Giò, chả, nem… phải ghi nhãn dinh dưỡng: Khó thực hiện

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với các sản phẩm thủ công là không khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất chậm nhất đến ngày 1-1-2025, sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Nội dung ghi thành phần dinh dưỡng phải đảm bảo bảy chỉ tiêu sau: Năng lượng, chất đạm, chất bột đường, đường, chất béo, chất béo bão hòa và natri. Trong đó thông tin về giá trị năng lượng phải được biểu thị theo kcal hoặc kj. Thông tin về hàm lượng chất đạm, cacbohydrate, đường tổng số, chất béo, chất béo bão hòa phải được biểu thị bằng số gram…

Khó thực hiện với người kinh doanh nhỏ lẻ

Chị Nguyễn Minh Thanh, chủ tiệm Mint Cake (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết tiệm của chị đang sản xuất các sản phẩm bánh ngọt. Mặc dù được đào tạo qua các lớp dạy làm bánh nhưng chị chỉ có thể ghi thành phần, xuất xứ nguyên liệu để làm ra sản phẩm, chứ không thể tính toán được các chỉ số dinh dưỡng như dự thảo của Bộ Y tế.

“Muốn biết chắc chắn các chỉ số dinh dưỡng phải mang sản phẩm tới các trung tâm kiểm nghiệm được Bộ Y tế công nhận để phân tích và sẽ tốn khá nhiều chi phí mà với đơn vị nhỏ lẻ như tôi sẽ khó có thể gánh nổi. Tiền kiểm nghiệm có khi còn nhiều hơn tiền sản phẩm làm ra” - chị Thanh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng bắt buộc dán nhãn dinh dưỡng đối với sản phẩm thủ công khó khả thi.Ảnh: THU HÀ
Nhiều ý kiến cho rằng bắt buộc dán nhãn dinh dưỡng đối với sản phẩm thủ công
khó khả thi.
Ảnh: THU HÀ

Đại diện chủ tiệm Mint Cake cũng cho hay hiện việc kinh doanh của tiệm chỉ dừng lại ở mô hình gia đình, không làm theo mô hình bán sỉ. “Chúng tôi sản xuất 100% bánh giống nhau và bán theo khẩu vị của người mua. Điều này có nghĩa là không thể cứ làm ra một cái bánh lại phải mang đi kiểm nghiệm % tỉ lệ đường, hoặc làm ra một cái bánh khác lại tiếp tục mang đi kiểm nghiệm tỉ lệ chất béo. Do đó tôi cho rằng việc yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng đối với sản phẩm thủ công là khó khả thi” - chị Thanh nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện một công ty chuyên sản xuất các dòng sản phẩm tương ớt, tương cà… cho biết: Với những công ty lớn có tiềm lực tài chính thì việc ghi nhãn dinh dưỡng là điều bắt buộc và cần thiết. Thế nhưng với các sản phẩm thủ công, bao gồm cả sản phẩm nhà làm thì việc bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng như dự thảo của Bộ Y tế là điều không hề đơn giản. Bởi các đơn vị này chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ hoặc cá nhân nên không thể tính toán được thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm, chưa kể chi phí để thực hiện không hề rẻ.

Ví dụ, với một sản phẩm kiểm định các chất dinh dưỡng thông thường, chi phí dao động từ trên 5 triệu đồng/lần. Với các sản phẩm kiểm định kỹ hơn về hàm lượng vitamin, khoáng chất… chi phí có thể lên tới 10-15 triệu đồng/lần.

“Nếu cơ sở sản xuất làm ra 10 loại sản phẩm khác nhau, mỗi lần kiểm nghiệm sẽ phải nhân 10 lần chi phí như trên mới đáp ứng được yêu cầu như dự thảo của Bộ Y tế. Với các cá nhân và đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, tôi nghĩ họ sẽ khó mà thực hiện” - vị đại diện nêu.

Chưa cần thiết

TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, cho rằng đối với thực phẩm, việc ghi nhãn dinh dưỡng là điều nên làm. Song việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với sản phẩm thủ công sẽ khó áp dụng trong thực tế. Nguyên nhân hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là chế biến thủ công, thế nào là thực phẩm thủ công.

“Thực tế hiện nay có rất nhiều sản phẩm làm thủ công như giò, chả, nem hay các loại bánh ngọt, bánh kem... đôi khi có thương hiệu nhưng không có nhãn hàng thì làm sao ghi được nhãn dinh dưỡng? Đó là chưa kể thực phẩm thủ công được gọi là nhà làm, đôi khi không có thương hiệu lẫn nhãn hàng. Đây là những sản phẩm đang chiếm một tỉ lệ không nhỏ, do đó việc ghi nhãn dinh dưỡng khó áp dụng” - TS Thế Đồng nói.

Thêm vào đó, TS Phan Thế Đồng phân tích: Đối với sản phẩm sản xuất thủ công, các nguyên liệu đầu vào lẫn quy trình sản xuất đều không được chuẩn hóa, do vậy sản phẩm làm ra khó có thể tránh được những biến động về thành phần dinh dưỡng. “Đã có quy định nào về mức biến động cho phép của các thành phần dinh dưỡng trên một nhãn hàng hay chưa mà lại bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng?” - ông Đồng đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, khi có kết quả phân tích, các đơn vị sản xuất phải dựa trên thành phần dinh dưỡng để tự tính toán năng lượng sao cho đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu của người dùng. Việc phân tích thành phần dinh dưỡng và tính toán năng lượng chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người sản xuất nhỏ lẻ, thậm chí cả các doanh nghiệp lớn.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng quy định này thực sự không cần thiết đối với sản phẩm sản xuất thủ công. “Việc ra quy định thì dễ nhưng làm sao để tất cả mọi người thực hiện quy định mới khó. Hơn nữa, nếu áp dụng vào thực tế thì ai sẽ là người quản lý, khi hiện nay số lượng người sản xuất thủ công đang nhiều hơn các doanh nghiệp có tiếng tăm?” - PGS Thịnh nói.

Vị chuyên gia này cũng đặt ra câu hỏi về tính xác thực thông tin trên nhãn dinh dưỡng của các đơn vị sản xuất thủ công. “Liệu các đơn vị thanh tra có thể lấy mẫu tất cả sản phẩm sản xuất thủ công trên thị trường mang đi phân tích và tính toán để kiểm tra tính xác thực của thông tin hay không. Đó là chưa kể những thực phẩm sản xuất thủ công có hoặc không có nhãn hàng, được kinh doanh trên các trang mạng, việc kiểm tra nhãn dinh dưỡng sẽ thực hiện như thế nào?” - ông Thịnh đặt vấn đề.

Không mang lại lợi ích cho người dùng

Mục đích của ghi nhãn dinh dưỡng là để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, thông tin này chỉ có ích khi họ được trang bị các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng để hiểu đúng nhu cầu và chế độ dinh dưỡng của bản thân.

Ở nước ngoài, các nhà sản xuất thường tính toán dinh dưỡng dựa trên đơn vị khẩu phần ăn, chứ không dựa trên số gram. Ví dụ, một khẩu phần ăn sẽ gồm hai chiếc bánh ngọt thì người dùng dễ dàng tính toán được cơ thể mình cần bao nhiêu khẩu phần ăn và đã nạp bao nhiêu khẩu phần/ngày.

Do đó quy định tính theo đơn vị 100 g như dự thảo của Bộ Y tế thực sự không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

TS Phan Thế Đồng,
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm