Tại hội thảo đại học (ĐH) khởi nghiệp với chủ đề “Xây dựng mô hình hệ sinh thái trong đại học khởi nghiệp” được trường tổ chức sáng 29-3, đại diện các trường, doanh nghiệp và chuyên gia đã có những chia sẻ thẳng thắn về thực tế và những bất cập hiện nay liên quan đến khởi nghiệp trong trường ĐH.
Nói về những khó khăn của trường, GS-TS Võ Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết hiện trường này có 8 khoa, trong đó khoa Y lớn nhất, chiếm 2/3 đội ngũ của trường. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những sáng kiến phát minh liên quan đến sức khỏe cộng đồng như có đường mổ đẹp, có phác đồ điều trị hiệu quả… phải lập tức ứng dụng ngay cho nhu cầu xã hội chứ không được phép độc quyền để kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, việc chạy theo để có nhiều bài báo khoa học trong nước và nước ngoài hiện nay chủ yếu để phục vụ đáp ứng tiêu chí cho việc đánh giá chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến hoặc lên Phó giáo sư hay Giáo sư. Bởi thực tế có người có hàng trăm bài báo, có thể trong đó có những giải pháp hữu ích cho cộng đồng nhưng nếu để doanh nghiệp đánh giá thì không ai muốn đầu tư cả vì không làm ra tiền.
GS-TS Võ Minh Tuấn trao đổi tại hội thảo. Ảnh: PA |
“Vì thế nhiều giáo sư, phó giáo sư hiện nay cũng chỉ là giáo sư lý thuyết, không có nghiên cứu thu hút được đầu tư để lấy tiền về, hoặc nếu có người làm được cũng rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chưa kể, nếu bây giờ làm khảo sát trên 4.000 thầy cô của trường về khởi nghiệp là gì, chắc chắn 90% người định nghĩa sai. Vậy thì làm sao sinh viên hiểu đúng và khởi nghiệp được ngay” – ông Tuấn thẳng thắn.
Do đó, ông Tuấn cho biết giải pháp của trường hiện nay là cần thông tin để sinh viên, đội ngũ trường hiểu rõ khởi nghiệp là gì.
Trường cũng khuyến khích các em bắt tay thể hiện sự hiểu biết của mình từ chính những luận văn, đề tài trong quá trình học và quan trọng là chấp nhận 99% sẽ thất bại.
“Tuy nhiên, chỉ cần các em hiểu được khởi nghiệp là gì, dám làm và rút ra những bài học từ thất bại là xứng đáng 10 điểm rồi. Từ đó sẽ dần lan tỏa tinh thần tìm hiểu, khởi nghiệp trong trường” – ông Tuấn nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Green+, cho rằng phải hiểu ĐH khởi nghiệp là sự tham gia của cả hệ sinh thái của trường. Tiềm lực của một trường ĐH là rất lớn, không thể mua bằng tiền nhưng nếu không biết tận dụng sẽ rất uổng. Ngay cả sinh viên muốn khởi nghiệp cũng phải biết trường mình có thế mạnh gì và khởi nghiệp hiện nay không chỉ dừng lại ở sinh viên mà ngay cả giảng viên cũng phải thay đổi tư duy và tham gia.
“Không thể nói sinh viên hãy khởi nghiệp đi là khởi được, tôi chứng kiến có những em khởi nghiệp xong còng lưng đi trả nợ. Rồi có những ý tưởng được giải thưởng nhưng xong về cất tủ vì sinh viên thì làm gì có tiền để làm.
Do đó, theo tôi, khởi nghiệp cần cả một đội ngũ hỗ trợ như thầy giáo, doanh nghiệp. Khi đó, các em không còn sợ không có nhà đầu tư, mà là nên sợ cái mình đưa ra là không thực tế, không bán được, không có thị trường” – ông Thành nói.
Ông Đặng Đức Thành thẳng thắn chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp trong trường ĐH. Ảnh: P.A |
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, cho hay muốn hình thành ĐH khởi nghiệp thì trước hết phải đổi mới tư duy của cả hệ thống trong trường, nhất là người lãnh đạo. Nếu tư duy lãnh đạo rộng mở sẽ huy động được tất cả các nguồn lực của trường, từ đội ngũ, cơ sở vật chất… để hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên.
"Còn nếu chúng ta hô hào nhưng lại đóng cửa hết thì thua, không thể nào thành công được. Chúng ta luôn chỉ nghĩ giáo dục là giáo dục, doanh nghiệp là doanh nghiệp, thầy giáo chỉ là thầy giáo, trong khi nếu chúng ta biết cách kết nối, tận dụng được thế mạnh của mình sẽ tạo nguồn thu rất lớn” – ông Trung chia sẻ.