Giáo sư nông dân Võ Tòng Xuân

(PLO)- GS-TS Võ Tòng Xuân gần như dành trọn cả cuộc đời để nghiên cứu, phát minh và phổ biến các giống lúa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện đời sống người nông dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-8, nhiều người ở TP Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL bàng hoàng khi hay tin "Thầy Xuân vừa qua đời sáng nay". Sau đó, trên Facebook, Zalo cá nhân của nhiều người và Fanpage của Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Nam Cần Thơ đã đăng thông tin bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của GS-TS Võ Tòng Xuân.

GS-TS Võ Tòng Xuân
GS-TS Võ Tòng Xuân gần như dành trọn cả cuộc đời để nghiên cứu, phát minh và phổ biến các giống lúa để góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện đời sống người nông dân. Ảnh: NGUYỄN THANH

GS-TS Võ Tòng Xuân (sinh năm 1940, quê quán tỉnh An Giang), được nhiều người gọi bằng biệt danh thân thương là Giáo sư nông dân. Bởi lẽ phần lớn cuộc đời của ông gắn liền với cây lúa, hạt gạo với mục tiêu: “Để cho nông dân mình có cuộc sống tốt hơn”.

Nhân giống lúa cao sản đầu tiên cho ĐBSCL

Năm 2023, trong một lần trao đổi, GS-TS Võ Tòng Xuân từng tiết lộ cơ duyên mà ông gắn liền với cây lúa, hạt gạo là khi ông còn học ở Philippines. Đó là khoảng năm 1969, khi ông đang theo học về mía đường và làm giấy tại Trường đại học Nông nghiệp ở Philippines. Lúc này, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cũng xây dựng cánh đồng và cấp một số học bổng cho cán bộ khuyến nông các nước sang học tập, nghiên cứu.

Trong một lần gặp các cán bộ khuyến nông Việt Nam sang, ông Xuân nhận được thông tin: “Ở Việt Nam lúc này lúa tan nát hết rồi, ở đây sẵn có lúa thì học đi, học làm mía đường về thì xài gì được bây giờ”. Sau vài ngày suy nghĩ, ông Xuân sang IRRI “học lóm”, rồi ông được nhận vào làm nghiên cứu.

Hai năm sau, ông rời IRRI mang theo một số giống lúa ứng dụng trở về nước, công tác tại Viện đại học Cần Thơ (nay là Trường đại học Cần Thơ). Khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, ông Xuân lại nghĩ cách để giúp bà con nông dân có thể sản xuất, phổ biến các giống cao sản sau chiến tranh.

“Có thể nói, sau năm 1975, IRRI nắm gần như toàn bộ các giống lúa mới. Còn ở nước ta, nông dân vẫn còn trồng lúa mùa, mỗi năm một vụ, năng suất rất thấp. Càng tệ hơn, sau chiến tranh, đồng ruộng bị phá nát, nông dân bỏ hoang” - ông Xuân kể lại.

Đến năm 1976, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thời điểm đó là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM) trong nhiều lần gặp đã khuyến khích ông Xuân tập trung lo giúp cho cây lúa vì sau chiến tranh sẽ là cái đói ăn kéo đến.

gs-ts-vo-tong-xuan-6.jpg
Tháng 4-2022, GS-TS Võ Tòng Xuân vinh dự nhận “Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ” của Chính phủ Nhật Bản. Ảnh: NGUYỄN THANH

Sau nhiều lần suy nghĩ, tính toán, ông Xuân đã bàn bạc với lãnh đạo Đài PT-TH TP.HCM và Đài PT-TH Hậu Giang cũ đề xuất có chương trình truyền hình về khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát hàng tuần. Đây sẽ là kênh thông tin giúp bà con dân có thể tiếp cận về sản xuất nông nghiệp từ giống lúa cao sản, năng suất cao hơn.

Ngoài ra, ông Xuân còn phối hợp cùng các đồng nghiệp ở Trường Đại học Cần Thơ là chuyên gia về côn trùng, chuyên môn về bệnh lúa... từ đó, chọn ra những giống lúa mới thích nghi nhất với ĐBSCL để thay các giống lúa mùa và cả lúa IR5, IR8. Mặt khác, ông cũng khuyến khích sinh viên của mình đưa giống lúa mới về cho chính gia đình các bạn trồng.

“Kết quả, giống cao sản IR30 nhanh chóng phủ khắp đồng bằng, mang lại năng suất gấp 2-3 lần lúa mùa” - ông Xuân kể lại trong phấn khởi.

Xin đóng cửa trường 2 tháng để sinh viên ra đồng

Vui mừng cho bà con chưa được bao lâu, năm 1977, "cơn ác mộng" rầy nâu xuất hiện ở tỉnh An Giang. Nhiều diện tích lúa bị rầy nâu tấn công, làm lúa héo đến mức có thể châm mồi lửa là cháy rụi cả đồng.

Ông Xuân nhớ lại, thời điểm này, cả nước trong tình trạng thiếu lương thực, tại TP.HCM không tự chủ được gạo ăn. Còn nông dân bi đát tới mức nhiều nhà bán tủ thờ, lư hương để mua thuốc xịt rầy mà cũng bó tay vì rầy đã kháng thuốc.

Từ thực tế đó, ông đã gọi nhờ IRRI hỗ trợ bốn giống lúa mới là IR36, IR32, IR34, IR38, mỗi thứ 5 gram. Mặt khác ông cùng PGS Nguyễn Văn Huỳnh “đi bắt” rầy nâu về nghiên cứu biến chủng trong phòng thí nghiệm.

Sau khi nghiên cứu, so sánh, kết quả cho thấy giống lúa IR36 là giống có tính kháng rầy mạnh nhất, đặc biệt đây cũng là giống ngắn ngày. Thấy vậy, ông Xuân đã mang hết số giống IR36 của IRRI gieo thử nghiệm nhân giống lên và bảy tháng sau, thu được khoảng hai tấn lúa giống.

Năm 2023, GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng VinFuture (VinFuture Prize). Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp của giáo sư và các đồng nghiệp với công trình phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

“Giữa năm 1978, tôi xin Ban giám hiệu Trường đại học Cần Thơ làm một việc chưa từng có là đóng cửa trường hai tháng để sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất lúa, nhân giống lúa IR36 lên.

Trước khi đi, mỗi sinh viên đều được tôi dạy nằm lòng ba bài học, đó là: gieo mạ, làm mạ thật tốt; làm đất, cày bừa, bón phân lót; cuối cùng là thật tiết kiệm, cấy một tép, một bụi. Cứ như thế, sinh viên ở với nông dân hai tháng, cho đến khi “chắc ăn” mới từ biệt về trường” - ông Xuân kể.

Đến khi thu hoạch, nông dân địa phương này đong lúa giống cho nông dân ở địa phương khác. Rồi cứ vậy không bao lâu sau, diện tích lúa ở ĐBSCL hầu hết là giống lúa cao sản IR36, rầy nâu cũng vắng bóng trên đồng ruộng. Những năm sau đó, lúa mùa mỗi năm một vụ, năng suất 2-3 tấn/ha đã được thay thế gần như hoàn toàn bởi lúa cao sản hai vụ/năm, năng suất từ 9-10 tấn/ha.

Thành công bước đầu là thế, nhưng hành trình cùng cây lúa, hạt gạo của GS-TS Võ Tòng Xuân chưa bao giờ ngừng nghỉ. Khi giống lúa IR36 phát huy hiệu quả bước đầu là chặn ngăn được rầy nâu, giải quyết vấn đề lương thực.

Nhiều năm sau đó, nhận thấy gạo của giống lúa này chưa ngon cơm, ông Xuân lại tiếp tục nghiên cứu. Và sau đó, nhiều giống lúa mới đã ra đời góp phần đảm bảo lương thực cho nước nhà, giúp cuộc sống bà con nông dân đỡ vất vả hơn trước. Đơn cử như giống IR 50404 đến mãi sau này vẫn còn thịnh hành.

Có thể nói, trong hành trình giúp người nông dân Việt Nam chiến thắng thiên địch hại lúa, vượt qua tình trạng thiếu gạo, lúa cao sản ngày càng phát triển, ngành lúa gạo nước nhà ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu lúa gạo thế giới có công đóng góp không nhỏ của Giáo sư nông dân Võ Tòng Xuân.

GS-TS Võ Tòng Xuân (sinh năm 1940, quê quán tỉnh An Giang), từ trần hồi 7 giờ ngày 19-8, linh cửu được quàn tại nhà tang lễ Câu lạc bộ hưu trí TP Cần Thơ.

Ngày 22-8, thi hài GS-TS Võ Tòng Xuân sẽ được đưa về an táng tại quê nhà ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm