, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Long An quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan khẩn trương tổ chức triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm, thực hiện điều tra dịch tễ cúm gia cầm A/H5N1 trên hổ, sư tử để xác định nguồn dịch, các yếu tố nguy cơ.

Liên quan sự việc trên, PLO cũng đã có buổi trao đổi với ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn, để tìm hiểu về tình hình chăm sóc và nuôi dưỡng hổ cũng như động vật khác tại đây.

Thảo Cầm Viên.jpeg
Hổ ở Thảo Cầm Viên. Ảnh: HUỲNH THƠ

. Phóng viên: Thưa ông, việc nuôi dưỡng và chăm sóc hổ ở Thảo Cầm Viên diễn ra như thế nào?

+ Ông Mai Khắc Trung Trực: Quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc hổ được thực hiện hàng ngày. Buổi sáng, nhân viên sẽ vào kiểm tra để đảm bảo chuồng trại của chúng có an toàn hay không. Nguyên tắc là người và thú không tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo an toàn.

Theo đó, nhân viên sẽ trang bị bình phun sát trùng hoặc hố vôi, ngày mưa sẽ dùng bình phun sát trùng, ngày nắng sẽ dùng hố vôi. Việc sử dụng này nhằm đảm bảo an toàn cho hổ, không mang mầm bệnh từ bên ngoài vào và ngược lại.

Khi vào trong, nhân viên sẽ quan sát, vệ sinh, dọn dẹp máng thức ăn, nước uống, các vật dụng có trong chuồng trại. Do hổ ăn vào buổi chiều nên buổi sáng nhân viên sẽ dọn dẹp thức ăn thừa.

Tiếp theo là quan sát các dấu hiệu của hổ để biết tình hình sức khỏe của chúng có bình thường hay không, thường nhân viên sẽ phải quan sát nước bọt, phân, lông, da, dáng đi... Nhân viên quan sát từ trong chuồng trại đến phía ngoài, cần di chuyển đến nơi du khách đứng tham quan để tiếp tục quan sát.

. Khi phát hiện hổ có dấu hiệu bất thường, việc cần phải thực hiện là gì?

+ Khi phát hiện hổ cũng như các loài động vật khác có bất thường, nhân viên phải cập nhật cho tổ trưởng tổ chăn nuôi để nắm bắt tình hình, kiểm tra, báo lại cho tổ thú y. Tổ thú y sau đó sẽ trực tiếp đến chuồng trại kiểm tra sức khỏe và khám điều trị, tùy tình huống của hổ cũng như các loài động vật mà cách chữa trị sẽ khác nhau.

Nếu chúng có thể ăn uống được thì sẽ điều trị bằng thuốc qua đường ăn, uống, trường hợp không thể ăn uống được thì phải tiêm thuốc.

. Nguồn thức ăn của hổ được lấy từ đâu và có đảm bảo an toàn không?

+ Tất cả các thực phẩm của Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ được thông qua nhiều công ty cung cấp, quy chuẩn do Thảo Cầm Viên đặt ra. Sẽ có hai đến ba khâu kiểm tra nguồn thức ăn này, đầu tiên thức ăn sẽ được Ban nghiệm thu thực phẩm tiếp nhận, kiểm tra ban đầu, tiếp đó bộ phận chế biến và bộ phận chăn nuôi sẽ lại tiếp tục kiểm tra thêm một lần nữa. Nếu thức ăn không đạt chuẩn các bộ phận này sẽ trả về, đổi lấy phần thức ăn khác.

IMG_7064.jpeg

. Thảo Cầm Viên có tiêm vắc xin cúm A cho hổ hay không, thưa ông?

+ Đối với loại vắc xin cúm A/H5N1, hiện tại không có sản xuất cho các loài thú ăn thịt, do đó hiện không tiêm loại vaccine này cho hổ. Tuy nhiên, Thảo Cầm Viên mỗi năm sẽ tiêm đầy đủ các vắc xin đã có trên thị trường cho hổ nói riêng và tất cả các loài động vật nói chung, đa số các loại vắc xin đều là vắc xin tổng hợp.

. Thảo Cầm Viên có tổ chức tập huấn, các lớp hướng dẫn nhân viên đảm bảo an toàn cho bản thân và các loài động vật không?

+ Về quy trình chăm sóc phải luôn được cập nhật cho người chăn nuôi, người mới hay người cũ đều phải như vậy. Bên cạnh đó, mỗi năm Thảo Cầm Viên cũng sẽ tổ chức tập huấn với các chủ đề khác nhau.

. Trước sự việc xảy ra ở Đồng Nai và Long An, Thảo Cầm Viên mình có biện pháp nào để phòng ngừa, tăng cường đảm bảo an toàn không?

+ Quy trình tại đây đang thực hiện là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, khi đọc báo thấy những thông tin như vậy, Thảo Cầm Viên vẫn sẽ có những cảnh báo để mọi người chú trọng hơn đến an toàn và dịch bệnh.

Theo đó, Thảo Cầm Viên phải tăng cường chú ý, quan sát hơn nữa, không chủ quan lơ là, đảm bảo thực hiện tốt quy trình của mình. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy định không cho du khách mang các loài động vật khác từ bên ngoài vào để tránh các mầm bệnh, khi có du khách mang vào bảo vệ sẽ chặn ngay ở cổng ra vào.

Khu du lịch Vườn Xoài tạm ngừng đón khách

Chiều 7-10, đại diện khu du lịch Vườn Xoài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) ra thông báo về việc tạm ngưng đón khách thăm quan với lý do cần vệ sinh và bảo trì toàn bộ khu du lịch. Thời gian tạm ngừng đón khách từ 7 giờ ngày mai (ngày 8-10) và sẽ thông báo khi có lịch đón khách trở lại.

Cũng chiều cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho biết đã qua 21 ngày, vườn thú Mỹ Quỳnh không có phát sinh thêm số ca bệnh cúm A/H5N1.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã chỉ đạo vườn thú Mỹ Quỳnh tiếp tục theo dõi đối với các cá thể hổ còn lại trong đàn, cách ly con bệnh; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày.

Sở yêu cầu vườn thú này không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ, sư tử bệnh chết; hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại vườn thú, người chăm sóc cần phải được trang bị đầy đủ bảo hộ.

Sở cũng khuyến cáo vườn thú không mở cửa cho khách tham quan khu nuôi thú cho đến khi hết dịch bệnh (sau 21 ngày kể từ khi con bệnh, chết cuối cùng được tiêu hủy; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc)...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm