Góp ý sửa đổi Luật Tổ chức TAND

Giao tòa xem xét văn bản trái luật: Hướng đi tốt, tiến bộ

(PLO)- Đặt vấn đề xử lý văn bản trái pháp luật ở kênh tư pháp là hướng rất tiến bộ, người dân được nhờ nhưng phải tính kỹ phương án thực thi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc có nên giao cho tòa xem xét văn bản trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi chung là văn bản trái pháp luật) hay không. Bởi lẽ thực tiễn cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều văn bản trái pháp luật mà chưa được xử lý.

Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp.

Trong quá trình xét xử, tòa án phát hiện văn bản trái luật sẽ có quyền gì là vấn đề được quan tâm khi sửa đổi Luật Tổ chức TAND. Ảnh minh họa: HUỲNH HẢI

Trong quá trình xét xử, tòa án phát hiện văn bản trái luật sẽ có quyền gì là vấn đề được quan tâm khi sửa đổi Luật Tổ chức TAND. Ảnh minh họa: HUỲNH HẢI

Vướng nhất là chuyện e ngại, nể nang

. Phóng viên: Thưa ông, việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm đang được giao cho Cục Kiểm tra VBQPPL. Vậy thì vấn đề kiểm tra văn bản được đặt ra khi nào?

+ TS Lê Hồng Sơn: Vấn đề kiểm tra và nâng chất lượng hệ thống văn bản được đặt ra ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi chuẩn bị ban hành dự án Luật Ban hành VBQPPL đầu tiên.

Tuy nhiên, thời điểm đó mới chỉ đưa ra cơ chế soạn thảo đa ngành, có chuyên gia, cơ chế thẩm định, thẩm tra, cơ chế thảo luận tập thể thông qua theo luật định; còn cơ chế hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ đến đầu những năm 1990, khi nghiên cứu sửa hiến pháp đặt vấn đề VKS không thực hiện chức năng kiểm sát chung, trong đó có kiểm sát văn bản, người ta mới sực nhớ rằng không có cơ chế hậu kiểm.

. Đó là lý do ông xây dựng và đề xuất cơ chế hậu kiểm - kiểm tra VBQPPL?

+ Khi đó, tôi nói với bộ trưởng Bộ Tư pháp rằng kể cả VKS tiếp tục thực hiện chức năng kiểm sát văn bản đi nữa thì hệ thống cơ quan hành chính vẫn phải làm việc này. Bởi cả hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định từ trung ương xuống địa phương, cấp trên bãi bỏ văn bản sai trái của cấp dưới nhưng thực tế không có cơ chế, điều kiện, không có lực lượng để thực hiện việc xử lý. Kết quả là mấy chục năm không làm được gì, chỉ trông chờ vào kiểm sát thôi.

Sau khi phát hiện ra khiếm khuyết của hệ thống hành chính là không có cơ chế “trên thẩm tra dưới” để phát hiện ra những sai trái, tôi đã đề xuất cơ chế hậu kiểm - kiểm tra văn bản.

. Là cha đẻ của cơ chế kiểm tra văn bản, ông đánh giá ưu điểm, nhược điểm của cơ chế này thế nào?

+ Nói về cái hay, bây giờ có cả hệ thống tổ chức, nhân sự, kinh phí, điều kiện để thực hiện việc kiểm tra, phát hiện nội dung sai trái. Anh là người trong cuộc, có quan hệ cấp trên - cấp dưới, anh biết và xử lý trong hệ thống sẽ có nhiều thuận lợi.

Nhưng cái dở, cũng vì trong hệ thống nên không tránh khỏi câu chuyện e ngại, nể nang. Theo tôi, đây chính là vướng bận lớn nhất. Chung quy lại mọi việc vẫn là do con người thực hiện. Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng muốn làm công tác kiểm tra này thật tốt, vấn đề đầu tiên phải là trình độ, bản lĩnh, cái tâm của người làm công tác này. Không có bản lĩnh không làm được đâu, e trước ngại sau, sợ sệt va chạm thì làm sao mà xử lý được.

. Ông đánh giá việc hậu kiểm văn bản hiện nay ra sao?

+ Khi xác lập nên cơ chế hậu kiểm, tôi đã xây dựng cơ chế gọi là thông báo; cho cơ chế tự kiểm tra, xử lý để làm mềm hóa, để sự việc bớt căng thẳng. Thế nên mới có chuyện báo cho biết là anh sai để anh tự xử.

Đáng tiếc hiện nay không làm tốt vì vấn đề kỷ luật, kỷ cương, bản lĩnh, cái tâm của một bộ phận cán bộ. Khi xử lý văn bản sai trái vấp phải nhiều băn khoăn, e ngại, thậm chí là e sợ va chạm.

. Vậy cơ chế kiểm tra văn bản còn có thể hoàn thiện hơn về thẩm quyền, quy trình, thủ tục không, thưa ông?

+ Cơ chế kiểm tra, xử lý văn bản do tôi nghiên cứu và đề xuất, Bộ Tư pháp trình Chính phủ thông qua; sau đó, Chính phủ trình Quốc hội đưa vào thành một cơ chế trong Luật Ban hành VBQPPL. Đó là cơ chế mà theo tôi, muốn hơn nữa rất khó.

Cơ chế kiểm tra văn bản có những mặt hay nhưng đồng thời cũng có những hạn chế nên việc đặt vấn đề xử lý văn bản trái pháp luật ở tòa án là hướng rất tốt.

Cho người dân có quyền khởi kiện văn bản sai thì càng tốt

. TAND Tối cao đang nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức TAND. Đáng chú ý là cơ quan chủ trì soạn thảo từng đề xuất giao tòa án xem xét, quyết định VBQPPL trái pháp luật. Ông đánh giá thế nào về điều này?

+ Như tôi đã đề cập, cơ chế kiểm tra có những mặt hay nhưng đồng thời cũng có những hạn chế về vấn đề quyền lực, chất lượng xử lý. Khi nghiên cứu sửa Hiến pháp 1992 có bàn đến cơ chế gọi là bảo hiến, tôi cũng rất tâm đắc và đề nghị mấy lần nhưng chắc điều kiện chưa chín muồi nên chưa được chấp nhận.

Bây giờ đặt vấn đề xử lý văn bản trái pháp luật ở kênh tư pháp - tòa án là hướng rất tốt, cơ bản tôi ủng hộ. Đây là kênh rất tiến bộ, rất văn minh, người dân được nhờ. Nếu nghiên cứu mở rộng hơn, cho người dân có quyền khởi kiện văn bản sai nữa thì càng tốt.

. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất nói trên. Có ý kiến đề nghị trao thẳng thẩm quyền này cho tòa án xem xét, quyết định; ý kiến khác lại đề xuất giao tòa án xem xét, quyết định “theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”... Ông nghiêng về đề xuất nào?

+ Tôi không nghiêng về phương án nào. Cả hai phương án đều nên nghiên cứu cho kỹ và nhập vào để hoàn thiện thì tốt hơn.

Thực ra khi TAND Tối cao đề xuất cơ chế này là manh nha của cơ chế bảo hiến rồi. Nhánh tư pháp can thiệp vào để giải quyết những văn bản sai trái của bên hành pháp là chủ trương tốt nhưng cách thức thế nào phải tính thêm vì đề xuất này có cái được, có cái còn “non”.

Đề xuất này, về bản chất, cũng vẫn chỉ là “tắm từ vai trở xuống” thôi và cũng mới dừng ở kênh hành pháp. Những vấn đề cơ bản và rộng lớn hơn thì vẫn còn nguyên đó, cơ chế bảo hiến vẫn còn là một thứ xa vời vì còn e ngại, băn khoăn đủ thứ.

. Xin cảm ơn ông.

Mở rộng thẩm quyền cho tòa phù hợp với cải cách tư pháp

Về mặt hiến định, TAND chưa được trao thẩm quyền kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL. Do vậy, Luật Tổ chức TAND hiện hành chỉ cho phép trong quá trình xét xử, tòa án có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ. Quy định này vô hình trung đã mặc định tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL, đồng thời hạn chế cơ hội vá lỗi cho hệ thống pháp luật và tước đi quyền khởi kiện đối với việc ban hành VBQPPL trái pháp luật của cá nhân, tổ chức một cách thiếu chính đáng.

Do đó, việc mở rộng thẩm quyền tư pháp của TAND phù hợp với cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nó tạo tiền đề đột phá trên con đường xây dựng một nền tài phán hiến pháp (bảo vệ hiến pháp thông qua hoạt động xét xử của tòa án), đây là xu hướng tiến bộ của các thể chế pháp quyền đương đại.

Tuy nhiên, để đề xuất này khả thi và hiệu quả thì việc xem xét tính đồng bộ và hợp lý về mặt thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật giữa các cơ quan nhà nước cần được ưu tiên.

Cạnh đó, theo tôi, cần mạnh dạn trao quyền đề nghị xác định tính hợp hiến, hợp pháp đối với các VBQPPL cho mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân.

ThS LƯU ĐỨC QUANG, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

(YẾN CHÂU ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm