Ngày 31-8, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP năm 2022.
Tại đây, nhiều đại biểu nhấn mạnh: TP.HCM đang tăng tốc phát triển một cách mạnh mẽ hậu dịch bệnh. Để tiếp tục đà tăng trưởng và duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, bắt kịp các nền kinh tế thành công trong khu vực, TP.HCM cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng và cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG MINH |
Phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, nhận xét một năm trước, TP trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh. Kinh tế TP có lúc tăng trưởng âm nhưng hiện nay đã phục hồi mạnh mẽ.
“Chúng ta đã có những khát vọng và quyết tâm vượt qua đại dịch để trở về bình thường mới. Đại dịch cho thấy nếu không có khát vọng thì không đạt kỳ tích. Chúng ta mong muốn TP không chỉ phục hồi mà còn phát triển xứng tầm trong tương lai” - ông Trường nói.
Tuy nhiên, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng TP.HCM vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở sự tăng tốc như tốc độ giải ngân đầu tư công còn chậm, triển khai chính quyền số chưa đạt kết quả như mong đợi; chính sách hỗ trợ DN, người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm triển khai vào thực tế…
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, cho rằng để TP.HCM tăng trưởng mạnh mẽ cần phải đi vào các lĩnh vực có hàm lượng giá trị cao, thể hiện một tinh thần đổi mới sáng tạo. Bước vào nền kinh tế sáng tạo, cộng đồng DN TP.HCM phải thể hiện tính tiên phong để nắm bắt cơ hội và hành lang pháp lý luôn là yếu tố cần thiết để hỗ trợ cho điều này. Tuy vậy, thực tế cho thấy chính sách và hành lang pháp lý thường đi sau với thực tế của DN.
“Khi DN bắt đầu đi vào những lĩnh vực đòi hỏi nhiều tính sáng tạo, đổi mới thì các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Sau đó thể chế, pháp lý mới đi theo giải quyết các vấn đề phát sinh. Vì vậy, câu chuyện hiện nay là cần trang bị cho cộng đồng DN, kể cả phía nhà làm chính sách những nền tảng và góc nhìn khác nhau về kinh tế sáng tạo. Khi hai bên cùng ngôn ngữ thì giải quyết vấn đề rất nhanh chóng” - ông Thông nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cũng nhận xét thời gian qua nhiều sáng kiến về cải cách hành chính đã được triển khai nhưng vẫn còn một số cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cộng đồng DN rất mong TP siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bà Chi cũng cho hay trước đây DN chỉ cần 100-200 tỉ đồng đủ làm vốn lưu động để sản xuất, giờ giá nguyên liệu tăng nên cần nguồn vốn tăng 50%. Hầu hết DN phải đi vay ngân hàng nhưng việc tiếp cận vốn rất khó khăn, ngay cả có tài sản thế chấp cũng chưa chắc vay được vì ngân hàng hết room.
Cần có sự phân công, phân cấp rạch ròi trong việc theo dõi giám sát đối với những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm
Chia sẻ với những khúc mắc của DN, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết: Kết quả một cuộc khảo sát nhanh cho thấy nhiều DN đánh giá thủ tục hành chính hiện nay còn phức tạp, rườm rà khiến DN mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo tốn chi phí.
Vì vậy, các DN đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để họ chủ động thực hiện; công khai, minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính.
“Các DN cũng đề nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân biệt đối xử giữa các DN; cần áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút lao động phù hợp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tạo thêm các kênh kết nối giữa DN với người lao động đang tìm kiếm việc làm…” - bà Lệ nói.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để DN thuận lợi hơn trong hoạt động. TP cũng tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm bằng cách yêu cầu các sở, ngành phải giải quyết các công việc tồn đọng. Ví dụ, cứ mỗi tháng tổng hợp lại những vụ việc chưa giải quyết nhằm có đánh giá hoàn thành công việc cuối năm của sở, ngành đó.
Đặc biệt, để giải quyết nhanh chóng và kịp thời mọi vấn đề của DN, hiện tại UBND TP đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai nền tảng số gồm ba tiện ích. Một là theo dõi phản ánh của người dân và DN. Hai là nền tảng điều hành về kinh tế - xã hội. Ba là theo dõi tiến độ giao việc của chủ tịch UBND TP cho các sở, ngành.
“Vào tháng 10 này, chúng tôi sẽ triển khai cổng dịch vụ công của TP. Các thủ tục dịch vụ công sẽ được triển khai, giải quyết và thông tin ngay trên cổng dịch vụ này. Việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến để tránh tiếp xúc trực tiếp nhằm hạn chế những tiêu cực và dễ dàng giám sát tính trách nhiệm công việc” - ông Phan Văn Mãi cho hay.•
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đang trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại buổi đối thoại. Ảnh: PM |
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hành chính
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đang là điểm nghẽn mà toàn hệ thống chính trị TP cần tập trung tháo gỡ. Bởi trong nhiều nội dung kiến nghị của DN, vấn đề tựu chung là đề xuất tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định mỗi cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu, phải cam kết làm đúng vai trò của mình, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Ông cũng cho hay mới đây TP đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý những vấn đề tồn đọng có liên quan đến DN, người dân. Từ đó để có bộ phận chuyên trách nhận nhiệm vụ tập trung giải quyết vấn đề tồn đọng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thậm chí là mục tiêu chiến lược hoạt động của DN và người dân.