Giữ nguyên mức kỷ luật đối với phó bí thư Đồng Nai

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Theo đó, ông Phúc cho hay hiện cơ quan chức năng về quản lý cán bộ đang xem xét thêm về trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ kiêm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai để báo cáo QH.

Xem xét tư cách ĐBQH của bà Mỹ Thanh?

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về việc xem xét tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh uỷ kiêm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Trước đó, bà Thanh đã bị Uỷ ban kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức cảnh cáo, đồng thời nhiều cử tri đã đề nghị Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH của bà Thanh.

Trước câu hỏi này, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay câu hỏi này đã được ông trả lời tại cuộc họp báo trước kỳ họp 4. “Sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, bà Thanh đã có đơn khiếu nại hình thức kỷ luật. Ban Bí thư đã xem xét và vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật đối với bà Thanh. Hiện các cơ quan quản lý cán bộ vẫn đang xem xét thêm các hành vi của bà Thanh, kết quả thế nào sẽ báo cáo với QH” - ông Phúc cho biết.

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Tổng thư ký QH Lê Bộ Lĩnh cho biết qua 26 ngày làm việc trách nhiệm, QH đã bàn thảo, quyết sách nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, về công tác lập pháp, QH đã thông qua 06 luật, cho ý kiến 09 dự án luật.

Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH đã thông qua 3 nghị quyết về KTXH và NSNN; Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; quyết định lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

“Đặc biệt, QH đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng TTCP đối với ông Phan Văn Sáu. Đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể làm Bộ trưởng GTVT, ông Lê Minh Khái làm Tổng TTCP. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục luật định”- ông Lĩnh nói.

Về giám sát tối cao, QH đã tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ và 4 tư lệnh ngành; Xem xét các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao; VKSNDTC...; Thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”, đồng thời ra Nghị quyết về chuyên đề giám sát này.

Đổi mới quản lý điều hành

Trước đó vào chiều cùng ngày, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay Kỳ họp thứ 4 diễn ra trong thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, tình hình trong nước chịu tác động ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, lũ lụt.

Là kỳ họp cuối năm nên QH đã dành nhiều thời gian thảo luật về KTXH, tài chính ngân sách; quyết định các dự án về giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam; thông qua 6 luật, cho ý kiến 9 dự luật; xem xét nhiều báo cáo của Chính phủ, TANDTC và VKSNDTC; thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, công tác xét xử và chất vấn Thủ tướng Chính phủ về công tác điều hành; thực hiện chuyên đề giám sát về cải cách bộ máy hành chính; tiến hành phê chuẩn nhân sự mới cho 2 vị trí bộ trưởng GTVT và Tổng TTCP…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trọng Phú

“QH ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các ĐBQH; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Sau kỳ họp, đề nghị các ĐBQH tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan”- bà Ngân nói. 

Bên cạnh đó, bà Ngân cũng đề nghị các cơ quan của QH, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chiều 24-11, với 93,89% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo đó, đối với lĩnh vực tài chính, QH yêu cầu, tăng cường hậu kiểm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại. Phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp ngay từ khâu đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư đến xuất bán hàng hóa, sản phẩm để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống chuyển giá.

Đối với lĩnh vực ngân hàng cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

QH cũng yêu cầu lĩnh vực thông tin truyền thông cần chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh; tăng cường kiểm soát, hạn chế thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội, nhất là thông tin đối với trẻ em. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.

QH đề nghị ngành Toà án có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại án, quyết định của Tòa án. Trong đó, đối với việc xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, có giải pháp để tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm