Gốm Bàu Trúc - mạch nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai

(PLO)-
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Làng gốm Bàu Trúc tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến nay. Làng nghề này vào cuối năm 2022 được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Bàu Trúc theo tiếng Chăm cổ gọi là Paley Hamu Trok, có nghĩa là “làng trũng, nhô ra cuối triền sông”. Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), làng gốm Chăm Bàu Trúc là một trong những điểm đến hấp dẫn và thu hút khách du lịch ở Ninh Thuận trong những năm gần đây.

Cho đến nay, làng gốm Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm thủ công mà cha ông ta gần ngàn năm nay đã làm, kể cả cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…

Đặc biệt, nghề làm gốm ở đây được “mẹ truyền con nối”, phụ nữ Bàu Trúc lớn lên đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời làm gốm và lưu truyền đến nay.

Nguyên liệu dùng để làm gốm được lấy từ cánh đồng Nu Lah bên bờ sông Quao và cũng chỉ có đất ở đây mới làm gốm được.

Những người thợ gốm cho biết gốm ở đây không phải được làm thuần từ đất sét, mà khi làm nguyên liệu đất sét đã được pha với một phần cát non được lấy từ các con suối trên nguồn chảy về, cát nơi ấy có chứa rất nhiều sa khoáng, người dân gọi là “cát bồi”. Khi pha vào đất để làm gốm và nung ở nhiệt độ 600-800 độ, các khoáng chất khác sẽ cháy hết, chỉ còn vàng non dạng sa khoáng bám lại vào thành gốm. Ngoài ra, người thợ gốm vẫn có thể tạo màu cho sản phẩm bằng các loại vỏ cây và tuyệt đối không dùng men màu công nghiệp.

Ngày nay, nghề gốm ở làng Bàu Trúc không chỉ dành cho phụ nữ mà đàn ông đã tham gia làm gốm nhiều hơn. Chính vì vậy, sản phẩm của làng gốm cũng đa dạng hơn.

Người làm gốm tại làng gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: THANH HÀ/TTXVN
Người làm gốm tại làng gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: THANH HÀ/TTXVN

Mặc dù được chế tác thủ công nhưng tất cả đều mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi mang đậm nét văn hóa Chăm Pa. Những người thợ hầu như không cần bản mẫu, họ tự do phóng khoáng gửi tâm hồn mình vào từng nét khắc hoa văn…

Hiện nay ở Bàu Trúc, ngoài nhà trưng bày gốm được Nhà nước đầu tư xây dựng, hầu hết nơi ở của các gia đình cũng là nơi chế tác và nung gốm. Bởi với hơn 400 hộ gia đình, trong đó 80% các gia đình tham gia sản xuất và bán sản phẩm gốm tại nhà. Và đời sống của người làm gốm ở Bàu Trúc đã được cải thiện nhiều hơn trước. Nghề gốm đã được truyền dạy lại cho các thế hệ, nhiều người trẻ học hành đến nơi đến chốn, đã đi làm ăn xa, nay cũng trở về làng nối nghề gốm ông bà để lại.

Đến Bàu Trúc, du khách sẽ được chứng kiến tận mắt quy trình các nghệ nhân làm ra sản phẩm gốm, cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm gốm, để thêm trân trọng những giá trị tinh hoa nghề truyền thống được bao thế hệ người Chăm ra sức giữ gìn và bảo tồn để nối mạch, giữ gìn giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và cho tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm