Góp ý về 4 tiêu chí của Bộ Y tế để TP.HCM mở cửa trở lại

TP.HCM đang bước vào giai đoạn tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9 nhưng một số địa phương như quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ đã bắt đầu dần mở cửa sau khi đã kiểm soát được dịch. Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế mới đây đã đưa ra bốn tiêu chí và đang lấy ý kiến để TP nói chung và các địa phương khác nói riêng được mở cửa trở lại cuộc sống bình thường mới.

PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định các tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra cần được cân chỉnh để phù hợp hơn với tình hình của TP, nhất là mục tiêu sống chung an toàn với SARS-CoV-2.

Một số tiêu chí không còn phù hợp

. Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về các tiêu chí để mở cửa trở lại ở các địa phương, trong đó có TP.HCM mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến?

+ PGS-TS Ngô Quốc Đạt: Tôi rất đồng ý rằng cần có các tiêu chí rõ ràng để có thể quyết định (cấp độ) mở cửa trở lại ở TP.HCM cũng như các địa phương khác. Tuy nhiên, các tiêu chí cần phục vụ cho mục tiêu sống chung an toàn với virus.

Với tiêu chí số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với hai tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tôi cho rằng khó khả thi và không còn phù hợp với tình hình mới hiện tại. Mục tiêu quan trọng nhất của TP là bảo vệ tính mạng của người dân và tránh quá tải cho hệ thống y tế. Vì vậy, chúng ta chỉ quan tâm đến số ca nhiễm nếu có tác động mạnh mẽ đến chỉ số trở nặng và tử vong, gây sức ép lên hệ thống y tế. Còn nếu không thì chỉ cần theo dõi để có các phương án khuyến cáo phòng chống lây nhiễm.

Thêm nữa, số ca nhiễm hiện nay ở TP được ghi nhận ở mức cao nhưng điều đó không có nghĩa là dịch đang lan nhanh mà là vì chúng ta đang thực hiện xét nghiệm diện rộng. Suốt những tháng qua, chúng ta siết giãn cách làm giảm tiếp xúc, đồng thời đã tăng cường vaccine. Vậy nên tôi tin rằng số ca F0 trên thực tế nếu đo đếm được từ trước đến nay thì đã có xu hướng giảm, chẳng qua là vì trước đây chúng ta xét nghiệm chưa nhiều như thời gian sau này. Nếu áp đặt con số F0 vào hai bối cảnh thực hiện xét nghiệm khác nhau thì không phản ánh đúng thực tế.

Tương tự, với vấn đề xét nghiệm, tôi cũng đồng ý rằng cần giám sát (a) tỉ lệ số ca dương tính trên tổng số ca được lấy mẫu và (b) các chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng nhưng đó cũng như đếm số ca F0 phát sinh - chỉ là tiêu chí phụ chứ không phải là yếu tố tiên quyết để đưa ra chính sách mở cửa.

Cuối cùng, chúng ta cần điều chỉnh lại các biện pháp trong Chỉ thị 15, 16 hay 19 cho phù hợp với tình hình thực tế. Các chỉ thị này là để phục vụ cho mục tiêu “zero COVID” trước đây, còn giờ chúng ta cần một bảng điều khiển dữ liệu (dashboard) về dịch bệnh để quyết định chính sách. Nếu chúng ta vẫn áp dụng các chỉ thị cũ mà không có điều chỉnh trong bối cảnh dịch bệnh đã ăn sâu vào cộng đồng thì sẽ không thể thoát khỏi mô hình “zero COVID”, rất khó để mở cửa trở lại.

Thăm khám và phát thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tập trung các trọng tâm nào?

. Vậy về tổng thể, đâu sẽ là các tiêu chí quan trọng mà Bộ Y tế cần nhắm đến?

+ Các mô hình đánh giá cấp độ dịch bệnh trên thế giới, như của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số F0 phát sinh trên 100.000 dân trong một tuần và tỉ lệ test PCR dương tính trong một tuần cũng là hai trong các tiêu chí đo lường mức độ lây nhiễm. Tuy nhiên, đó chỉ là hai trong số nhiều tiêu chí nằm trong ma trận đánh giá cấp độ dịch bệnh để ra quyết định về giãn cách.

Điều quan trọng nhất trong ma trận ấy là (i) số bệnh nhân nhập viện; (ii) số bệnh nhân tử vong; (iii) độ phủ tiêm vaccine và (iv) năng lực đáp ứng chữa trị của nền y tế. Cần tập trung phân tích sâu các tiêu chí này, ví dụ nhóm người nào hay tử vong, nhóm người nào hay nhập viện…, từ đó sẽ có những phương án ứng phó phù hợp.

Chúng ta có thể hình dung với tư duy “zero COVID” thì chúng ta sẽ phòng thủ, tức là phải tìm cách đẩy cho sạch F0 ra khỏi cộng đồng để không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trên thế giới không ai làm được, ngay cả Trung Quốc đang kiên trì theo đuổi nhưng mục tiêu này cũng đang lung lay dữ dội khi biến chủng Delta có tốc độ lây quá nhanh, vaccine cũng không thể kháng lây nhiễm hoàn toàn.

Vậy thì khi quyết định sống chung an toàn với virus, chúng ta cần tư duy chính sách mang tính chủ động. Bộ Y tế khi đánh giá về khả năng mở cửa của một địa phương thì cần đặt ra các tiêu chí liên quan đến sự chủ động của địa phương đó.

 

Giai đoạn vừa qua chính là bài học rất quý báu để chúng ta xây dựng hệ thống điều trị một cách khoa học và bài bản. Lâu dài, cần phối hợp nhuần nhuyễn các cấp độ điều trị F0: (i) Tự chăm sóc và điều trị tại nhà dưới sự hỗ trợ của y tế (cái này chiếm phần lớn); (ii) Chăm sóc tại các cơ sở địa phương; (iii) Chăm sóc, điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch. PGS-TS NGÔ QUỐC ĐẠT

Cần tập trung đánh giá “ba chủ động”

. Sự chủ động ấy bao gồm những yếu tố nào?

+ Thứ nhất là chủ động vaccine. Trước mắt, phải đánh giá hiệu quả tình hình tiêm vaccine một cách nhanh chóng và đầy đủ. Muốn vậy, dữ liệu phải chắc, nhất là dân số và thành phần dân số (để vừa phủ rộng nhưng vừa ưu tiên cho nhóm cao tuổi, bệnh nền). Một số địa phương, theo tôi biết, có sự di biến động dân cư cao, vì vậy họ lúng túng trong việc tính toán độ phủ vaccine. Vì vậy, đợt dịch này cũng là thời cơ để tính toán lại dân số ở các đơn vị xã, phường, quận, huyện và toàn TP một cách chính xác hơn. Lâu dài, phải cập nhật một cách nhanh chóng, đầy đủ hơn.

Thứ hai là chủ động giường bệnh, hệ thống y tế chữa trị. Hiện nay, tôi thấy hệ thống y tế đã dần chiếm thế chủ động lại rồi. Ít nhất là kể từ ngày 23-8 cho tới nay, số ca tử vong giảm từ 340 ca xuống còn gần 190 ca. Số ca F0 nhập viện và trở nặng cũng có xu hướng giảm. Đó là nhờ TP tăng cường nâng cấp hệ thống y tế và sự trợ giúp đắc lực từ trung ương. Tại một số cơ sở hồi sức, trước đây thường ghi nhận hàng chục ca tử vong mỗi ngày nhưng gần đây chỉ đôi ba ca, thậm chí có ngày không có ca tử vong.

Bộ Y tế có hướng dẫn các địa phương, trong đó có TP cần đảm bảo “số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định, đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh, TP được đánh giá nguy cơ rất cao”. Tôi cho rằng con số 5% cũng cần được xem xét dựa vào tình hình thực tế của từng địa phương. Tôi phải nhắc lại là số giường ICU có giá trị quan trọng với nhóm người có nguy cơ trở nặng và tử vong (nhóm người cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm vaccine). Vì vậy, số phần trăm về giường bệnh cần được tính toán dựa vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Giả sử một địa phương, khu vực nào đó dân số trẻ, khỏe và người cao tuổi, bệnh nền đã được tiêm đủ vaccine thì tỉ lệ 5% trên ca nhiễm là rất cao. Trong bình thường mới, dù có SARS-CoV-2 nhưng chúng ta đừng quên các bệnh nhân khác cần chữa trị cũng rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả bệnh COVID-19, như bệnh nhân ung thư, bệnh hiểm nghèo hay các bệnh mạn tính chẳng hạn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần chú ý đến các tiêu chí về y tế cơ sở. Tính chủ động trong hệ thống y tế nên hiểu là “đánh chặn từ xa”, tập trung chăm sóc F0 cộng đồng để họ không trở nặng và chuyển viện, giảm áp lực tuyến trên. Điều này vô cùng quan trọng với đặc thù của bệnh nhân COVID-19 (chủ yếu F0 là ở tuyến dưới). Vì vậy, muốn mở cửa đến cấp phường, xã thì phải có các đội y tế chống dịch cấp phường, xã.

Thứ ba là chủ động về công nghệ. Bộ Y tế cần có cơ chế khuyến khích chính quyền áp dụng công nghệ và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dùng công nghệ để tăng khả năng thích nghi với dịch bệnh.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về dịch bệnh cùng với các phương án kịch bản ứng phó cần là điều kiện để xem xét TP có thể mở cửa an toàn. Với doanh nghiệp, họ cũng cần được tiếp cận dữ liệu chung do TP cung cấp để sáng tạo ra các ứng dụng, phục vụ cho việc giám sát và đánh giá mức độ an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Với người dân, họ cũng cần được cung cấp các ứng dụng, ít nhất là để họ nhận diện được các rủi ro xung quanh, khai báo y tế, hỗ trợ chăm sóc khi nhiễm bệnh…

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới