Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NT&PTNN) tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, liên kết gieo trồng, tiêu thụ giống lúa Thiên Đàng trên địa bàn và xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Nhà bao tiêu biệt tăm
Theo báo cáo trên, diện tích gieo trồng giống lúa Thiên Đàng trên địa bàn tỉnh là 285,825 ha/114 hộ liên kết sản xuất với Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng và Hợp tác xã (HTX) nông sản sạch Việt Nam.
Có 94 hộ dân ở năm huyện (Tân Hồng, Thanh Bình, Châu Thành, Tháp Mười và Cao Lãnh) với diện tích là 232,945 ha ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Thiên Đàng và HTX Nông sản sạch Việt Nam với điều khoản thỏa thuận sẽ cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng kỹ thuật trồng lúa, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Trong đó có 6 hộ nông dân trực tiếp làm đầu mối đứng ra ký kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa Thiên Đàng cho những hộ dân khác ở địa phương.
Lúa Thiên Đàng được thu hoạch nhưng đơn vị bao tiêu không đến thu mua như cam kết. Ảnh: NN
Cụ thể, ba hộ nông dân làm đầu mối trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Thiên Đàng về phân phối cho 50 hộ nông dân với diện tích 78,4 ha. Các hộ dân ở huyện Tân Hồng đã thu hoạch lúa nhưng công ty không thu mua như cam kết, nông dân bán cho thương lái bên ngoài với giá trung bình khoảng 5.000 đồng/kg.
Lúa của các hộ dân ở huyện Châu Thành và huyện Thanh Bình đã được 70 ngày nhưng công ty chưa có cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra, hướng dẫn nào.
Ba hộ nông dân làm đầu mối trực tiếp ký hợp đồng với HTX Nông sản sạch Việt Nam về phân phối cho 63 hộ nông dân ở huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười với diện tích 143,85 ha.
Hiện lúa đã thu hoạch nhưng HTX không đến thu nên nông dân đã bán cho thương lái bên ngoài với giá dao động từ 5.000 - 5.700 đồng/kg.
Giống lúa trôi nổi, không phép
Báo cáo của Sở NT&PTNN tỉnh Đồng Tháp cũng cho hay, qua xác minh cho thấy, sản phẩm giống lúa Thiên Đàng không có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo quy định tại Điều 15 của Luật Trồng trọt.
"Việc này là sai quy định và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh", Sở NT&PTNN tỉnh Đồng Tháp đánh giá.
Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng được Sở KH&ĐT tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 1-4-2019, địa chỉ: tại số 24 quốc lộ 1A, ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang do bà Bùi Thoại Anh làm giám đốc.
Tuy nhiên từ khi thành lập công ty không hoạt động tại Hậu Giang và cũng không có trụ sở tại địa chỉ đăng ký mà địa chỉ trên là nhà của người dân đang kinh doanh bia và nước giải khát.
Về hoạt động của HTX Nông sản sạch Việt Nam, được biết không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) từ ngày 25-7-2019 nhưng không khai báo với cơ quan thuế.
Dù không được cấp phép lưu hành nhưng giống lúa Thiên Đàng được phân phối sản xuất rộng khắp, đóng gói quảng cáo rầm rộ. Ảnh: NN
Bên cạnh đó, hoạt động liên kết sản xuất giống lúa Thiên Đàng hiện nay đã lan rộng ở một số tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long và các tỉnh Miền Trung. Hiện nay, việc lập biên bản và củng cố hồ sơ, xử lý đối với Công ty Thiên Đàng và HTX gặp khó khăn do không có trụ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đề nghị Cục Trồng trọt hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương; đưa ra biện pháp xử lý chung nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời kịp thời, tránh trường hợp tạo điều kiện cho Công ty Thiên Đàng di chuyển, mở rộng liên kết sang các địa phương khác, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người dân sử dụng giống lúa trong sản xuất.