Gửi tiết kiệm, nên 'chọn mặt gửi vàng'

(PLO)- Người dân không nên gửi tiền tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi, tránh ảnh hưởng, rủi ro đối với người gửi tiền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng (NH) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi NH Nhà nước (NHNN) nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng lên mức 6%/năm. Nhưng áp lực lên lãi suất tiền gửi có thể còn lớn hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và gửi thông điệp sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, gây áp lực lên tỉ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

Tung nhiều chiêu để thu hút khách gửi tiền

NH số Cake by VPBank vừa cập nhật bảng lãi suất tiền gửi mới nhất. Theo đó, với số tiền gửi dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn sáu tháng khách hàng sẽ được nhận mức lãi suất 8,8%/năm; 1-3 năm sẽ được hưởng mức lãi 8,9%/năm. Đối với gửi tiết kiệm ngắn hạn, mức cao nhất khách hàng nhận được tối đa đến 6%/năm cho các kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: TL

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: TL

Tương tự, tại Viet Capital Bank, khi khách hàng gửi trực tuyến kỳ hạn sáu tháng sẽ được nhận mức lãi suất 8%/năm và cao nhất là 8,9%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Biểu lãi suất mà VPBank vừa cập nhật cũng đẩy mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên 8,9%/năm nhưng kèm theo nhiều điều kiện như lãi cuối kỳ, gửi tiền online với số tiền phải từ 50 tỉ đồng trở lên và kỳ hạn là 18-36 tháng.

Mặt bằng vốn năm nay khác
mọi năm

Theo số liệu từ NHNN vừa công bố cho thấy từ đầu năm đến ngày 25-10, tín dụng đã tăng 11,5%. Con số này so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Tuy nhiên, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm. Hiện nay, tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.

Trong khi đó, SCB niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,3%/năm cho khách hàng gửi qua kênh online và chọn kỳ hạn 15-36 tháng. Kỳ hạn sáu tháng đang được NH này neo ở mức 8,7%/năm.

Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các NH còn đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Đơn cử tại KienlongBank, trong giai đoạn từ nay đến hết năm, khi gửi tiền tiết kiệm, khách hàng sẽ được nhận quà tặng trực tiếp và được nhận mã số dự thưởng để tham gia vòng quay may mắn có cơ hội nhận được giải đặc biệt là một căn hộ cao cấp.

Ông lớn Agribank cũng triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng “Cùng Agribank - Tăng nhanh tài lộc” trên toàn quốc với hơn 24.000 cơ hội trúng nhiều giải thưởng giá trị, tổng giá trị giải thưởng là 12,1 tỉ đồng.

Người gửi tiền coi chừng bị nhầm lẫn

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng cao nên thay vì đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu…, nhiều người chọn gửi tiết kiệm tại NH. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến nghị người gửi tiền đừng chỉ quan tâm mức lãi suất cao mà xem nhẹ các yếu tố khác như điều khoản, điều kiện... gửi tiền. Đặc biệt cần xem xét kỹ mức lãi suất cao áp dụng trong bao lâu, chỉ những tháng đầu hay suốt quá trình gửi tiền.

Ví dụ, tại một số NH công bố lãi suất tiền gửi gần 10%/năm nhưng chỉ áp dụng cho vài ba tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi tiền. Vì vậy, nếu tính bình quân thì lãi suất thấp hơn mức lãi do NH công bố và khách hàng không được rút trước hạn. Tương tự, một NH công bố mức lãi suất kỳ hạn hơn một năm ở mức 8,8%/năm, tuy nhiên tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ nhận ra mức lợi nhuận hấp dẫn này chỉ dành cho khách hàng VIP có số tiền gửi tiết kiệm từ 2.000 tỉ đồng trở lên và phải kèm theo phê duyệt của tổng giám đốc của NH này. Như vậy, đây chỉ là chiêu NH tung ra để thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, không phải NH nào cũng công bố thông tin một cách rõ ràng trong việc huy động vốn dẫn đến dễ gây hiểu nhầm cho người gửi tiền. Ví dụ, NH mập mờ giữa chương trình huy động tiết kiệm với trái phiếu.

Chị Tuyết Mai (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết: Cách đây vài ngày, chị nhận được tin nhắn quảng cáo qua điện thoại của một NH với nội dung “lãi suất lên đến 10,2%/năm khi gửi tiết kiệm tại NH…”. So với mặt bằng chung thì mức lãi suất như trên là cao. Tưởng đây là gửi tiết kiệm NH nhưng khi gọi điện thoại lại số ghi trong tin nhắn, chị Mai mới té ngửa đây chỉ là công ty con của NH và đang huy động với sản phẩm tiết kiệm đầu tư bất động sản.

“Khi tôi hỏi kỹ hơn nữa về hình thức gửi tiền này thì nhân viên tư vấn nói: Đối với hình thức đầu tư này… tựa như hình thức gửi tiết kiệm NH và số tiền khách hàng gửi sẽ được sử dụng vào đầu tư dự án bất động sản của tập đoàn. Khi chị đầu tư vào bên em sẽ nhận được giấy đầu tư, giấy chứng nhận đảm bảo của tập đoàn...” - chị Mai kể.

Không chỉ kiểu chào mời như trên, mới đây NH VPBank còn có thư cảnh báo đến khách hàng về hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn tại NH hoặc đã đến NH để gửi tiền nhưng lại “nghe gợi ý, tin vào lời hứa lãi suất cao của một số cá nhân” và chuyển toàn bộ số tiền này sang gửi tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi.

Vì vậy, NH VPBank khuyến cáo người dân không nên gửi tiền tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi theo quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng, rủi ro đối với người gửi tiền.

Lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn tăng mạnh

Theo báo cáo của Trung tâm phân tích - Công ty Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất huy động đã về mức tương đương với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, thậm chí có NH còn cao hơn. Không chỉ tăng lãi suất, nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi cộng lãi suất cũng được các NH tung ra để hút dòng tiền nhàn rỗi.

So với cuối năm ngoái, lãi suất huy động đã tăng trung bình 3%-4%/năm, lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng hầu hết đã được đẩy lên mức kịch trần 6%/năm.

Tương tự, các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động dự kiến tiếp tục tăng trong những tháng tới. Nguyên nhân, do tác động từ việc NHNN tăng lãi suất chính sách, do tăng trưởng huy động chậm. Đặc biệt, Mỹ dự kiến nâng lãi suất điều hành lên mức quanh 4,5% vào cuối năm 2022 sẽ khiến đồng USD mạnh lên nữa, gây áp lực lên tỉ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm