Giảm trừ gia cảnh lạc hậu, cần sửa ngay và luôn!

(PLO)- Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Việc nghiên cứu để tăng mức này lên nhằm giảm gánh nặng thuế cho dân là điều cần xem xét trong thời gian sớm nhất.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hồi tháng 11-2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh dùng để tính thuế TNCN đang thấp. Lý do là hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20%-30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên.

Nghe chia sẻ trên của Bộ trưởng, người dân hy vọng và chờ đợi từng ngày. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo quý I-2024 mới đây, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Lý do mà bộ này đưa ra là biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến 20% cũng như chờ sửa đổi Luật Thuế TNCN.

Đúng là theo quy định hiện hành, giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh khi CPI tăng tới 20%. Nhưng quy định này không hợp lý, cách tính CPI cũng không phù hợp vì tính tổng thể trên 752 hàng hóa, dịch vụ khác nhau, phục vụ cho quản lý vĩ mô. Trong khi đó, người lao động thường chỉ chịu tác động trực tiếp bởi biến động giá ở vài chục loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và những mặt hàng này biến động mạnh hơn CPI chung.

Thực tế mức giảm trừ gia cảnh đang áp dụng đã quá lạc hậu, không phù hợp với chi phí của người dân ở các đô thị lớn, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng cao. Như tiền điện và tiền nước, chỉ tính năm 2023 đã hai lần tăng giá. Học phí đại học tăng rất cao. Giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tăng...

Chính vì vậy, nếu chúng ta chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh là quá máy móc, không phù hợp với thực tiễn mà người dân đang gánh lấy. Do đó, chúng ta cần sớm tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế cho người dân.

Phải nói thẳng càng chờ, quy định về thuế TNCN càng lạc hậu. Nếu chờ đến năm 2025 mới đưa ra mức giảm trừ gia cảnh, qua năm 2026 mới áp dụng Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung thì mức giảm trừ gia cảnh lại càng lạc hậu so với chi phí cuộc sống lúc đó.

Giảm trừ gia cảnh là biện pháp hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để người nộp thuế TNCN giảm áp lực tâm lý, tạo sự an tâm cho người lao động tạo ra của cải, vật chất. Do đó, cơ quan quản lý cần sửa đổi, điều chỉnh cho hợp lý. Qua đó khuyến khích người dân có thu nhập cao, tăng cường đầu tư, tích lũy, tạo công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm