Sáng 4-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách để cho ý kiến về dự án luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Quá trình thảo luận cho thấy đây là dự án luật phức tạp với nhiều chính sách mới, mang tính thử nghiệm, đột phá, khác với pháp luật hiện hành và do vậy có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo dự thảo mới nhất, tên luật được đổi thành Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và cụm từ “đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” được gọi tắt là “đặc khu”.
Hết sức chú ý đến vấn đề chủ quyền
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Thanh Vân (ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho hay ông rất băn khoăn về quy định liên quan đến các chính sách ưu đãi quy định tại dự thảo.
“Nếu chúng ta cho phép có những ưu đãi hết sức vượt trội như miễn tiền thuê mặt đất, mặt nước 30 năm, tài sản đó lại được mang đi thế chấp, vậy sự công bằng về chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, những vùng đang cần khuyến khích ở đâu?” - ông Vân nêu vấn đề và cho rằng tự thân ba khu vực này đã được thiên nhiên dành cho nhiều ưu đãi và thời gian qua cũng được Nhà nước đầu tư hạ tầng khá nhiều.
ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ những lo ngại về việc giao quyền quá lớn mà thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát. Ảnh: QH
“Tôi cũng không tán thành với thời gian cho thuê đất quá dài, thậm chí đến 90 năm. Ba đơn vị dự kiến là ba vị trí tiền tiêu, hết sức nhạy cảm, nhô ra ngoài biển Đông. Đến nay chưa có một chuyên gia về quốc phòng an ninh của QH lên tiếng đánh giá tác động ra sao…” - ông Vân lo ngại.
Ông Vân cho rằng thu hút đầu tư không nhất thiết bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất, quan trọng là môi trường đầu tư, là minh bạch trong hoạt động và phẩm hạnh của cán bộ chính quyền.
Đồng tình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng cả ba đặc khu đều ở khu vực hết sức nhạy cảm, dễ thương tổn đến quốc phòng nhưng cử tri TP.HCM vẫn chưa nghe các chuyên gia về quốc phòng an ninh đánh giá ra sao. “Chúng ta không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, vậy cũng không thể đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế. Cử tri TP.HCM khá lo lắng, có gửi thư kiến nghị, nên chăng cần có bước đi thận trọng… QH có thể cho thí điểm thực hiện một khu để rút kinh nghiệm thay vì triển khai đồng thời một lúc cả ba đặc khu…” - ông Khuê nói.
Lo ngại lợi ích nhóm trỗi dậy
Một nội dung khác được các ĐB hết sức quan tâm liên quan đến cơ chế kiểm soát quyền lực. Theo dự thảo, chính quyền đặc khu, UBND đặc khu được trao rất nhiều quyền vượt trội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu (gọi tắt là ban tư vấn) do Thủ tướng thành lập.
Theo ông Định, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của ban tư vấn không trùng lắp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu; chức năng giám sát của HĐND đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
“Việc bổ sung cơ chế này tiếp thu kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong… nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu” - ông Định cho hay.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền lại đề nghị bỏ ban tư vấn này vì… không có tác dụng gì. “Ban tư vấn làm sao giám sát được quyền lực, rất khó giải thích về lý luận cũng như thực tiễn” - ông Xuyền bình luận.
“Bản chất là cơ quan tư vấn nhưng thực tế là cơ quan trung gian có thực quyền, kiểm soát quyền lực, theo đó UBND đặc khu, chủ tịch UBND đặc khu phải xin ý kiến một số vấn đề trước khi quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ban tư vấn hỗ trợ phát triển không phải là cấp trên nhưng thực tế lại như là cấp trên của UBND và chủ tịch UBND đặc khu. Tuy nhiên, ban tư vấn (với thành phần như dự thảo quy định) không phải bộ máy có tính hoạt động chuyên trách và thường xuyên…” - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nêu hàng loạt mâu thuẫn.
Ông Thắng cho rằng quy định này tạo ra một “vòng kim cô” trói buộc sự năng động, quyền chủ động, chịu trách nhiệm của chính quyền. Mặt khác cũng tạo khoảng trống về trách nhiệm, tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, lẩn tránh trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND đặc khu hay không khi cứ xin ý kiến rồi mình không phải chịu trách nhiệm? Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định không rõ trách nhiệm của ban tư vấn.
ĐB Lê Thanh Vân cho rằng ban tư vấn không phải là một thiết chế quyền lực nên không có đủ năng lực giám sát. Đây thực chất chỉ là tổ chức có tính chất tham vấn, khuyến nghị, vậy thì không nhất thiết phải do Thủ tướng thành lập.
Ông Vân cũng kiến nghị cần quy định theo một tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì trách nhiệm và chế tài cũng phải vượt trội. Ông Vân cho rằng hiện chúng ta vẫn lấy các đạo luật thông thường khác, với chế tài thông thường để ứng xử với vi phạm của người được trao những quyền quá lớn như vậy. Chưa kể, với quy định như dự thảo thì sự liên kết lợi ích nhóm có thể trỗi dậy.
“Chúng ta thừa biết những vi phạm pháp luật vừa qua diễn ra trong điều kiện chưa có ưu tiên vượt trội, thế mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách trá hình. Bây giờ cho vượt trội lại không có “lồng quyền lực” để giám sát chặt chẽ thì rất đáng lo ngại” - ông Vân lo ngại.
Dự luật an ninh mạng: Cần có cơ chế giám sát chéo Chiều 4-4, các ĐB tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận hai dự án luật trình QH tại kỳ họp thứ 5. ĐB Đinh Duy Vượt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho rằng cần có cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý vi phạm các quy định về an ninh mạng. “Nếu chỉ một trong các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng làm từ đầu đến cuối mọi khâu thì có đảm bảo khách quan không?” - ĐB nêu vấn đề và cho rằng đường dây đánh bạc trên mạng vừa qua xảy ra chính là do tình trạng khép kín này. VIẾT THỊNH |