Gỡ điểm nghẽn thu hút du khách quốc tế

(PLO)- Chính sách visa, nguồn vốn tín dụng là những nút thắt được các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ để du lịch quốc tế Việt Nam phục hồi và phát triển.

Ngày 21-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Tại hội nghị, các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương đã nêu các khó khăn và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch quốc tế Việt Nam.

Du lịch Việt mở cửa sớm vẫn xếp sau Thái Lan

Tại hội nghị, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết mặc dù năm 2022 ngành du lịch Việt Nam ước tính đón hơn 101 triệu khách du lịch nội địa, vượt chỉ tiêu đề ra và ngành du lịch đạt 16 danh hiệu lớn của du lịch thế giới. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam chỉ đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế.

Du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa nhiều như kỳ vọng của ngành du lịch. Ảnh: THU TRINH

“Chúng tôi đặt câu hỏi chúng ta có nhiều cơ hội và toàn những có hội lớn so với các nước nhưng không thể đạt được như Thủ tướng đã trăn trở vì sao chúng ta “đi trước, về sau”?” - ông Chính nói.

Theo TAB, có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, vấn đề visa, độ mở của Việt Nam chưa bằng các nước trong khu vực. Đơn cử Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam miễn thị thực cho 24 quốc gia; miễn thị thực 30-45 ngày và cho phép du khách ra vào nhiều lần. Trong khi Việt Nam phần lớn miễn thị thực 15 ngày và chỉ cho phép khách du lịch ra vào một lần.

Ông Chính cho rằng ngay cả thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam “không giống” các nước trong khu vực. Cụ thể, tại các nước, du khách chỉ cần đến cửa khẩu làm thủ tục xin visa sẽ được duyệt và nhập cảnh ngay, còn Việt Nam phải xin trước khi đến cửa khẩu.

Theo ông Chính, những khó khăn này khiến nhiều du khách có ý định đến Việt Nam, minh chứng qua tỉ lệ du khách tìm kiếm du lịch Việt Nam trên Internet nhiều, quan tâm đến Việt Nam nhiều nhưng thực chất khách đến ít.

Bên cạnh chính sách visa, ông Chính cho rằng sau một thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hiện nay nhiều DN hàng đầu về hàng không, lữ hành quốc tế, khách sạn lớn… bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tín dụng. Do đó, hiện nay thiếu vốn, khả năng phục hồi còn chậm.

Cùng nhìn nhận trên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng việc Chính phủ mở cửa ngày 15-3 rất phù hợp và kết quả doanh thu du lịch nội địa vừa qua chứng minh được sức sống của DN rất mạnh mẽ.

“Chúng ta đặt du lịch nội địa là điểm nhấn trong giai đoạn vừa qua là rất đúng và nước nào cũng vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn sang các nước như Thái Lan trong năm 2022 du lịch nội địa của quốc gia này đạt 180 triệu lượt khách thì Việt Nam chỉ đạt hơn 101 triệu lượt.

“Du lịch nội địa là cái dễ dàng nhất chúng ta còn có khoảng cách xa như thế. Du lịch quốc tế cần quyết liệt hơn may ra mới có thể vượt được” - ông Bình nói.

Thủ tướng yêu cầu cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và có sự cạnh tranh phát triển bình đẳng, lành mạnh giữa các ngành, doanh nghiệp.

Đề xuất cho doanh nghiệp du lịch được vay ưu đãi

TAB đưa ra các đề xuất tương ứng. Thứ nhất, Việt Nam cần cải thiện chính sách thị thực. Trong đó, tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực, tập trung vào những thị trường chính, tăng thời gian miễn thị thực cho khách ra vào nhiều lần.

Song song đó, TAB kiến nghị cho các DN lớn trong ngành du lịch được phép vay với lãi suất ưu đãi để có khả năng phục hồi.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết để đẩy nhanh tốc độ phục hồi phát triển của du lịch Việt Nam, TP.HCM đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT&DL đẩy mạnh liên kết các quốc gia thuộc khu vực ASEAN và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong nhằm tăng cường xây dựng sản phẩm liên quốc gia. Từ đó, tận dụng hiệu quả nguồn thị trường gần của nhau và chính sách visa thuận lợi, tăng lượng khách quốc tế của từng quốc gia trong khu vực.

“TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp với các phân khúc thị trường; đẩy mạnh khai thác du lịch gắn với kinh tế đêm và tăng cường chương trình liên kết các địa phương. Đồng thời, tổ chức chuỗi sự kiện du lịch kết hợp với văn hóa trong năm 2023 để xây dựng hình ảnh TP du lịch sống động của Việt Nam…” - bà Hoa nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Do đó cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và có sự cạnh tranh phát triển bình đẳng, lành mạnh giữa các ngành, DN.

“Tất cả cùng phải cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước. Chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng đất nước…” - Thủ tướng bày tỏ.•

Kiến nghị thành lập tổ công tác đặc biệt

Tại hội nghị, TAB kiến nghị cần thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi du lịch, nhất là du lịch quốc tế.

Tổ công tác này gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng không, du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ban kinh tế tư nhân và TAB tham gia.

Tổ công tác sẽ là cầu nối để giúp Chính phủ có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của DN; theo dõi việc thực thi chính sách…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới