Gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ ảnh hưởng thế nào đến Nga?

(PLO)- Gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ nhắm tới hơn 500 tổ chức và cá nhân liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khả năng chỉ tác động hạn chế đối với Moscow.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-2, Mỹ công bố gói trừng phạt lớn nhất đối với Nga kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2-2022.

Gói trừng phạt này bao gồm các lệnh trừng phạt do Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại đưa ra, nhắm vào hơn 500 thực thể, bao gồm các tổ chức tài chính lớn, quan chức chính phủ, giám đốc điều hành doanh nghiệp, công ty vận tải biển và nhà sản xuất, có liên quan đến chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine. Cạnh đó, một số quan chức Nga liên quan việc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny chết trong tù vào tuần qua cũng bị trừng phạt.

Đây là một nỗ lực lớn hơn của Mỹ, tập trung vào các bánh răng quan trọng trong hệ thống tài chính của Nga, đào sâu hơn vào chuỗi cung ứng quân sự của nước này và truy lùng các thực thể hỗ trợ Nga ở các quốc gia khác như Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, theo The New York Times.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng việc đưa ra các lệnh trừng phạt này sẽ bóp nghẹt nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đồng thời cản trở khả năng Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.

Gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ ít ảnh hưởng tới Nga

Gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga cho thấy chính quyền ông Biden có những lựa chọn hạn chế để đối phó với Moscow, tờ The Wall Street Journal đánh giá.

Lo ngại về những hậu quả kinh tế mà lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn đối với Nga sẽ gây ra trong năm bầu cử cũng như không muốn mạo hiểm với nguy cơ ăn miếng trả miếng có thể xảy ra từ việc tịch thu tài sản của Nga, Mỹ chỉ còn cách áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hẹp hơn.

Gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ có làm đau Nga?
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ nhằm vào Nga vào hôm 23-2. Ảnh: REUTERS

Một số chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ rằng gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ sẽ không có nhiều tác động với Nga mà chỉ cho công chúng thấy rằng Mỹ đã hành động quyết liệt trong bối cảnh hệ phòng thủ của Ukraine đang sụp đổ trước cuộc chiến của Moscow, theo The Wall Street Journal.

Ông Charles Kupchan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho rằng một mặt, gói trừng phạt này là điều không thể tránh khỏi vì Mỹ cần có các động thái cụ thể để phản ứng với việc ông Navalny chết trong tù. Mặt khác, ở thời điểm này, có thể thấy khá rõ ràng là các gói trừng phạt Nga đã không đem đến kết quả như kỳ vọng.

Theo ông Kupchan, đợt trừng phạt này sẽ mang tính biểu tượng hơn là gây ra ảnh hưởng thực tế với Nga. Ông cũng cho rằng biện pháp hiệu quả nhất để trừng phạt Nga lúc này là viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng hiện tại quốc hội Mỹ vẫn chưa thống nhất được việc viện trợ thêm cho Kiev.

Cùng ý kiến, ông Daniel Tannebaum, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ cho rằng phần lớn những cá nhân bị trừng phạt là công dân Nga hoặc những người cư trú ở Nga, “có nghĩa là tác động của các biện pháp trừng phạt đó có thể sẽ bị hạn chế”, theo The New York Times.

Hiện tại, trọng tâm của Mỹ là lấp đầy các lỗ hổng trong mạng lưới trừng phạt, tức là truy quét các công ty giúp Nga né hoạt động thương mại và tài chính đã bị cấm, đồng thời buộc các chính phủ nước ngoài ngăn chặn các hoạt động này trong lãnh thổ của mình.

“Nga vẫn đang được các nước thứ ba hỗ trợ, và mặc dù một số ít các thực thể của nước thứ ba đã bị đưa vào danh sách đen, nhưng đây không phải là những tên doanh nghiệp có tiếng mà mọi người biết đến, vì vậy nó chỉ có tác dụng ngăn chặn hạn chế” – ông Tannebaum nhận định.

Mỹ cần mạnh tay hơn

Khi Washington công bố các biện pháp trừng phạt chưa từng có vào năm 2022 nhằm đáp trả việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quan chức Mỹ đã dự đoán rằng các lệnh này sẽ có tác động khủng khiếp đối với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, những ảnh hưởng tiêu cực nhất đối với Nga chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ có làm đau Nga?
Công ty vận tải và hậu cần SUEK (Nga) phục vụ quân đội Nga là một trong những doanh nghiệp nằm trong danh sách trừng phạt. Ảnh: REUTERS

Ban đầu, nền kinh tế Nga đã suy thoái khi xuất khẩu giảm mạnh và Moscow phải vật lộn để có được nguồn tài chính, hàng hóa và dịch vụ cần thiết để hoạt động. Đến cuối năm ngoái, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại, dù hơi chậm, và Nga phát đi tín hiệu rằng nước này đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài ở Ukraine.

Thượng nghị sĩ Mark Warner nói rằng cần phải thừa nhận là các lệnh trừng phạt 2 năm qua có nhiều lỗ hổng hơn mọi người nghĩ. Ông Warner nói: “Tôi hy vọng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ có khả năng gây thêm áp lực lên Trung Quốc, nước đang cung cấp hàng hóa cho Nga”.

Bà Elaine Dezenski, cựu quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho rằng lệnh trừng phạt nhắm vào buôn bán trang thiết bị quân sự của Nga là đúng đắn, đồng thời gợi ý thêm rằng Mỹ và các đồng minh có thể cắt giảm một nửa mức trần giá dầu và hành động mạnh mẽ hơn để phá vỡ “đội tàu bóng đêm” của Nga bí mật xuất khẩu xăng dầu lách mức giá trần đó.

Bà Dezenski cho rằng các đồng minh cũng có thể chuyển dự trữ ngoại tệ bị đóng băng của Nga và các tài sản chủ quyền khác sang Ukraine để giúp tài trợ hoạt động chiến sự của Kiev. gói trừng phạt kỷ lục của Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm