Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các đại học, học viện, trường đại học (ĐH), các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non và các Sở GD&ĐT về điều chỉnh lịch tuyển sinh ĐH và CĐ và điều chỉnh, bổ sung phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT 2021.
Theo đó, về xét tuyển thẳng, thời hạn gửi hồ sơ và xác nhận nhập học với thí sinh thi THPT đợt 1 trúng tuyển thẳng trước 17 giờ ngày 22-8; với thí sinh thi THPT đợt 2 trúng tuyển thẳng trước 17 giờ ngày 3-9.
Về xét tuyển đợt một, chậm nhất ngày 26-8, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe (lịch cũ là chậm nhất ngày 3-8).
Trước 17 giờ ngày 28-8, các cơ sở đào tạo tạo điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của cơ sở (lịch cũ là trước 17 giờ ngày 5-8).
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TP.HCM vừa qua. Ảnh: PA
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9 (lịch cũ là từ ngày 7-8 đến 17 giờ ngày 17-8). Các em điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ.
Trước 17 giờ ngày 7-9, Sở GD&ĐT và các điểm thu nhận hồ sơ hoàn tất cập nhật thông tin về điều chỉnh sai sót của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD&ĐT.
Các cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển đợt một theo Quy chế tuyển sinh từ ngày 12-9 đến 17 giờ ngày 15-9 và công bố kết quả trúng tuyển đợt một trước 17 giờ ngày 16-9 (lịch cũ là trước 17 giờ ngày 23-8).
Thí sinh xác nhận nhập học đợt một trước 17 giờ ngày 26-9 (tính theo dấu bưu điện).
Dự kiến từ ngày 3-10, cơ sở đào tạo tiến hành xét tuyển bổ sung, chú ý chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển. Các đợt xét tuyển tiếp theo và cập nhật danh sách trúng tuyển, nhập học theo quy định sẽ diễn ra đến tháng 12-2021.
Về hướng dẫn xét tuyển thí sinh đặc cách, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo xác định khu vực xét tuyển chủ yếu làm căn cứ tính toán; dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành/chương trình đào tạo tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Đối với các ngành/chương trình đào tạo có nhu cầu lớn, điểm chuẩn các năm trước thường cao (do cơ sở đào tạo xác định và giải trình) và các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định sau lịch xét tuyển chung.
Đồng thời các đơn vị được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành/chương trình đào tạo này tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ (thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của đơn vị).
Về phương thức, cơ sở đào tạo căn cứ lịch tuyển sinh điều chỉnh và thực tiễn để quyết định điều chỉnh, bổ sung phương thức xét tuyển phù hợp và tạo thuận lợi cho thí sinh. Trong đó có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia (dự kiến tổ chức trong tháng 9-2021) và phương thức khác (do đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm giải trình).
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với hai ĐH quốc gia và các địa phương tính toán, xác định thời gian, địa điểm thi đánh giá năng lực cho nhóm thí sinh đặc cách. Hai ĐH quốc gia sẽ công bố thông tin để thí sinh đăng ký dự thi, kèm theo đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các đơn vị có sử dụng kết quả kỳ thi này.
Các cơ sở đào tạo công bố đề án tuyển sinh đã được bổ sung, điều chỉnh trước 10-8; tổ chức cho thí sinh đặc cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo phương thức tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Bộ lưu ý việc xét tuyển riêng với thí sinh đặc cách phải tuân thủ theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Trong trường hợp có cùng phương thức và tiêu chí xét tuyển như các đối tượng dự tuyển khác ở các đợt xét tuyển khác trong năm tuyển sinh của cơ sở đào tạo thì điều kiện trúng tuyển phải được xác định là như nhau đối với từng ngành/chương trình đào tạo.