Giữ nghề truyền thống gốm Thanh Hà, cả làng thu nhập hàng chục tỉ đồng

(PLO)- Bao thế hệ người Hội An theo nghề, quyết tâm giữ thương hiệu làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cách phố cổ Hội An (Quảng Nam) chừng 3km, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An) nằm sát bên dòng Thu Bồn thơ mộng. Bao thế hệ theo nghề gốm cha ông đã dày công dựng xây. Họ cùng nhau lưu giữ nét nghề, để làng gốm Thanh Hà trường tồn cùng thời gian suốt hơn 500 năm qua.

Gốm Thanh Hà
Những con tò he làm từ gốm. Ảnh: TN

500 năm lịch sử

Làng gốm Thanh Hà hình thành và phát triển từ thế kỷ XVI, với tên gọi đầu tiên là làng Thanh Liêm, sau này đổi tên thành phường Thanh Hà. Giai đoạn thế kỷ XVI-XVII được xem là thời vàng son của làng gốm Thanh Hà. Sản phẩm gốm từ Thanh Hà trở thành vật tiến vua.

Đi qua 500 năm lịch sử, ngôi làng này từng trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió. Có thời điểm, nghề gốm ở đây tưởng chừng đã rơi vào lãng quên. Nhưng bằng sự tâm huyết, quyết tâm viết tiếp phần lịch sử cha ông gầy dựng, người dân trong làng đã vực dậy làng nghề gốm Thanh Hà trước nguy cơ bị mai một.

gom-Thanh-Ha-18.JPG
Nhiều thế hệ người dân theo nghề truyền thống gốm Thanh Hà. Ảnh: TN

Ngày nay, du lịch TP Hội An phát triển mạnh mẽ. Làng gốm Thành Hà đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, níu chân du khách thập phương đến tham quan, khám phá. Những người theo nghề gốm truyền thống sống khoẻ với thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hường (67 tuổi, ngụ phường Thanh Hà) cho hay, trước đây cuộc sống chưa gắn liền với những tiện nghi hiện đại, các sản phẩm gốm tiếp cận đến nhiều người, nhiều gia đình. Sau này, những vật dụng bằng gốm được thay thế bằng vật liệu khác, nghề làm gốm truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai mọt.

“Khi du lịch phát triển, du khách trong và ngoài nước ghé đến nhiều, đặc biệt là du khách nước ngoài, nghề gốm bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại. Không ai so sánh được với quá khứ, nhưng những gì đang diễn ra tại đây đã khiến chúng tôi hài lòng”, bà Hường cho hay.

gom-Thanh-Ha-11.JPG
Bà Bình về làm dâu ở Thanh Hà, rồi gắn bó với nghề gốm truyền thống. Ảnh: TN

Bây giờ, những người trong làng dễ dàng kiếm thu nhập nhờ làm gốm. Người trẻ làm việc tại gia, người già làm việc thuê cho công ty, gia đình khác. Thậm chí, người dân mở ngay những cửa hàng buôn bán đồ gốm ngay tại nhà.

Như bà Hường, tuổi cao, công việc tại gia mất nhiều sức. Bà xin một chân làm ‘nhân viên’ tạo hình gốm tại công viên gốm Thanh Hà. Hàng ngày, bà Hường đến nơi làm việc, nặn tò he, đúc bình, ấm... để du khách chiêm ngưỡng, trải nghiệm.

“Tôi đến đây từ sáng sớm, làm công việc vừa sức. Mỗi khi có khách, tôi mô phỏng lại các công đoạn làm sản phẩm từ gốm phục vụ. Khi du khách muốn trải nghiệm tận tay thì hỗ trợ người ta”, bà Hường miêu tả công việc cho thu nhập gần chục triệu mỗi tháng.

gom-Thanh-Ha-3.JPG
Bà Hường mô phỏng lại các công đoạn để cho ra sản phẩm hoàn thiện. Ảnh: TN

Nhiều thế hệ theo nghề cha ông

Ở làng gốm Thanh Hà, có những người đã gắn bó với công việc làm gốm hàng chục năm, từ lúc còn trẻ đến khi già nua. Có người từ nơi khác, về làm dâu - rể xứ này cùng gắn bó với nghề gần nữa thế kỷ. Hay những thanh niên, mới quá tuổi 30 nhưng đã có đến vài chục năm tuổi nghề...

gom-Thanh-Ha-14.JPG
Sản phẩm làm từ làng gốm Thanh Hà được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: TN

Bà Vũ Thị Bình (69 tuổi, ngụ phường Thanh Hà) làm dâu về Thanh Hà ở độ tuổi thanh xuân. Ngày bước chân theo chồng, bà không biết nghề gốm ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết khi về nhà chồng, ba mẹ chồng đã gắn bó với nghề rất lâu.

“Lúc đó chỉ có chồng tôi làm gốm cùng ba mẹ. Sau này, tôi mới mày mò học theo. Đến nay tôi đã gắn bó với nghề này gần 50 năm. Ngày trước còn khoẻ, tôi làm mọi thứ, nhưng giờ chỉ dành thời gian nặn tò he bán cho du khách”, bà Bình kể.

Chồng bà là ông Nguyễn Thành Long (70 tuổi, ngụ phường Thanh Hà). Ông Long là chủ cửa hàng đồ gốm mang tên chính mình, được biết đến là một trong những người thợ giỏi nhất nơi này. Từ những cục đất sét vô tri, ông Long có thể tạo hình mọi vật, đến chân dung thần tượng.

gom-Thanh-Ha-5.JPG
Anh Nhật làm linh vật rồng bằng gốm để giao cho chính quyền địa phương trưng bày Tết. Ảnh: TN

Tết Nguyên đán Giáp thìn, chính quyền đặt hàng làm hai con rồng, uốn lượn quanh một vật gắn bó với truyền thống của làng. Dành hơn 20 ngày, cặp linh vật rồng đã hoàn thiện, bàn giao cho chính quyền trưng bày Tết”, ông Long nói.

Dọc trong con hẻm nhỏ, anh Lê Văn Nhật (35 tuổi, ngụ làng Thanh Hà) cũng làm chủ cửa hàng đồ gốm. Anh là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề truyền thống, là một trong số ít người trẻ của làng được công nhận thợ giỏi và được chính quyền tin tưởng. Đến nay, tuổi nghề của anh đã quá nữa tuổi đời.

“Năm nào cũng vậy, chính quyền địa phương đặt mình làm tượng gốm tuỳ theo năm. Năm nay, tôi làm cặp rồng uốn quanh bùng binh. Đây là yêu cầu của chính quyền, phải làm linh vật gắn liền với một trong những đồ vật gắn bó với nghề gốm của làng”, anh Nhật nói.

gom-Thanh-Ha-19.JPG
Du khách trải nghiệm làm gốm. Ảnh: TN

Cửa hàng anh Nhật có tiếng ở xứ gốm Thanh Hà. Vợ chồng anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, cách tân các sản phẩm gốm với đủ màu sắc. Dù thu nhập theo anh không quá cao, nhưng nghề gốm là nghề truyền thống, người dân muốn lưu giữ nét văn hoá này, để nghề gốm Thanh Hà ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Doanh số ấn tượng

Theo thống kê của UBND xã Thanh Hà, những năm gần đây doanh thu từ làng gốm liên tục tăng, cho đến khi những năm ngành du lịch gián đoạn bởi dịch COVID-19. Năm 2019 và năm 2023, doanh thu đạt hơn 20 tỉ đồng.

gom-Thanh-Ha-17.JPG
Các sản phẩm làm từ gốm khác. Ảnh: TN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm