GS Võ Tòng Xuân và mô hình liên kết bốn nhà

Xây dựng, phát triển công ty cổ phần nông nghiệp (CTCPNN) để đem lại giá trị cao hơn cho sản xuất, xuất khẩu gạo, từ đó người trồng lúa thu được nhiều lợi nhuận là mô hình đang được GS Võ Tòng Xuân (ảnh) và một số doanh nghiệp (DN) kết hợp thực hiện.

Nông dân làm chủ

GS Võ Tòng Xuân cho biết mô hình này gồm một tổ hợp mà nòng cốt là các DN có cơ sở chế biến, bộ máy để tiêu thụ sản phẩm. Công ty sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, tập hợp và đào tạo nông dân sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Gạo sau đó sẽ được đăng ký nhãn hiệu rồi đưa đi xuất khẩu hoặc bán trong nước. Đây là mô hình công ty sẽ liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và DN.

Nông dân có thể mua cổ phần của công ty này thông qua việc đóng góp một phần nguyên liệu sau mỗi mùa vụ. Số nguyên liệu còn lại được công ty bảo đảm đầu ra, mua với giá cao. Đến cuối mùa vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho cổ đông. Mỗi cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần, đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái.

Cần chính sách hỗ trợ

. Như ông từng nói muốn phát triển nông nghiệp cần phải liên kết bốn nhà, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vậy theo ông, nhà nước sẽ đóng vai trò như thế nào trong CTCPNN?

+ Nhà nước sẽ đề ra chính sách, ví dụ cho phép nông dân mua cổ phần qua mỗi mùa vụ, vì họ khó có đủ tiền để mua cổ phần trong một lần. Nhà nước sẽ cho CTCPNN vay vốn ưu đãi để mua vật tư, thuốc trừ sâu… ứng trước cho nông dân. Khi công ty đứng ra mua vật tư nông nghiệp từ chính nhà sản xuất sẽ tránh được hàng giả; tránh cho nông dân phải bán lúa non, bị ép giá khi vào vụ thu hoạch trước áp lực trả nợ đã vay trước đó. Hiện nay, trước khi vào vụ thu hoạch, hầu hết nông dân phải bán tống, bán tháo lúa để trả nợ.

Mô hình liên kết bốn nhà do GS Võ Tòng Xuân đề xuất.

Một chính sách nữa là nhà nước nên bù lỗ trực tiếp cho nông dân khi giá lúa gạo xuống thấp. Việc bù lỗ này thông qua quỹ kích cầu cho các CTCPNN. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới trợ cấp cho nông dân hàng trăm tỉ đôla Mỹ mỗi năm.

Loại bỏ trung gian

. Mô hình CTCPNN gồm nhiều khâu như tập hợp vùng nguyên liệu; nông dân; đầu tư vốn, khoa học; tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Vậy CTCPNN sẽ tập trung vào công đoạn nào để tạo hiệu quả cao?

+ Có lẽ cần phải chú trọng mọi công đoạn. Tuy nhiên đầu ra, tức là thị trường tiêu thụ, hết sức quan trọng. Mình sản xuất ra lúa gạo ngon, chất lượng mà không bán được cũng bằng không. Hiện tại, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho lúa gạo còn rất kém.

. Liệu CTCPNN có tránh được tình trạng thương lái ép giá nông dân hay không?

+ Như đã nói ở trên, CTCPNN ra đời sẽ hạn chế, thậm chí loại bỏ được tình trạng thương lái. Nguyên liệu lúa gạo làm ra sẽ được bán thẳng cho công ty với giá cao chứ không phải qua tầng nấc trung gian nào.

. Mô hình CTCPNN đã được triển khai hay vẫn đang còn là đề án?

+ Hiện nay, HTX Mỹ Thanh (Tiền Giang) có Công ty ADC đứng ra tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, sau đó thu mua, chế biến thành thương hiệu gạo Tứ Quý. Công ty Kitoku (Nhật Bản) đã hợp đồng với nông dân tại An Giang, đào tạo, giúp nông dân sản xuất lúa tốt hơn. Công ty này cũng mua toàn bộ lúa gạo của nông dân đem đi chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự hợp tác này chỉ dừng lại ở mức độ liên kết. Hiện mô hình CTCPNN đang được chúng tôi đẩy mạnh và có một dự án đang được hình thành tại An Giang. Tỉnh đã giao một khu đất rộng 20 ha để xây dựng khu công nghiệp, gồm nhà máy chế biến, sấy lúa, kho, bao bì, đóng gói… Ngược lại, các DN đang tập hợp nông dân, quy hoạch vùng nguyên liệu cho cụm công nghiệp này.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới