Thận trọng khi cho con du học sớm

Có không ít bậc phụ huynh vì nóng lòng muốn con có thể thành công sớm mà không dự liệu đến khả năng vô tình đẩy con trẻ vào tình trạng trầm cảm, thay đổi tính nết một cách tiêu cực, thậm chí là đi ngược lại với mục tiêu giáo dục.

Phụ huynh: Du học sớm con sẽ thành công sớm

Đối với trường hợp các học sinh quyết định rời trường học phổ thông tại Việt Nam, tìm đến học ở các nước phát triển thì hầu hết bậc phụ huynh của các em đều cho rằng nếu cho con đi du học sớm sẽ làm tăng khả năng thích nghi của con mình, sự trải nghiệm cũng nhiều hơn và chúng mau trưởng thành hơn do được tiếp cận sớm với nền giáo dục tiên tiến.

Song song đó còn có một nguyên nhân cụ thể hơn: Con đi du học sớm để lấy bằng tốt nghiệp cấp II, cấp III ở nước ngoài, bởi nếu con lấy bằng ở Việt Nam thì khi sang bên đó cũng sẽ phải học lại, rất thiệt thòi cho con. Chưa kể khi đã lấy được bằng tốt nghiệp phổ thông ở nước ngoài thì bọn trẻ có thể học đại học tại bất cứ quốc gia nào. Thế nên có không ít trường hợp các bạn trẻ học một lèo từ cấp III đến đại học, rồi học luôn cao học ở nước ngoài. Sau đó cứ thế mà bay cao, bay xa trên con đường phát triển sự nghiệp.

 

Ngoài việc cân nhắc thời điểm cho con du học, phụ huynh cần trang bị cho con mình tâm lý và kỹ năng tối thiểu để sống tự lập xa nhà.

Du học sinh phải gánh chịu tổn thương

Ở độ tuổi học THPT, khả năng tự lập của các học sinh, nhất là con em có điều kiện được bảo bọc từ nhỏ vẫn còn yếu. Thế nên nếu mạo hiểm cho con em đi du học sớm theo kiểu “cứ đi đi, tới đâu hay tới đó” cũng chưa hẳn là điều hay.

Trương Phạm Hoài Chung, cựu sinh viên Trường ĐH Williams (Mỹ), từng trải qua thời gian du học từ lớp 10 tại Singapore, chia sẻ trên trang cá nhân: “Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ muốn được đi du học từ năm 19 tuổi. Vì mình muốn trải qua giai đoạn vị thành niên cùng ba mẹ khi họ còn trẻ”. Anh chàng này kể: Năm 2000 khi mới qua Singapore, cứ mỗi lần nghe bài hát Lời ru cho con của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương là nước mắt tràn ra. Gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện chỉ năm phút mà mất 10 đôla thẻ điện thoại Singtel nên Chung cũng khó mà bày tỏ cho thỏa lòng. Còn viết thư tay cho mẹ thì anh chàng không dám kể chuyện buồn, mà chỉ cố trấn an gia đình bằng những câu chuyện… bình thường hoặc chuyện vui.

Hoài Chung chia sẻ: Ngày đó, đứa “du học sinh trẻ con” có lúc chạy ra chỗ khác chơi riêng vì các bạn nước ngoài không hiểu mình; có lúc bị bỏ lại một mình ở ga tàu điện vì hết tiền trong thẻ lẫn trong túi, phải đi xin đồng xu của người lạ; có lúc ăn mì gói nhiều quá khiến “khô” hết cả người;... Đó là những câu chuyện mà cha mẹ Chung không bao giờ biết bởi đơn giản anh chưa bao giờ dám kể. Chung kết luận: “Du học sớm cũng tốt nhưng tôi mất đi cơ hội được thấy ba mẹ khỏe mạnh. Đi du học mất 10 năm, khi về ba mẹ tôi đã già. Hai thế hệ xa cách lâu ngày, ngồi lại nói chuyện với nhau mới phát hiện có nhiều suy nghĩ khác biệt, khó dung hòa. Ba mẹ tôi cũng mất đi cơ hội được thấy con mình mọc cánh vươn vai và trưởng thành hơn từng ngày”.

Trang bị gì cho con khi học xa xứ?

Các chuyên gia tư vấn du học cho biết để việc du học đạt hiệu quả cao nhất, phụ huynh nên cho con đi du học khi con đã trưởng thành hay trên 18 tuổi vì lúc này chúng có thể tự chăm sóc mình và biết hoạch định mục tiêu cho bản thân. Cùng quan điểm này, một cựu du học sinh từ Mỹ nhận định: “Sống hết tuổi vị thành niên với ba mẹ khi họ còn trẻ là sướng nhất. Những lần tôi gặp hoạn nạn ở nước ngoài mà thoát ra một cách lành lặn cũng đều nhờ may mắn. Nhưng đã từng có gia đình nhà rất giàu có ở quê tôi đã mất 1 tỉ đồng để mang xác con từ Mỹ về sau một tai nạn. Từ đó họ không để tâm đến tất cả của cải mà chỉ một lòng nhớ thương than khóc con”.

Điều đặc biệt quan trọng là dù cha mẹ quyết định cho con đi du học ở tuổi 15 hay 19 thì nhất thiết phải trang bị cho con những kỹ năng tối thiểu:

1. Con sẽ đặt niềm tin vào ai? Với bạn bè mới, con có được chia sẻ những điểm yếu của mình mà không sợ bị nói xấu sau lưng hay không? Người lớn, ngoài thầy cô ra thì có đáng để con tin tưởng chơi thân hay không? Nếu bị cám dỗ, ai sẽ ở đó bảo vệ con? Hơn ai hết, phụ huynh phải chuẩn bị cho con những chỗ dựa tinh thần.

2. Con sẽ gọi cho ai khi gặp khó khăn? Về điều này, cựu du học sinh Hoài Chung nói: “Lúc bị bỏ rơi một mình ở tàu điện ngầm bên Singapore mà không có tiền, tôi không biết phải gọi cho ai. Nếu không nhờ người lạ cho đủ 45 xu để có một chuyến đi từ Orchard về Bishan, chắc tôi phải ngủ lại ở ga tàu điện. Ở Singapore thì an toàn chứ ở nước khác mà lạc một mình lỡ có chuyện gì thì thiên thần hộ mệnh sẽ bay từ đâu ra?”.

3. Con sẽ làm gì khi bị ốm nặng? Ai sẽ nấu cháo cho con? Ai sẽ đặt khăn ướt lên trán con? Chung kể: “Ngày trước có lần tôi vào bệnh viện ở Singapore một mình để chụp hình vì bác sĩ chẩn đoán nhầm là tôi bị khối u trong thận, tôi đã vô cùng hoang mang, tưởng sẽ chết một mình ở nơi đất khách”.

ĐẠI THẮNG

Hai nguy cơ khi bạn trẻ du học sớm

Các chuyên gia tâm lý, giáo dục đều cảnh báo có hai nguy cơ lớn có thể xảy ra khi phụ huynh cho con đi du học quá sớm bao gồm:

● Du học sinh tha hồ làm điều sai trái ở nước sở tại do thoát khỏi sự kèm cặp của cha mẹ.

Du học sinh trở nên cục tính, thiếu tự tin, trầm cảm do không thể hòa nhập cuộc sống mới. Ở độ tuổi mà nhận thức còn non nớt, hơn nữa nếu thiếu sự trang bị tâm lý đầy đủ từ cha mẹ thì du học sinh vẫn gặp phải tình trạng không bắt nhịp được cuộc sống mới vì trường học không thể quan tâm đến toàn bộ cuộc sống ngoài giảng đường của du học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm