Đó chính là Ngô Đình Quang (SN 1941), đối tượng mang trên mình lệnh truy nã của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hải Phòng trong suốt 10 năm qua.
Đón một thương gia quá cảnh
Ga hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội liên tục những chuyến phi cơ lên xuống. Ngày 20-5-2010, như thường nhật, nhà ga vẫn tấp nập đón các đoàn khách xuất nhập cảnh qua thủ đô Hà Nội. Đúng 15 giờ 30, một đoàn thương gia người Trung Quốc đang làm các thủ tục để chuẩn bị lên máy bay đi Viêng Chăn (Lào), đột nhiên mọi hoạt động như dừng lại khi một người trong đoàn có hộ chiếu quá cảnh được các sĩ quan Đồn cửa khẩu Nội Bài thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an và nhân viên an ninh sân bay kiểm tra kỹ hơn. Dáng người to cao, bệ vệ, nước da trắng, khuôn mặt chữ điền, đeo kính trắng, tay xách cặp đen, y phục kiểu tây, vị thương gia đạo mạo bước vào trụ sở Đồn cửa khẩu Nội Bài. Tại đây, ông ta lớn tiếng: “Tôi chẳng có tội gì sao lại dừng bay?”.
Ngô Đình Quang
Khi được yêu cầu xuất trình tất cả các loại giấy tờ tùy thân, bất giác ông ta luồn tay vào cặp da rút ra vài tấm ảnh 4x6cm định xé. Nhanh như cắt, một cán bộ đồn cửa khẩu đã kịp thời chặn lại. Ngay lúc đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hải Phòng sau khi được Đồn cửa Khẩu Nội Bài thông báo về một hành khách có đặc điểm như đối tượng trong lệnh truy nã toàn quốc và thông báo của Interpol cũng vừa có mặt. Không những xác định chính xác thương gia này chính là Ngô Đình Quang (SN 1941, nguyên Giám đốc Chi nhánh Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông tại Hải Phòng) là đối tượng truy nã toàn quốc và quốc tế, mà đại úy Nguyễn Anh Cường, điều tra viên Công an Hải Phòng, còn cho biết: Sở dĩ Quang định xé những tấm ảnh ở trong cặp bởi đó là tấm ảnh vợ không hôn thú và là đồng bọn của y trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người xuất khẩu lao động nghiêm trọng xảy ra năm 2001 mà cơ quan an ninh vẫn đang phát lệnh truy nã. Tấm ảnh nói trên nằm trong người y thì tất cả sự nguỵ trang đóng vai thương gia Trung Quốc coi như vô nghĩa và không còn gì để chối cãi với cái tên đích thực là “giám đốc Ngô Đình Quang”.
Nhìn chiếc Airbus 320 chở hành khách và đoàn thương gia Trung Quốc cất cánh khỏi sân bay Nội Bài, Ngô Đình Quang tâm trạng hoảng loạn, tuyệt vọng, y còn định nhảy từ tầng hai nhà ga xuống đất hòng tẩu thoát, song mọi phương án bảo vệ đã được siết chặt, an toàn. Ngay trong ngày, vị thương gia này cũng đã được “đón tiếp” cẩn thận và đưa về Hải Phòng theo đúng thủ tục qui định của pháp luật.
Giở lại hồ sơ
Ngô Đình Quang là người Nam Định. Năm 1918, bố mẹ y đi phu, xây dựng tuyến đường sắt Vân Nam - Trung Quốc rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp tại huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Quang sinh ra, lớn lên cũng tại nơi này. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng ở Trung Quốc, Quang về Việt Nam định cư và công tác tại Tổng cục Lâm nghiệp. Sau đó Quang chuyển về công tác tại Viện Xây dựng công nghiệp Hà Nội, rồi làm Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch công nghiệp tại Móng Cái, Quảng Ninh. Năm 1998, Quang về Hải Phòng sinh sống và làm giám đốc Chi nhánh Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông tại Hải Phòng.
Khi mới hồi hương, Quang xây dựng gia đình và có ba con trai. Không may năm 2004 người vợ cả qua đời, Quang đi bước nữa và có một con gái, nhưng rồi năm 1999 lại chia tay vợ. Theo lời thú tội của Ngô Đình Quang thì ngay từ năm 1993, lúc đó y là đại diện của Viện Xây dựng công nghiệp Hà Nội, xuống Hải Phòng xuất xi măng. Tại đất cảng, y quen và rất ấn tượng với một cô gái có nhan sắc, bán tạp hóa ở 79 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Đó chính là Vũ Thị Ngân, SN 1964, ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng (tội phạm truy nã sau này).
Vũ Thị Ngân
Tháng 4-2000, Đặng Thị Nhị, SN 1956, ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng, cùng Ngân thành lập Công ty CP đào tạo và hợp tác xuất khẩu lao động Hải Phòng, trụ sở đặt ngay tại nhà Ngân, do Nhị làm giám đốc, Ngân làm phó giám đốc kiêm thủ quỹ. Còn Ngô Đình Quang sau khi chuyển về Hải Phòng công tác, đem lòng say đắm Ngân, rồi hai người chung sống với nhau và năm 1991 sinh một con gái ngoài giá thú. Đây cũng chính là lối rẽ vào con đường lao lý của một “chuyên gia” làm giám đốc. Ngày 24-4-2001, Công ty của Nhị và Ngân ký với Nguyễn Thanh Hùng, SN 1950, ở quận Đống Đa, Hà Nội (giám đốc Công ty CP thủ công mỹ nghệ Việt Nam) một bản hợp đồng cung ứng lao động phổ thông. Nội dung đưa gần 100 người lao động Việt Nam sang Đubai (thủ đô Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) làm việc. Mức đóng tương đương trên dưới 10 nghìn USD mỗi người.
Song đây lại là một phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định và Hải Phòng đến đăng ký xuất khẩu lao động. Bởi việc ký hợp đồng xuất khẩu lao động này không có giấy phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mặt khác, visa cấp cho người đi Đubai là visa du lịch thời hạn một đến ba tháng, trong khi lẽ ra phải là visa lao động. Tuy nhiên, do đối tượng treo hai ảnh người nước ngoài, quảng cáo đó là đại diện từ Đubai sang Việt Nam tuyển lao động khiến những người bị hại hết sức tin tưởng.
Trong phi vụ này, Quang tuy không phải là người trong công ty của Nhị và Ngân nhưng lại là đối tượng tham gia đắc lực và xông xáo nhất. Bản hợp đồng đã đưa được 54 người sang Đubai, các đối tượng thu được số tiền lớn của người lao động, trong đó Quang trực tiếp thu trên 500 triệu đồng. Hết thời hạn ba tháng du lịch, 54 người lao động Việt Nam bị các cơ quan môi giới xuất khẩu lao động bỏ rơi và sẽ bị trục xuất khỏi Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Thời điểm đó Ngân và Hùng đang ở Đubai thấy vậy đã lẩn trốn. Vụ việc vỡ lở, gần 50 người đang học tiếng Anh để chuẩn bị đi tiếp theo hợp đồng đã ký thấy vậy liền đến trụ sở công ty tìm Quang và Nhị đòi tiền. Tuy nhiên, Ngô Đình Quang nhận được thông tin trước đã nhanh chân trốn sang Trung Quốc.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã xử lý và ra lệnh truy nã toàn quốc đồng thời thông báo truy nã về Văn phòng Interpol Việt Nam đối với Ngô Đình Quang, Vũ Thị Ngân và Nguyễn Thanh Hùng. Đặng Thị Nhị sau khi trình diện và kịp thời khắc phục hậu quả, Cơ quan An ninh Công an thành phố Hải Phòng tạm thời chưa xử lý hình sự. Căn cứ tài liệu điều tra, trong thời gian lẩn trốn ở nước ngoài, Quang đã rất nhiều lần đi Lào và Campuchia môi giới buôn bán gỗ. Và kết cục của kẻ cố tình giấu mặt 10 năm vẫn không thoát khỏi lưới trời và sự sắc sảo của cơ quan an ninh Việt Nam.
Theo Nam Hải (CATP)