Giáo dục đại học: Chỉ nên kiểm soát đầu ra

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quyết định bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu những trao đổi của TS Vũ Thị Phương Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chất lượng của Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ ngoài công lập xung quanh vấn đề này.

TS Vũ Thị Phương Anh quan ngại rằng dù cố gắng trao thêm quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ nhưng thực tế Bộ vẫn còn can thiệp quá sâu vào quá trình đó.

Dùng điểm liệt cũng sẽ không hiệu quả

. Phóng viên: Xin tiến sĩ cho biết thêm cách thức xác định điểm liệt ở Việt Nam?

Giáo dục đại học: Chỉ nên kiểm soát đầu ra ảnh 1
 
+ TS Vũ Thị Phương Anh: Trong khoa học trắc nghiệm không có phân biệt điểm sàn hay điểm liệt, mà chỉ xác định mức điểm “cắt” (cut-off), tức những ai nằm ở dưới mức cắt thì sẽ bị loại. Có hai phương pháp để xác định mức cắt này: Phương pháp tương đối, dựa trên việc quy đổi điểm thô kết quả của kỳ thi theo phương pháp thống kê và phương pháp tuyệt đối, dựa trên ý nghĩa của từng điểm số. Điểm liệt của Việt Nam có thể hiểu một cách đơn giản là điểm cắt được xác định theo phương pháp tuyệt đối, còn điểm sàn của kỳ thi “ba chung” là điểm cắt được xác định theo phương pháp tương đối.

Khi Bộ áp dụng “ba chung”, chúng ta đã áp dụng phương pháp sử dụng điểm tương đối (điểm thống kê) để tìm ra điểm sàn. Còn điểm liệt thì thường được áp đặt ở mức 3 điểm (trên thang 10) nhưng tôi cho đó là một cách làm thiếu cơ sở khoa học. Bởi điểm số đạt được của thí sinh còn phụ thuộc vào độ khó của bài thi: 3 điểm của một bài thi khó có thể tương đương với 6 điểm của một bài thi dễ.

. Nếu áp dụng điểm liệt như vậy, liệu có thể mang về hiệu quả như mong muốn?

+ Về lý thuyết, điểm liệt cũng là một giải pháp để đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu. Tuy nhiên, để đánh giá tính hiệu quả chính là cách thức xác định điểm liệt dựa trên cơ sở của khoa học trắc nghiệm, điều mà Việt Nam đang gặp khó. Lấy ví dụ dễ hiểu, khi chọn điểm liệt là 3 điểm thì cần phải chứng minh được những người đạt từ 3 điểm trở xuống của một môn nào đó sẽ không thể học được nếu đậu vào ĐH. Với cách làm đề thi hiện nay ở Việt Nam, tôi tin là không có ai dám quả quyết điểm rằng điểm liệt đã đưa ra là hoàn toàn chính xác. Vì vậy theo tôi, không nên đặt vấn đề điểm liệt hoặc điểm sàn gì cả, mà nên để các trường lấy từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu.

 Bộ GD&ĐT chỉ nên tập trung phương án đảm bảo chất lượng đầu ra. Trong ảnh: Sinh viên khoa Quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM tốt nghiệp và được các đơn vị tuyển dụng đánh giá năng lực. Ảnh: GIANG PHẠM

Bộ cứ giao cho trường tự do tuyển sinh

. Thực tế Bộ có xu hướng giao quyền tự chủ trong tuyển sinh về cho các trường. Tuy nhiên, nhiều băn khoăn là làm thế nào chất lượng kỳ thi quốc gia được đảm bảo?

+ Đừng quá nặng nề cụm từ “chất lượng kỳ thi”. Cơ quan quản lý giáo dục của các nước phát triển chẳng ai quan tâm về việc này, vì đó là việc của các trường. Thực ra bao giờ các trường cũng muốn tuyển được người tốt nhất để vào học. Vì nếu tuyển người kém thì cũng sẽ rất khó đào tạo, sinh viên vào học sẽ rớt lên rớt xuống rồi bỏ học hoặc học khó khăn và ra trường với điểm kém, không kiếm được việc làm, trường cũng mất uy tín. Tuy nhiên, cần phải lưu ý thêm là đối với các trường công lập có sử dụng ngân sách nhà nước thì để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, có thể tiếp tục áp dụng những biện pháp đảm bảo chất lượng kỳ thi theo cách làm như cũ: thanh tra trong các kỳ thi, hoặc lúc chấm thi, hoặc giải quyết tốt các khiếu nại hay kiện cáo.

. Không có Bộ can thiệp, liệu chất lượng người trúng tuyển đầu vào có được đảm bảo?

+ Các trường ĐH-CĐ biết họ cần đầu vào là những học viên như thế nào. Nhà nước cứ để họ tự do chọn lựa.

. Nhưng thực tế có nhiều trường cố lấy thật nhiều chỉ tiêu để được lợi, thưa tiến sĩ?

+ Chỉ tiêu không phải dựa trên mong muốn của trường, mà phải được căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng hay năng lực đào tạo của các trường… Đây là một cách để kiểm soát chất lượng. Trong điều kiện còn có nhiều trường thiếu thầy, thiếu cơ sở vật chất… như hiện nay thì việc cấp chỉ tiêu cho các trường phải được Bộ thẩm tra chặt chẽ, minh bạch. Không thả lỏng việc cấp chỉ tiêu cho đến khi hệ thống kiểm định chất lượng thực sự đi vào hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy.

. Theo bà, với các trường chọn phân khúc học viên đầu vào chất lượng thấp, Bộ nên ứng xử thế nào?

+ Nếu là trường tư, Bộ cứ hãy để thị trường sàng lọc và đào thải. Nếu trường đào tạo kém, chất lượng đầu ra không đạt nhu cầu xã hội thì tỉ lệ có việc làm sẽ thấp vì chẳng ai bỏ tiền ra thuê người không đủ năng lực về làm việc. Cũng chẳng ai dám vào học một nơi mà ra trường không xin được việc.

Mặt khác, quyền học là quyền tự do của người ta, Bộ không nên tạo rào cản. Kinh nghiệm cho thấy khoảng 10%-20% trong số những trường bị xem là chất lượng thấp vẫn có những sinh viên khẳng định được năng lực và có việc làm đàng hoàng. Nếu “bít cửa” đối với 100% học sinh tốt nghiệp THPT có điểm thi ĐH-CĐ thấp thì chúng ta đã làm mất đi một lượng lớn nguồn lao động đã qua đào tạo.

. Nếu Bộ đã không can thiệp phương án tuyển sinh của các trường, nên chăng bỏ luôn kỳ thi ĐH-CĐ?

+ Thi hay không là do các trường quyết định, Bộ không nên can thiệp. Trước đây nhiều trường ĐH cũng không tổ chức thi mà họ xét, kết quả đào tạo vẫn tốt. Tuy nhiên, các trường đào tạo ra nghề đòi hỏi trình độ cao như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo viên… thì phải thi, mặc dù thi thế nào thì vẫn do các trường quyết định. Điều quan trọng là đảm bảo chất lượng đầu ra chứ không phải là chất lượng đầu vào. Bộ hiện nay thì chỉ quản đầu vào còn đầu ra thì bỏ ngỏ.

Xây dựng hội nhà nghề “đo” chất lượng đầu ra

. Vậy theo tiến sĩ, kiểm soát chất lượng đầu ra của các trường bằng cách nào?

+ Phải sử dụng phương pháp kiểm định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ quan kiểm định không phải là Bộ GD&ĐT, mà là các hiệp hội nghề nghiệp. Mỗi ngành nghề đều có mỗi thang năng lực nhân sự, người lao động riêng do hội nghề nghiệp đặt ra. Ví dụ, để đánh giá chất lượng một sinh viên ngành báo chí thì Hiệp hội Nghề báo sẽ là tổ chức gồm những nhà báo có đầy đủ năng lực về chuyên môn và các yếu tố khác để kiểm định. Nhiệm vụ của Bộ là làm sao liên kết được các hội nghề nghiệp tham gia vào việc đánh giá chất lượng của sinh viên tốt nghiệp, từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong công tác quản lý chung, định hướng các trường điều chỉnh chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra hợp lý và thực tế.

. Làm sao để có thể phát triển mô hình kiểm định này tại Việt Nam?

+ Tôi thấy mô hình kiểm định theo kiểu hiệp hội nhà nghề là một điều mà Việt Nam hoàn toàn chưa có. Vậy nên, phải quan tâm ngay lập tức, nếu không thì sẽ không thể nào cạnh tranh được với các nước trong khu vực khi bắt đầu cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC vào năm 2015. Phải tăng cường vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc kết nối với các hội nhà nghề để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực đầu ra của các trường. Đồng thời, Nhà nước nên quan tâm, khuyến khích xây dựng phát triển các hội nhà nghề trong nước, phục vụ việc đánh giá năng lực sinh viên ra trường.

. Xin cảm ơn tiến sĩ.

ĐỖ THIỆN thực hiện

 

Các nước tính điểm liệt ra sao?

Ở các nước không có điểm liệt mà chỉ có điểm "cắt” (cut-off point). Cách tính điểm "cắt” theo phương pháp tuyệt đối: Cần phải có thang điểm mô tả (rubrics), theo đó từng điểm số sẽ kèm theo một bản mô tả về ý nghĩa của điểm số dựa trên thang năng lực của người học. Loại thang điểm này được dùng khá phổ biến trong các kỳ thi ngoại ngữ của các tổ chức khảo thí quốc tế.

Có thể lấy ví dụ là thang điểm 9 của phần ngữ pháp trong bài thi Writing của kỳ thi IELTS, như sau:

1 điểm = hoàn toàn không viết được thành câu; 2 điểm = chỉ viết được những câu quen thuộc do thuộc lòng; 3 điểm = câu viết có nhiều lỗi ngữ pháp và chấm câu làm ảnh hưởng nặng đến ý nghĩa của câu; 4 điểm = chỉ sử dụng được một số mẫu câu đơn giản, hầu như không dùng được câu phức…

Dựa trên thang mô tả này, có thể chọn mức năng lực tối thiểu cần có để có thể học, nếu dưới mức đó thì sẽ không thể học được. Năng lực ngoại ngữ cần có để theo học ở bậc ĐH chắc chắn phải từ 6 điểm IELTS trở lên, vậy có thể xem 6 điểm IELTS chính là mức cắt, dưới 6 điểm thì không thể có đủ khả năng để học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm