Giáo dục ĐH phải thực học
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận đến nay chất lượng giáo dục ĐH mới chỉ được đánh giá thông qua điểm số của sinh viên trong các kỳ thi. Nhưng khó có thể nói rằng kết quả thi phản ánh chính xác chất lượng đào tạo khi đề thi thường do người dạy ra, bài thi do người dạy chấm, nội dung thi lặp lại những điều thầy đã dạy trên lớp. Chính vì vậy, người học mất luôn thói quen đọc sách bởi học chỉ để đối phó với các kỳ thi mà đề bài chỉ yêu cầu nhắc lại những lời giảng của giáo viên trên lớp. Do đó, nhiều người đã nhận xét không cần đọc sách và không ham đọc sách là điểm phân biệt rất rõ giữa sinh viên, học viên sau ĐH nước ta với sinh viên, học viên sau ĐH các nước phát triển. “Để khắc phục những bất cập, hạn chế của giáo dục ĐH Việt Nam, theo tôi cần phải điều chỉnh mục tiêu giáo dục và xây dựng một nền giáo dục ĐH thực học và dân chủ. Các trường ĐH, CĐ cần nhanh chóng đổi mới chương trình và phương thức đào tạo để sinh viên phải được học những điều thiết thực, học gắn với hành, với yêu cầu của thị trường lao động” - GS-TS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc dạy, học chủ yếu diễn ra theo phương pháp thuyết trình, đọc chép nên cần phải được đổi mới. Trong ảnh: Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Văn Hiến. Ảnh: QUỐC DŨNG
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), qua khảo sát thì chương trình đào tạo các ngành KHXH&NV của một số trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM có một điểm chung rất lớn là hoạt động học chủ yếu diễn ra trong giảng đường, trong khuôn viên nhà trường. Không ít ngành học không thể tiến hành điều tra, khảo sát, tiến hành nghiên cứu thực địa một cách sâu sắc, toàn diện vì những trở ngại và khó khăn về tài chính. “Bên cạnh đó, khi trao quyền cho sinh viên tự quyết định khối lượng học tập, một số trường ĐH vẫn chưa thể thiết lập chặt chẽ hệ thống tư vấn, hỗ trợ… dẫn đến tình trạng người học không định vị được khối lượng học tập sao cho vừa sức mình nên hiệu quả học tập không cao” - PGS-TS Nguyễn Văn Kim nói.
Với những yếu kém đã tồn tại từ lâu của giáo dục ĐH, GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: “Giáo dục ĐH phải đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, thiết thực; phải khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc”.
Đào tạo cần liên thông với thị trường lao động
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cũng dẫn chứng do đào tạo theo lối đọc, chép nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi của các trường thường quá cao. “Chương trình đào tạo ở phần lớn các trường ít thực hành nên chưa tạo ra được năng lực nghề nghiệp cho người học. Các trường chưa thiết lập được liên lạc với số sinh viên ra trường nên gần như không có thông tin phản hồi từ các sinh viên tốt nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Đặc biệt, sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH với đơn vị sử dụng lao động rất lỏng lẻo. Một kinh nghiệm quý có thể tham khảo, ở Đức việc đào tạo thường có sự liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp theo tỉ lệ doanh nghiệp bỏ ra 70%, nhà nước 30% tổng chi phí đào tạo. Trong quá trình đào tạo, sinh viên có 70% thời gian học tại doanh nghiệp, 30% tại trường. Thời gian học tại doanh nghiệp, sinh viên được tiếp cận với toàn bộ thiết bị, công nghệ mới…” - GS-TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Còn bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng chương trình học có quá nặng nề không mà sinh viên khi ra trường còn thiếu kỹ năng thích ứng với xã hội. Doanh nghiệp chỉ tuyển dụng được một bộ phận nhỏ sinh viên mới ra trường vào làm việc hoặc nếu có tuyển dụng thì họ phải chấp nhận đào tạo thêm nhiều kỹ năng bổ trợ khác. Trong khi đó, những con số báo cáo cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp rất cao, số sinh viên có việc làm khi ra trường đạt 80%-90% bất kể họ có làm việc đúng ngành nghề đào tạo không, hay chỉ tìm được một việc làm nào đó để mưu sinh kiếm sống.
GS-TS Phùng Hữu Phú nói: “Cho đến nay giáo dục ĐH vẫn chưa khắc phục hạn chế được nêu trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII cách đây hơn 17 năm. Sinh viên do chúng ta đào tạo ra vẫn còn yếu về trình độ kiến thức, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ… Sau khi tốt nghiệp, số sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc phải đào tạo lại còn chiếm tỉ lệ cao”.
Cần làm rõ chuẩn đầu ra PGS-TS Nguyễn Văn Kim dẫn chứng chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy ở nhiều trường, ngành học còn lạc hậu. Nhiều ngành, môn học có những biểu hiện chậm phát triển, xa lạ với những bước tiến mới, thông tin khoa học mới so với thực tiễn sinh động của đời sống xã hội trong nước và càng trở nên xa lạ, lạc hậu so với môi trường học thuật của khu vực và quốc tế. Các chương trình giáo dục ĐH được yêu cầu làm rõ chuẩn đầu ra của chương trình để đánh giá chất lượng, gắn đào tạo với thực tiễn nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH, chương trình đào tạo vẫn thiếu vắng một nền tảng. Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đặt vấn đề: Có lập luận cho rằng đầu vào không quan trọng, chủ yếu là chuẩn đầu ra gồm những tiêu chí về chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Thế nhưng đến nay chúng ta đã có chuẩn đầu ra thực chất chưa hay vẫn còn chạy theo thành tích? Thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ hằng năm chỉ 50% kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp và trong số tìm được việc chỉ có 30% làm đúng ngành, nghề được đào tạo. Đơn cử qua tuyển dụng của Công ty Intel Việt Nam ở TP.HCM, trong gần 4.000 ứng viên tốt nghiệp ĐH thì chỉ có 2% đạt yêu cầu. |
QUỐC DŨNG