TP.HCM: Đầu tư dạy và học tiếng Anh hiệu quả

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, TP.HCM là một trong những tỉnh, thành đạt kết quả cao. Đó là thành quả của quá trình liên tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng dạy-học, chú trọng phát triển năng lực cần thiết cho học sinh (HS) TP.

Tập trung phát triển năng lực học sinh

Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, TP.HCM có phổ điểm rất đẹp. Điểm trung bình các môn thi của HS TP đứng thứ 5/63 tỉnh, thành, tăng bốn bậc so với kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trong đó, môn tiếng Anh có điểm trung bình cao nhất cả nước, môn toán đứng thứ hai, môn ngữ văn xếp thứ sáu.

Đánh giá về kết quả này, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng những con số trên đã cho thấy việc đổi mới trong giáo dục tại TP là đúng hướng, bám sát mục tiêu đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh quá trình đổi mới giáo dục của TP thể hiện trên nhiều khía cạnh. Đó là sự đổi mới về phương pháp dạy học: Chuyển từ giảng dạy theo phương pháp từ chương sang giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của HS; giáo viên đóng vai trò người gợi mở, định hướng; cho HS tự học, tự nghiên cứu, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

Sở xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý là một trong những nội dung quan trọng mang tính đột phá. Năm học 2018-2019 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường và sân chơi trải nghiệm sáng tạo này đã thu hút 1.083 HS ở 617 đề tài. Trong đó, HS TP đã đoạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Theo ông Lê Hồng Sơn, nhờ tiên phong thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, TP.HCM đã đạt được những kết quả khả quan trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM. Để sản phẩm giáo dục đáp ứng yêu cầu cao của thị trường lao động thời 4.0, ngành GD&ĐT TP.HCM tập trung định hướng phát triển năng lực cần thiết cho HS như tự chủ, tự học, mở rộng giao tiếp, hợp tác, sáng tạo và linh hoạt giải quyết vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Về năng lực chuyên môn, HS được quan tâm phát triển ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, tin học, thẩm mỹ, thể chất…

Học sinh Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp, TP.HCM trong ngày hội STEM của trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đổi mới dạy và học tiếng Anh theo chuẩn

Có thể nói thành tích dẫn đầu cả nước về phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia năm nay của TP.HCM một lần nữa minh chứng về chủ trương đúng đắn, kịp thời trong đổi mới dạy và học tiếng Anh theo hướng thực chất, hiệu quả. Trong khi điểm trung bình môn tiếng Anh cả nước rất thấp thì TP.HCM lại đạt thành tích cao nhất với 5,78 điểm, tăng 0,69 điểm so với năm 2018 và cao hơn 1,42 điểm so với điểm bình quân cả nước.

Lý giải về thành tích trên, ông Lê Hồng Sơn cho hay trong khi Bộ GD&ĐT chỉ đạo và triển khai dạy tiếng Anh cho HS từ lớp 3 thì TP.HCM đã xin phép Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm nay. Đó là HS được học tiếng Anh ngay từ lớp 1 với thời lượng tám tiết/tuần và đến nay TP đã có 94,5% HS lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học.

Không những thế, các em còn được lựa chọn một trong nhiều chương trình học khác nhau như chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tự chọn và đặc biệt là chương trình giảng dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh (còn gọi là tiếng Anh tích hợp)...

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong tiết học thực hành môn Vật Lý với giáo viên nước ngoài. Ảnh: KB

Tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp, HS được học chương trình tích hợp khung quốc gia Anh-Việt ở ba môn toán, khoa học và tiếng Anh ở ba cấp tiểu học, THCS và THPT. Trong môi trường được học tập tiên tiến, được học với 100% giáo viên nước ngoài, HS không chỉ có nền tảng tiếng Anh chuẩn, tự tin giao tiếp mà còn phát triển kỹ năng toàn diện. Thông qua các tiết học khoa học chú trọng tăng tính thực hành, gắn với trải nghiệm thực tế, HS được đánh thức tư duy năng động, sáng tạo, biết ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Từ thực tế luôn tiên phong, chủ động tìm tòi các giải pháp phù hợp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh hiệu quả, chất lượng, TP.HCM đang từng bước trang bị hành trang kiến thức, năng lực cần thiết và trình độ ngoại ngữ chuẩn để HS tự tin trở thành công dân toàn cầu.

TP.HCM: Đầu tư dạy và học tiếng Anh hiệu quả ảnh 3
 

TP.HCM đủ năng lực để kiểm tra, đánh giá học sinh theo chủ trương đổi mới

Nếu theo dõi kết quả tốt nghiệp THPT của HS TP.HCM trong 10 năm trở lại đây sẽ thấy tỉ lệ tốt nghiệp rất ổn định, dù phương thức thi cử, kỷ luật phòng thi, chấm thi có nhiều thay đổi.

Điều này khẳng định chất lượng giáo dục tại TP.HCM ổn định. TP cũng có đủ năng lực và điều kiện để tổ chức kiểm tra, đánh giá HS theo chủ trương đổi mới.

Ông LÊ HỒNG SƠNThành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm