“Tôi không biết nói gì để diễn tả hết niềm hạnh phúc. Hơn sáu tháng qua, kể từ khi bắt đầu gửi đơn khởi kiện tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của quý báo, được luật sư của Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí tư vấn tận tình, nhận bảo vệ miễn phí cho tôi qua các cấp tòa xử… Luật sư đã giúp tôi đi tìm công lý”. Đây là lần thứ ba chị Lê Thanh Thủy (quận Gò Vấp, TP.HCM) đến báo Pháp Luật TP.HCM.Khác với hai lần trước, lần này chị Thủy cười rất tươi với bức thư cảm ơn và bản án phúc thẩm vừa nhận được.
Bỗng dưng mất việc
Chị Thủy làm nhân viên y tế tại một công ty ở tỉnh Bình Dương. Ngày 10-10-2012, chị ngỡ ngàng khi nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Thấy mình luôn hoàn thành nhiệm vụ, chưa từng bị kỷ luật nên chị không đồng ý nhưng công ty vẫn bảo “do vi phạm nội quy công ty nên phải chấm dứt hợp đồng”. Chị hoang mang nên gửi đơn cầu cứu đến một số cơ quan chức năng. Tuy vậy, đơn chị vẫn không được giải quyết thỏa đáng khiến chị tính buông xuôi.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết định tìm hiểu quy định pháp luật và chuẩn bị hồ sơ đi kiện. Tham khảo thông tin trên mạng, thấy chi phí thuê luật sư quá cao, ngoài khả năng của mình nên chị không dám tới văn phòng luật sư. Trong lúc bối rối, chị chợt nhớ đến Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM nên mạnh dạn tìm đến.
Chị Thủy vui mừng khi gặp lại luật sư của Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TRÂN CHÍNH
Tháng 3-2013, lần đầu tiên đến với chương trình, chị được luật sư tư vấn cách viết đơn khởi kiện, nơi chị phải nộp hồ sơ, thời hiệu khởi kiện… Theo sự chỉ dẫn của luật sư chị nộp đơn tại TAND huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) - nơi công ty đặt trụ sở. Được tòa nhận hồ sơ nhưng chị vẫn thấy chưa yên tâm nên tiếp tục đến báo nhờ tư vấn thêm. Lần này, sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của chị, luật sư Lê Nhật Quang đã nhiệt tình giúp chị chuẩn bị hồ sơ và hỗ trợ chị khi ra tòa. Có luật sư của Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí đồng hành, chị tự tin theo đuổi vụ kiện.
Điểm tựa cho người yếu thế
Quá trình giải quyết vụ án, cả cấp tòa sơ và phúc thẩm đều nhận định công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị Thủy là trái quy định vì không có sự tham gia, không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở, vi phạm thời hạn báo trước (45 ngày). Chị được tòa tuyên thắng kiện, công ty phải thanh toán cho chị hơn 57 triệu đồng (gồm khoản tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tiền lương những ngày không được làm việc, tiền lương do thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, các khoản bảo hiểm).
Sáng 16-12, chị Thủy đến tòa soạn báo với niềm vui rạng rỡ. Chị chia sẻ: “Tôi cảm ơn luật sư và báo Pháp Luật TP.HCM thật nhiều. Lúc trước đi vòng vèo không đạt kết quả gì, đã có lúc tôi định bỏ cuộc, mặc dù biết công ty làm sai. Trong công ty tôi là người đầu tiên dám nộp đơn khởi kiện khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trước đó khi bị đuổi việc, đa số công nhân đều chỉ biết lặng lẽ ra đi và tìm việc khác chứ không dám kiện tụng. Họ không biết luật lại nghèo nữa…”.
Gặp lại người luật sư đã tư vấn và giúp chị trong các phiên tòa, chị chỉ biết nghẹn ngào: “Không có luật sư có khi con đã không thắng kiện”. Khi được hỏi sắp tới chị sẽ còn đến báo Pháp Luật TP.HCM để được tư vấn nữa hay không, chị Thủy trả lời chắc nịch: “Chắc chắn là tôi sẽ còn nhờ báo và luật sư nhiều mà! Đọc báo và nghe luật sư tư vấn tôi có thêm được nhiều kiến thức. Luật sư tư vấn miễn phí mà lại còn nhiệt tình nữa”.
Sáng 25-12, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được một cuộc gọi. Đầu dây bên kia, chị Thủy báo tin: “Nhà báo ơi, tôi đã nhận được tiền rồi. Hôm qua, công ty chuyển đủ 57 triệu đồng rồi”.
Nghe tin chị Thủy thông báo, cả phòng Công tác bạn đọc rộn ràng, vui lây cùng với chị. Với số tiền này, chị Thủy cho biết sẽ trả được hết các khoản nợ đã vay mượn để trang trải trong thời gian thất nghiệp. Số tiền còn lại chị để dành học lên vì với chuyên môn của chị hiện giờ rất khó xin việc đúng ngành.
TRÂN CHÍNH
“Báo đã giúp tôi nhanh chóng lấy giấy tờ xe” Sáng 27-12, anh Phạm Lê Minh Định (4 Nam Quốc Cang, quận 1, TP.HCM) hồ hởi báo tin cho phóng viên: “Tôi vui lắm. Công an phường đã trả lại giấy tờ xe cho tôi rồi. Hơn ba năm qua, nhiều lần tôi muốn bỏ luôn giấy để đi khai mất làm lại cái mới. Tuy nhiên, tôi ngại tốn kém thời gian nên thôi. Giờ đây tôi không còn phải phập phồng lo sợ mỗi khi chạy xe đi làm. Tôi cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã quan tâm, tác động các cơ quan chức năng để khắc phục sai sót nhằm phục vụ người dân tốt hơn…”. Anh Định chính là nhân vật trong bài “Cán bộ làm sai, hành dân hơn ba năm” mà báo Pháp Luật TP.HCM thông tin ngày 21-12. Nguyên trước đó anh bị Công an phường 14 (quận 10, TP.HCM) xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm. Lý ra vụ của anh chỉ cần xé biên lai nộp phạt tại chỗ nhưng công an đã giữ giấy tờ xe, ra quyết định nộp phạt không đúng khiến anh không thể ra kho bạc nộp tiền. Trong hơn ba năm anh liên hệ nhiều lần với bộ phận tiếp dân của công an phường nhưng “cán bộ trực không cho tôi một cái hẹn cụ thể nào với lý do như đi công tác, đi họp, đi học...”. Sau đó anh đến báo Pháp Luật TP.HCM, được báo tư vấn, hỗ trợ pháp lý... Qua thông tin của báo, lãnh đạo công an phường nhìn nhận và đã khắc phục ngay thiếu sót. TH.HIẾU Mong muốn đưa pháp luật đến với người dân Tôi từng làm trong ban chấp hành công đoàn nên tôi hiểu được những nỗi khổ của người lao động. Khi tư vấn cho chị Thủy, tôi biết công ty sai, hơn nữa hoàn cảnh chị Thủy khó khăn, tôi thấy mình giúp được người ta thì giúp. Khi tham gia Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM, điều tôi tâm huyết nhất là đưa pháp luật đến với người dân để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Luật sư LÊ NHẬT QUANG, Đoàn Luật sư TP.HCM |