Giáo sư Võ Tòng Xuân: Độc quyền, giá gạo sẽ còn rớt thê thảm

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Độc quyền, giá gạo sẽ còn rớt thê thảm ảnh 1

Giá xuất khẩu gạo xuống thấp khi còn duy trì độc quyền xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến, đóng gói gạo xuất khẩu tại Tiền Giang. Ảnh: HTD

Dân tiếp tục kêu giá lúa xuống quá thấp

Ngày 7-7, tại kỳ họp HĐND hai tỉnh An Giang và Kiên Giang cử tri tiếp tục phản ánh chuyện giá lúa xuống thấp.

Cử tri An Giang kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết trong điều hành, khắc phục tình trạng giá phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp tăng giá bất thường. Chỉ đạo điều tra chi phí sản xuất vụ hè thu và sớm công bố giá thành để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân đảm bảo có lãi. Nghiên cứu chuyển đổi thời gian hợp lý để gieo trồng hai vụ hè thu và thu đông thành một vụ, đảm bảo lợi ích cho người dân…

Đa số cử tri Kiên Giang cũng đặc biệt quan tâm đến việc tiêu thụ lúa hè thu sắp tới. Được biết, giá lúa ngày 7-7 tại khu vực một số tỉnh vùng ĐBSCL xuống còn trên dưới 3.000 đồng/kg, trong khi vài tuần nữa lúa hè thu tại hai tỉnh trên bước vào thu hoạch.

VĨNH SƠN

Pháp Luật TP.HCM ra ngày 3-7 có bài “Bù lỗ dài dài vì độc quyền xuất khẩu gạo”. Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, khẳng định còn duy trì độc quyền xuất khẩu chỉ làm cho giá xuất khẩu gạo ngày càng xuống thấp.

Triệt tiêu gạo có thương hiệu

+ Giáo sư Võ Tòng Xuân: Rõ ràng chính sách hỗ trợ 100% lãi suất chỉ tập trung cho doanh nghiệp chứ không cho người trồng lúa. Nói rằng Chính phủ ra lệnh cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo đảm bảo nông dân có lãi 30% nhưng mọi chuyện đều do Hiệp hội Lương thực và tổng công ty quyết định.

Việc để cho các tổ chức này toàn quyền quyết định thì tất yếu họ phải đặt lợi nhuận của họ lên đầu tiên chứ không chú trọng lợi ích nông dân. Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để mua lúa của nông dân theo giá thị trường đâu có được, bởi giá thị trường hiện đang rớt dữ lắm.

Làm như thế thì chết nông dân. Giá mua phải do một hội đồng độc lập gồm các nhà khoa học, doanh nghiệp, đại diện người tiêu dùng, người sản xuất định ra trên cơ sở nhà nước cầm trịch.

. Phóng viên: Hiện phần lớn gạo xuất khẩu đều thông qua các tổng công ty (Vinafood 1 và Vinafood 2). Nhiều người cho rằng gạo Việt Nam xuất khẩu giá thấp do độc quyền xuất khẩu gây nên. Vậy theo ông, có nên thay đổi hay xóa việc độc quyền này không?

+ Xóa hay không thì còn do Thủ tướng quyết định nhưng một điều chắc chắn nếu cứ duy trì mãi tình trạng độc quyền sẽ không tốt cho xuất khẩu gạo. Có những nơi người ta làm tốt về thương hiệu, chất lượng gạo nhưng không được xuất. Ví dụ như Công ty ADC (Tiền Giang) và Hợp tác xã Mỹ Thành đã xây dựng nên thương hiệu gạo Tứ Quý nổi tiếng nhưng họ không muốn mở rộng sản xuất. Lý do gạo sản xuất ra thừa cung cấp cho các siêu thị trong nước và muốn hướng tới xuất khẩu nhưng muốn xuất lại phải qua tầng nấc nên thôi.

Hiện gạo Việt Nam xuất khẩu không có thương hiệu gì hết. Gạo xuất khẩu do thương lái mua nhiều nơi, nhiều giống khác nhau. Một lô gạo mà có nhiều giống khác nhau chắc chắn không thể xuất khẩu giá cao được. Theo thống kê của quốc tế, gạo Việt Nam có cùng chủng loại chưa bao giờ cao hơn gạo Thái Lan.

Không lo thiếu gạo

. Thái Lan - nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới điều hành xuất khẩu gạo như thế nào, thưa ông?

+ Thái Lan có 11 công ty xuất khẩu gạo thì những công ty này đều có thị phần xuất khẩu khác nhau. Bộ Thương mại Thái Lan làm công tác dự báo rất tốt. Họ cho công bố rộng rãi lượng gạo xuất khẩu trong năm rồi từ đó thu mua dự trữ đảm bảo cho nông dân có lãi. Sau đó, lượng gạo này được phân ra từng loại, đồng nhất về chất lượng rồi bán cho doanh nghiệp nào có nhu cầu xuất khẩu. Doanh nghiệp nào cần số lượng bao nhiêu, chủng loại nào cứ việc liên hệ với bộ phận phân phối của bộ này. Chính quyền Thái Lan còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kho trữ, cơ sở lau bóng, đóng bao bì ngay chính tại thị trường xuất khẩu để cung cấp cho thị trường đó. Do có thương hiệu, chất lượng ổn định nên gạo Thái Lan luôn xuất khẩu với giá cao.

. Một số người viện lý do an ninh lương thực để chi phối xuất khẩu gạo. Theo giáo sư, Việt Nam có bị an ninh lương thực đe dọa hay không?

+ Việc thiếu lương thực sẽ không bao giờ xảy ra đối với nước ta. Qua hệ thống dự báo và thống kê, chúng ta biết được lúa chỗ nào mới gieo, chỗ nào sắp chín, sản lượng bao nhiêu... Từ đó, cơ quan chuyên trách sẽ cân đối sản lượng, nhu cầu trong nước để từ đó quyết định cho doanh nghiệp xuất hay không, số lượng bao nhiêu… Trong trường hợp thiếu lương thực cục bộ thì ta vẫn đủ khả năng vận chuyển, cung cấp lương thực cho vùng thiếu một cách nhanh nhất.

. Xin cảm ơn giáo sư.

Tiêu điểm

Mua gạo giá cao bị làm khó (!?)

Năm 1993-1994, Công ty American Rice Company (ARC) của Mỹ hợp tác với một công ty gạo ở Cần Thơ và trang bị lại cơ sở chế biến, xay xát gạo tại Trà Nóc đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường xuất khẩu, công ty này nhờ chính quyền tại đây xác định vùng nguyên liệu để mua gạo xuất khẩu. Công ty này đầu tư và chỉ chọn mua một giống IR 64 theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Kết quả là gạo họ bán rất tốt. Giá xuất khẩu của ARC vào năm 1995 là 350-380 USD/tấn trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ xuất trên 200 USD/tấn. Tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn tại Việt Nam, ARC vấp phải sự phản đối của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong nước. Họ cho rằng do ARC phá giá thị trường, mua gạo với giá quá cao khiến doanh nghiệp trong nước không theo kịp. Trước nhiều áp lực khiến ARC một thời gian sau phải rút lui.

Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm