Giấy phép con làm teo tóp ngành vàng trang sức, mỹ nghệ

(PLO)- Điều kiện kinh doanh quá khắt khe đã và đang đẩy ngành vàng trang sức, mỹ nghệ vào tình trạng teo tóp, doanh nghiệp gặp khó, người lao động phải bỏ nghề.

Mới đây, góp ý cho dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ KH&ĐT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất loại bỏ vàng trang sức, mỹ nghệ khỏi mục kinh doanh có điều kiện.

Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không ảnh hưởng đến đạo đức xã hội

Theo VCCI, về cơ bản, dự thảo đã nêu bật được những vấn đề tồn tại của các quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, rà soát danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư cho thấy có một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, bởi vì đã được quản lý bởi các biện pháp quản lý khác.

Chẳng hạn, trong Phụ lục IV Luật Đầu tư, kinh doanh vàng được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chiếu theo quy định này, những ngành nghề con như kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ… đều được xem là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường.

Các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: THÙY LINH

“Tại Điều 7 của Luật Đầu tư quy định: Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh của kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ hoàn toàn không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” - VCCI nêu rõ.

Từ phân tích trên, VCCI đề nghị thu hẹp lại phạm vi của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ví dụ cần loại kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi phạm vi của kinh doanh vàng.

Đây không phải lần đầu tiên kiến nghị này được nêu lên, mà nhiều năm nay các hiệp hội, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thế nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được loại bỏ.

Trước các ý kiến cho rằng Nghị định 24/2012 cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng cho biết: NHNN đã nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24 sao cho phù hợp để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho biết: Trong Nghị định 24/2012 xác định hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là ngành nghề phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp. Theo đó, doanh nghiệp phải có địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; nếu sử dụng nhà của cha mẹ để gia công, sản xuất vàng trang sức cũng phải làm hợp đồng thuê, cha mẹ phải ra phòng công chứng làm giấy ủy quyền.

“Trên thực tế, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là một hoạt động kinh doanh bình thường, giống như các ngành nghề sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng khác. Vì vậy, việc đưa vàng trang sức, mỹ nghệ “ngồi chung mâm” với nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ khiến đơn vị kinh doanh vàng trang sức có quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đối mặt với chuỗi “giấy phép con, giấy phép cháu” rất nhiêu khê” - ông Dưng nêu quan điểm.

Tháo “vòng kim cho vàng trang sức

Đại diện một cơ sở kinh doanh vàng tại quận 9, TP.HCM cho biết nhiều bạn hàng của mình đã đóng cửa và chuyển sang ngành nghề khác vì không thể vượt qua các điều kiện kinh doanh qua khắt khe. Số còn lại, nhất là với các cơ sở kinh doanh nhỏ chủ yếu đi nhập hàng từ các công ty có giấy phép sản xuất về bán lại.

“Nhưng do thị trường vàng trang sức ế ẩm, chỉ thực sự sôi động vào dịp cuối năm, ngày vía Thần tài. Những tháng còn lại nhận gia công sửa chữa và gia công một số sản phẩm cho khách hàng quen, lấy công làm lời. Nếu không làm như vậy thì chỉ còn cách đóng cửa, ra đường ngồi bán rau để kiếm sống qua ngày” - vị đại diện cơ sở nói.

Ông Nguyễn Văn Dưng phân tích: Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ như “răng với môi”, không thể tách rời. Để đáp ứng theo đúng các điều kiện hiện hành thì các cơ sở nhỏ không thể kham nổi, nhất là những đơn vị sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ chỉ có 1-2 thợ kim hoàn.

Bằng chứng là trước khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực, số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn TP.HCM có khoảng 3.000 đơn vị, trong đó 80% là đơn vị nhỏ và siêu nhỏ. Thế nhưng giờ đây, số đơn vị đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn TP.HCM teo tóp chỉ còn 549, một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường. Trong khi đó, đây là ngành nghề không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước, tham gia xuất khẩu mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, nhất là những người có tay nghề cao.

“Tôi cho rằng việc gỡ bỏ quy định vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm. Nó cũng không ảnh hưởng gì đến tuổi vàng, hay quyền lợi của người tiêu dùng, bởi điều này đã được quy định rất rõ trong Nghị định 24/2012 và Thông tư 22/2013 của Bộ KH&CN về chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường” - ông Dưng nhấn mạnh.

Xem xét lại thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh

VCCI cho rằng một vấn đề khá quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh chính là thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh. Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, bộ, cơ quan ngang bộ không được quyền ban hành về điều kiện kinh doanh. Thế nhưng theo rà soát sơ bộ của VCCI, tình trạng các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại khá nhiều. Chẳng hạn các thông tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ dẫn tới tình trạng điều kiện kinh doanh không được kiểm soát chặt chẽ và khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi hơn.

“Công cụ điều kiện kinh doanh chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tác động đến trật tự công, ví dụ với khám chữa bệnh, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nên cần phải kiểm soát ngay từ đầu. Còn những trường hợp quá trình sản xuất, kinh doanh không tác động đến lợi ích công, sản phẩm làm ra có thể tác động đến lợi ích công, biện pháp phù hợp là có tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải đáp ứng nếu muốn tiêu thụ” - VCCI nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới