Gửi bài bào chữa nhờ tòa đọc giùm: Nên tránh!

Luật sư “nhờ đọc” phần bào chữa là không đúng với tinh thần “bào chữa” mà luật đã quy định. Bởi luật sư còn phải tranh luận lại với công tố viên, cung cấp chứng cứ mới... chứ không đơn thuần là nêu quan điểm suông.

Luật không cấm luật sư vắng mặt rồi gửi bản bào chữa nhờ tòa đọc giùm. Tuy nhiên, nó làm giảm chất lượng tranh tụng, không đảm bảo quyền lợi của thân chủ... Nhiều ý kiến cho rằng không nên để xảy ra tình trạng này.

Thư ký đọc bài bào chữa

Ngày 23-7, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ Lê Thị Tuyết Trang lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong phiên xử này, luật sư của bị cáo Trang vì bận công việc đột xuất nên xin vắng mặt. Tuy nhiên, ông đã gửi bản bào chữa đến tòa nhờ tòa công bố giúp.

Trong phần tranh luận, sau khi công tố viên phát biểu quan điểm, tòa hỏi ý kiến bị cáo: “Bị cáo tự đọc phần bào chữa của luật sư hay nhờ thư ký phiên tòa đọc giùm?”. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, bị cáo đã nhờ thư ký đọc giúp.

Trong bản bào chữa, luật sư cho rằng bị cáo không có tội mà đây chỉ là quan hệ dân sự. Phía công tố viên giữ nguyên quan điểm, khẳng định bị cáo có tội và không tranh luận lại. Sau đó, HĐXX nhận định bị cáo có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nên y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 13 năm tù...

Gửi bài bào chữa nhờ tòa đọc giùm: Nên tránh! ảnh 1

Luật sư đang tranh tụng với VKS tại một phiên xử lưu động tại TAND quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD

Thiệt thòi cho bị cáo

Xung quanh việc luật sư vắng mặt rồi gửi bài bào chữa đến tòa đã có các quan điểm khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng luật không cấm nên luật sư hoàn toàn có quyền làm điều này. Tuy nhiên, luồng ý kiến này cũng cho rằng chỉ những trường hợp bất đắc dĩ thì mới nên làm như vậy.

Luồng ý kiến khác thì bảo luật sư “nhờ đọc” phần bào chữa là không đúng với tinh thần “bào chữa” mà luật đã quy định. Bởi luật sư còn phải tranh luận lại với công tố viên, cung cấp chứng cứ mới... chứ không đơn thuần là nêu quan điểm suông; do vậy cần phải cấm tái diễn tình trạng này.

Luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) bức xúc việc bào chữa cho thân chủ không thể đơn thuần nhìn vào hồ sơ hay diễn tiến tại cơ quan điều tra mà phải từ thực tế diễn tiến tại phiên tòa. Giả sử trong trường hợp tại tòa phát sinh vấn đề mới như tại cơ quan điều tra bị cáo kêu oan nhưng ra tòa bị cáo lại nhận tội thì bản bào chữa mà luật sư soạn sẵn trước đó sẽ trở nên vô duyên, không tương thích...

Luật sư Trần Xuân Vinh (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) còn cho rằng các bị cáo sẽ không nắm rõ pháp luật, ra tòa tâm lý bị ảnh hưởng, không thể sáng suốt để tự bào chữa... khi có những tình tiết cần phải tranh luận, làm rõ. Khi ấy, luật sư cũng vắng mặt nữa thì bị cáo sẽ hoàn toàn bị thiệt thòi.

Một kiểm sát viên VKSND TP Đà Nẵng nói thêm, luật sư vắng mặt tại tòa sẽ khiến cho kết quả tranh tụng giảm sút. Trên thực tế, công tố viên có thể tranh luận với chính bị cáo nhưng nếu bị cáo có thể tranh luận thì đã không nhờ tới luật sư...

Phải tránh tình trạng “bỏ túi”

Theo các chuyên gia pháp luật, quan điểm bào chữa có thể soạn trước nhưng việc luật sư nêu quan điểm đó tại tòa hoàn toàn khác với việc nhờ người khác đọc. Bởi nêu quan điểm không phải như việc đọc một bài văn. Khi bào chữa, luật sư còn nhấn nhá các từ, cụm từ, giải thích quan điểm khi có thắc mắc, làm rõ vấn đề, tranh luận lại để bảo vệ quan điểm của mình… Mặt khác, việc soạn quan điểm bào chữa rồi trưng nguyên văn tại tòa không khác nào “án bỏ túi”, coi như mọi việc đã rồi. Chúng ta đã rất phản đối việc xét xử theo kiểu “án bỏ túi” nhưng luật sư lại làm như vậy không khác nào miệng thì phản đối, tay thì lại tiếp tay. Các luật sư phải nghiêm túc làm mọi cách để chấm dứt tình trạng này.

Cấm triệt để

Vấn đề luật sư vắng mặt rồi gửi bản bào chữa đến tòa luật không cấm nhưng nó ảnh hưởng nhiều tới chất lượng tranh tụng tại tòa và quyền lợi của thân chủ. Vì vậy theo tôi, Liên đoàn Luật sư, các nhà làm luật cần có một văn bản chỉ đạo nghiêm cấm triệt để việc luật sư vắng mặt rồi gửi bản bào chữa tới tòa. Có như vậy mới nâng cao ý thức, trách nhiệm của luật sư với từng vụ án và đảm bảo ý nghĩa của tính chất tranh tụng tại tòa...

Luật sư ĐOÀN CÔNG THIỆN,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang

Giảm chất lượng tranh tụng

Diễn tiến phiên tòa có thể xem là một cuộc điều tra công khai. Nếu luật sư chỉ dựa vào hồ sơ, kết quả điều tra để nêu quan điểm bào chữa thì sẽ không sát với thực tế. Có nhiều trường hợp, kết quả điều tra của cơ quan điều tra mâu thuẫn với diễn biến tại phiên tòa. Thế nên bản bào chữa soạn trước để gửi tới tòa không còn giá trị hoặc giảm một phần giá trị. Tại tòa, luật sư còn có quyền xét hỏi, thẩm vấn làm rõ vấn đề và đưa ra các chứng cứ chứng minh cho quan điểm của mình. Nếu luật sư vắng mặt thì không thể làm điều này, cũng như không thể tranh luận lại với công tố viên nên sẽ làm giảm chất lượng tranh tụng và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của thân chủ.

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM,
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm