Gỡ khó khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

(PLO)- Tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang gặp nhiều khó khăn ở khâu mua sắm trang thiết bị, tuyển dụng giáo viên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trong năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức, các sở, ngành đã nêu ra hàng loạt khó khăn.

Có kinh phí nhưng không sắm được trang thiết bị

Đại diện cho tổ thảo luận của các sở tại miền Bắc, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho hay nhiều địa phương dù được giao kinh phí để mua sắm trang thiết bị cho chương trình nhưng gặp khó khi triển khai nên trả lại tiền. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thẩm định giá lấy lý do không có nhiều mặt hàng để so sánh hoặc khó thực hiện nên từ chối tham gia.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết việc mua sắm trang thiết bị không gặp khó khăn về kinh phí nhưng các văn bản về thẩm định giá cũng như lựa chọn đơn vị để thực hiện mua sắm chưa rõ ràng, có sự chồng chéo.

Giờ học lịch sử và địa lý của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Giờ học lịch sử và địa lý của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đồng quan điểm, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước cho biết mặc dù HĐND tỉnh đã thông qua phân bổ kinh phí 400 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học nhưng các thông tư cũng như nghị định quy định về việc này còn có sự chồng chéo nên sở chưa triển khai mua sắm được.

Khó tuyển được giáo viên

Tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên (GV) giảng dạy chương trình mới tiếp tục được nhiều sở, ngành đề cập tại hội nghị.

Vừa qua, Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT đã thực hiện khảo sát đối với 63 tỉnh, thành về vấn đề mua sắm cơ sở vật chất. Theo kết quả khảo sát, có 75% cho rằng khó khăn về vốn; 41,7% khó khăn về thẩm định giá; 25% khó khăn do không có các đơn vị thẩm định giá...

Cụ thể, tỉnh Cà Mau thiếu 787 GV. TP.HCM thiếu 170 GV tin học, ngoại ngữ dù là TP lớn. Tỉnh Bình Dương thiếu trên 2.000 GV, tỉnh Tây Ninh còn thiếu hơn 1.100 GV.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cũng nêu ra một nghịch lý là dù thiếu GV, số lượng học sinh tăng nhanh nhưng các địa phương vẫn phải tinh giản biên chế theo lộ trình, năm năm tinh giản 10% GV hưởng lương theo ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, nhiều nơi còn gặp khó khăn trong việc phân cấp, quản lý. Đơn cử bậc THCS do Phòng GD&ĐT quản lý về chuyên môn nhưng đội ngũ GV do Phòng Nội vụ quản lý, ngân sách do Phòng Tài chính quận quản lý. Do đó, rất khó giải quyết được vấn đề thừa thiếu cục bộ GV.

Trước tình hình này, các sở đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho GV. Bộ GD&ĐT cần phải làm việc với các trường ĐH về việc đào tạo sinh viên để đáp ứng chương trình mới.

Tìm cách tháo gỡ

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT, nhận định tình trạng thiếu GV do không có nguồn tuyển có thể do chính sách tiền lương, chính sách tuyển dụng, quản lý chưa hợp lý.

“Bộ GD&ĐT đang kiến nghị với Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi để đảm bảo cho đời sống của nhà giáo. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo. Sắp tới bộ sẽ có báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để ban hành Luật Nhà giáo” - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, muốn thu hút đội ngũ phải giảm áp lực cho GV, tạo môi trường giáo dục khiến họ hạnh phúc. Thực tế, hiện nay GV gặp áp lực rất nhiều, ngoài việc dạy, họ phải tham gia quá nhiều hoạt động, làm nhiều sổ sách. Vấn đề này, giám đốc các sở cần phải rà soát và điều chỉnh.

Liên quan đến việc đào tạo đội ngũ để đáp ứng chương trình GDPT 2018, đầu năm 2023, Cục Nhà giáo sẽ có buổi làm việc cùng với trường sư phạm về các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, cho rằng đối với chương trình GDPT mới, vai trò của phương tiện dạy học rất quan trọng. Tuy nhiên, phải mua sắm ra sao cho hợp lý. “Chúng tôi đã làm việc rất nhiều lần với Bộ Tài chính nhưng để định giá thiết bị giáo dục rất khó vì đây không phải mặt hàng đặc biệt tác động sâu sắc đến đời sống dân sinh. Thứ hai, thiết bị giáo dục cực kỳ đa dạng, cùng một chủng loại nhưng nhiều nhà máy sản xuất. Khó kê khai định giá” - ông Trinh nêu.

Ông Trinh cho biết vấn đề mua sắm, Luật Đấu thầu quy định rõ việc điều chỉnh quy định không phải chức năng của Bộ GD&ĐT. Vậy nên để giải quyết tình trạng trước mắt, một số tỉnh chuyển về các huyện hoặc tổ chức đấu thầu tập trung.

“Trong điều kiện thực tế để vận hành chương trình phải khai thác tối đa cơ sở dạy học và thiết bị hiện có, không phải chương trình mới là phải thay đổi toàn bộ thiết bị. Mặt khác, đam mê sáng tạo của thầy cô giáo lớn, hãy tổ chức phong trào sáng tạo thiết bị dạy học, nhất là thiết bị số” - ông Trinh gợi ý.

Đừng để giáo viên cô đơn khi thực hiện chương trình mới

Trước mắt, việc triển khai chương trình còn nhiều vướng mắc, nhiều việc chưa hài lòng, nhiều việc còn phải làm tốt hơn nhưng đã đạt được mục tiêu căn bản, đổi mới được hoạt động dạy và học, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh.

Các sở, ngành phải tiếp tục thuyết phục với chính quyền, địa phương, các sở, ngành, với phụ huynh để tạo được sự đồng thuận khi triển khai chương trình. Chúng ta cũng cần phải động viên đội ngũ GV, lực lượng chịu nhiều áp lực, khích lệ, hỗ trợ tối đa, đừng để GV cảm thấy cô đơn trong cuộc ra trận này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN phát biểu tại hội nghị

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm