Gian nan 40 năm đi tìm vaccine HIV

(PLO)- Suốt 40 năm qua, việc bào chế vaccine HIV gặp không ít khó khăn, do chưa đủ dữ liệu y tế và vì loại virus này biến đổi phức tạp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào tháng 4-1984, sau khi có thông báo rằng các nhà nghiên cứu đã phát hiện HIV – loại virus gây bệnh AIDS, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Margaret Heckler dự đoán "táo bạo" rằng thế giới sẽ có vaccine ngừa HIV “trong khoảng 2 năm nữa”, theo đài CNA.

Tuy nhiên, đã 40 năm trôi qua mà vaccine HIV vẫn chưa được tìm ra. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, và sự thắc mắc này càng tăng thêm khi các nhà khoa học chỉ mất chưa đầy một năm để phát triển vaccine ngừa virus SARS-Cov-2 gây đại dịch COVID-19.

Gian nan 40 năm tìm vaccine HIV
Kỹ thuật viên y tế đang xét nghiệm sàng lọc HIV. Ảnh: AFP

Hy vọng về vaccine HIV

Trong lịch sử, cách tốt nhất để loại trừ bệnh tật là có vaccine hiệu quả. Tuy nhiên, gần 40 năm nghiên cứu chuyên sâu và nhiều thử nghiệm lâm sàng, vaccine HIV vẫn chưa ra đời.

Điều này không phải vì thiếu kinh phí. CNA ước tính các nước đã đầu tư 17 tỉ USD chỉ riêng cho nghiên cứu và thử nghiệm vaccine từ năm 2000 đến năm 2021. Phần lớn số tiền này là của các chính phủ, phần khác là của các công ty dược phẩm và tổ chức từ thiện.

HIV là một trong những loại virus biến đổi nhanh nhất từng được nghiên cứu. Chúng có nhiều chủng và phân nhóm khác nhau. Điều này khiến việc bào chế vaccine gặp không ít khó khăn.

Một trở ngại khác là vẫn chưa tìm ra nhiều động vật thích hợp để thử nghiệm vaccine. Ngoài ra, thông tin liên quan việc phản ứng miễn dịch tự nhiên, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm HIV, vẫn còn chưa nhiều.

Chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, 4 cuộc thử nghiệm vaccine HIV đã phải dừng lại vì thiếu hiệu quả. Nghiên cứu duy nhất cho kết quả tương đối khả quan là về vaccine RV144. Nghiên cứu về vaccine này được tiến hành trên hơn 16.000 người tham gia ở Thái Lan, từ năm 2003 đến năm 2006. Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine là 31,2 %.

Tuy nhiên, vaccine cần có hiệu quả trên 50% mới được cơ quan y tế phê duyệt. Song, những thử nghiệm vaccine này đã mang lại những kiến thức sâu sắc. Những kiến thức này có giá trị và rất cần thiết để giúp tạo ra loại vaccine hiệu quả.

Các phương thức điều trị và ngăn chặn HIV

Năm 1995, sự lây lan của HIV dường như không thể ngăn được, với hơn 3,2 triệu người nhiễm HIV trong năm này. Đến năm 2004, bệnh AIDS đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm.

Ngày nay, dữ liệu từ Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy số ca nhiễm HIV mới đã giảm đáng kể xuống còn 1,3 triệu vào năm 2022. Số ca tử vong liên quan AIDS cũng giảm xuống còn khoảng 630.000 vào năm 2022.

Ngoài ra, gần 30 triệu ca trong khoảng 39 triệu người nhiễm HIV trên toàn cầu đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV).

Những kết quả tích cực này tạo động lực cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia y tế trên khắp thế giới cam kết chấm dứt bệnh AIDS từ nay đến năm 2030.

Số ca nhiễm mới giảm liên tục trên toàn cầu là kết quả của một loạt yếu tố.

Chúng bao gồm việc mở rộng khả năng tiếp cận thuốc ARV, dẫn đến giảm đáng kể khả năng lây nhiễm ở người nhiễm HIV. Ngoài ra, quá trình xét nghiệm, phát hiện sớm, chuyển tuyến nhanh cho người nhiễm HIV, điều trị và duy trì trị liệu đóng vai trò quan trọng trong chương trình kiểm soát HIV.

https___cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com_reuters_FYX7APKJAJNDBKUZCDCW3W66B4.jpg
Y tá (trái) trao dải ruy băng đỏ cho một phụ nữ để kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS, tại Brazil. Ảnh: REUTERS

Thuốc ARV cũng đã được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm HIV. Quá trình này được gọi là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Khi sử dụng đúng cách, PrEP đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV. Thật không may, việc tiếp cận PrEP ở nhiều nơi vẫn chưa phổ biến. Những trở ngại chính bao gồm giá thuốc ARV cao và nhiều thủ tục xét nghiệm.

Ngoài ra, quan hệ tình dục an toàn và việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cũng đóng vai trò lớn trong việc ngăn HIV lan rộng trong cộng đồng.

Hồi giữa tháng 3, nhóm nghiên cứu của Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết họ đã loại bỏ thành công virus HIV khỏi các tế bào bị nhiễm bệnh, bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr từng đoạt giải Nobel.

Cơ chế hoạt động của phương pháp này được ví như dùng kéo cắt virus HIV khỏi tế bào. Mục đích của phương pháp này là nhằm loại bỏ hoàn toàn virus HIV khỏi cơ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần phải thực hiện thêm nghiên cứu để xem phương pháp này có an toàn và hiệu quả hay không, theo đài BBC.

Tiến sĩ James Dixon – chuyên gia về công nghệ tế bào gốc và liệu pháp gen tại Đại học Nottingham (Anh) – cho rằng: “Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh kết quả trong các xét nghiệm tế bào này có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể, trước khi nó được áp dụng như một liệu pháp điều trị trong tương lai”.

Dỡ bỏ rào cản đối với việc xét nghiệm và điều trị HIV

Cho đến khi vaccine ngừa HIV được bào chế, các cơ quan và nhân viên y tế cần nỗ lực để chẩn đoán và điều trị cho càng nhiều người bị nhiễm HIV càng tốt. Để làm được điều này, các rào cản đối với xét nghiệm HIV phải được dỡ bỏ.

Điều này có thể thực hiện bằng cách giúp cho việc xét nghiệm HIV dễ dàng hơn và rẻ hơn, tăng cường áp dụng PrEP. Ngoài ra, cũng cần giải quyết tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan HIV.

Để có các biện pháp ứng phó thành công với HIV, cần đặt con người lên hàng đầu, đương đầu với sự bất bình đẳng, đề cao quyền con người, tạo dựng niềm tin giữa các cơ quan công quyền và cộng đồng bị ảnh hưởng. Những nguyên tắc này cũng là nền tảng trong nỗ lực chung nhằm chống lại HIV và thúc đẩy một xã hội lành mạnh hơn, hòa nhập hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm