GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TAND

Giao tòa xem xét văn bản trái luật: Cần đánh giá kỹ!

(PLO)- Nếu quy định tòa án có thẩm quyền bãi bỏ văn bản trái luật thì phải đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những vấn đề mà báo Pháp Luật TP.HCM đang ghi nhận ý kiến góp ý là có nên giao cho tòa án xem xét văn bản trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi chung là văn bản trái luật) hay không. Đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu thật kỹ, không chỉ vì nó liên quan đến thẩm quyền đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản hiện nay

Thời gian qua, công tác kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL đã được Sở Tư pháp TP.HCM và các sở, ban ngành TP, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống VBQPPL tại TP thường xuyên được kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu lực, những văn bản không còn phù hợp được kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

p7_anh chinh_ba hanh_binh ngo.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: QH

Dù vậy, quá trình thực hiện chúng tôi vẫn còn một số khó khăn, cụ thể như vẫn còn văn bản sai sót về thẩm quyền ban hành, nội dung quy định không phù hợp với các văn bản của trung ương, một số văn bản cá biệt nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Các sai sót trên nguyên nhân phần lớn từ việc cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Bên cạnh đó, TP.HCM là một đô thị đặc biệt, có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, nhiều quan hệ xã hội chưa được luật, văn bản của trung ương dự liệu. Từ đó, TP.HCM phải có quy định đặc thù để kịp thời điều chỉnh nhưng đồng thời phải có sự hài hòa, phù hợp với quy định của cả nước. Chính vì thế, nhiều quy định của TP ban hành đáp ứng sự cấp thiết của công tác quản lý đặc thù trên địa bàn nhưng vô hình trung lại chưa phù hợp với các quy định cấp trên. Cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL vẫn còn nhiều biến động về nhân sự nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu...

Cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn

Về đề xuất giao cho tòa án xem xét văn bản trái luật của dự thảo Luật Tổ chức TAND, nếu đồng ý với kiến nghị này thì cơ quan nhận được kiến nghị phải ban hành văn bản mới sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ VBQPPL bị kiến nghị. Việc xây dựng và ban hành này bắt buộc phải tuân theo trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL.

Theo đó, trong vòng 30 ngày (theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 114 Luật Tố tụng hành chính) rất khó thực hiện được việc xây dựng, ban hành VBQPPL mới sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản bị kiến nghị. Cũng cần đề cập đến một khả năng là trong quá trình soạn thảo, sau khi tiếp nhận các ý kiến góp ý và thẩm định lại đi đến kết luận là không cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ như tòa án đã kiến nghị.

Đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tòa án chỉ có thẩm quyền kiến nghị; còn đối với nghị định, thông tư… tòa án có quyền không áp dụng mà áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ án. Vì vậy, trường hợp tòa án đang thụ lý vụ án mà phát hiện luật, pháp lệnh có nội dung trái với hiến pháp thì phải tạm đình chỉ vụ án (vụ án hành chính, hình sự) để chờ quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cạnh đó, việc quy định tòa án có thẩm quyền bãi bỏ VBQPPL theo điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo dù phù hợp với nội hàm quyền tư pháp tại khoản 1 Điều 2 dự thảo (dự thảo lần hai) nhưng cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành về ban hành và xử lý VBQPPL.

Cụ thể, Luật Ban hành VBQPPL quy định cụ thể thẩm quyền của các cơ quan trong việc rà soát, đình chỉ, bãi bỏ VBQPPL. Do đó, cần đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan này có bất cập gì, quy trình, thủ tục xử lý VBQPPL trái luật có khó khăn, vướng mắc ra sao để xác định sự cần thiết quy định thẩm quyền của tòa án bãi bỏ VBQPPL.

Hiện nay chúng ta vẫn còn tình trạng quy định giữa các luật chưa thống nhất, các cơ quan ban hành VBQPPL là để điều chỉnh các quan hệ xã hội chung. Do đó, trường hợp khi tòa án giải quyết vụ việc cụ thể, có thẩm quyền bãi bỏ VBQPPL mang tính điều chỉnh chung thì việc giải quyết hậu quả phát sinh (nếu có) của những vụ việc, quan hệ xã hội khác đang do VBQPPL này điều chỉnh mà ngoài phạm vi vụ việc của tòa án đang xem xét thì giải quyết như thế nào? Thiết nghĩ chúng ta cần xem xét thấu đáo để tránh khoảng trống pháp luật này.

Dự thảo lần ba khác dự thảo lần hai

Luật Tổ chức TAND 2014 quy định trong quá trình xét xử vụ án, tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản trái luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tại dự thảo (lần hai) Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), TAND Tối cao đã đề xuất bổ sung thẩm quyền “xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL trong xét xử theo quy định của luật”.

Cụ thể, trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản trái luật mà không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản theo kiến nghị thì tòa án tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản. Khi hết thời hạn pháp luật quy định mà cơ quan có thẩm quyền không sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản; hoặc trường hợp có văn bản đề nghị của cơ quan có liên quan thì tòa án có thẩm quyền xem xét, bãi bỏ VBQPPL từ cấp bộ trưởng trở xuống và áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất được công bố trên cổng thông tin điện tử TAND Tối cao (dự thảo lần ba), cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh đề xuất trên theo hướng chỉ bổ sung vào luật quy định nếu “kiến nghị bất thành” thì tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm