Cuộc đua lãi suất tiền gửi tăng nhiệt

(PLO)- Cùng kỳ hạn nhưng chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng có khi lên đến 4,4%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản trầm lắng, chứng khoán lao dốc, vàng lên xuống thất thường…, tiền gửi ngân hàng trở nên hấp dẫn, nhất là khi các ngân hàng đang đua nhau tăng lãi suất.

Đến lượt các ông lớn nhập cuộc

Sau khi hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, ngày 27-10, đến lượt ba ngân hàng thương mại lớn có vốn Nhà nước là Agribank, BIDV và VietinBank cũng gia nhập cuộc đua. Các ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi thêm hơn 1%.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi cao nhất tại quầy ở ba ngân hàng này ở mức 7,4%/năm cho kỳ hạn từ một năm trở lên. Đối với kỳ hạn từ sáu tháng đến 11 tháng, lãi suất tại VietinBank là 6%/năm, tăng 1,3%-1,4% so với biểu lãi suất cũ. Còn BIDV áp dụng mức 6%/năm cho kỳ hạn sáu tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn chín tháng.

Đáng chú ý, VietinBank và BIDV cộng lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến thêm 0,5%-0,6%/năm so với gửi tại quầy. Như vậy, khách hàng khi gửi online tại nhóm ngân hàng này có thể được hưởng gần 8%/năm.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi, đẩy lãi suất huy động cao nhất lên mức 9,3%/năm. Đơn cử biểu lãi suất tiền gửi tại VPBank tiếp tục tăng 1,3%-1,6% tùy từng kỳ hạn và hạn mức gửi tiền. Khách hàng gửi tiền dưới 300 triệu đồng với kỳ hạn sáu tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,4%/năm, tăng hơn 1,6%/năm so với đầu tháng 10.

Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đều đã tăng cao. Ảnh: TL
Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đều đã tăng cao. Ảnh: TL

Tương tự, SCB tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi. Theo đó, lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến của các kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng tăng lên mức 9,3%/năm, mức cao nhất thị trường hiện nay. Lãi suất kỳ hạn một năm được ngân hàng này niêm yết ở mức 9,15%/năm, 13 tháng là 9,25%/năm.

Đại diện một số ngân hàng thừa nhận nhu cầu vay vốn của nhà kinh doanh cuối năm tăng cao, trong khi room tín dụng đã cạn. Mặt khác, việc huy động vốn không theo kịp tăng trưởng tín dụng gây sức ép lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn từ thị trường.

Dự báo lãi suất tiền gửi còn tăng

Nhiều chuyên gia dự báo đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ chưa dừng lại. Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất trong hai cuộc họp chính sách còn lại của năm, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 và giữa tháng 12. Điều này sẽ khiến đồng USD tiếp tục tăng giá và lãi suất tiền gửi vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới.

Việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi tác động tới mặt bằng chi phí huy động đầu vào, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các ngân hàng, vì vậy buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay. Nhiều doanh nghiệp cho hay từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã tăng trung bình 2%-4,5%/năm tùy ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhìn nhận khi lãi suất tăng thì người gửi tiền và người cho vay sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn bao gồm cả nợ đang phải trả và nợ mới. Khi tăng lãi suất sẽ gây khó khăn đối với doanh nghiệp vì họ đi vay là chủ yếu.

Vì vậy, ngân hàng cần tính toán cân đối nhằm đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý cho cả huy động lẫn cho vay, chia sẻ với khách hàng.

Người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong bảy tháng đầu năm, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng vào khoảng 5,629 triệu tỉ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm ngoái. Nếu tính theo số tuyệt đối, trong bảy tháng đầu năm, người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng.

Tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tăng chủ yếu do lãi suất huy động liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, khảo sát biểu lãi suất của nhóm ngân hàng lớn vào sáng 27-10 cho thấy lãi suất tiền gửi của kỳ hạn sáu tháng chênh lệch rất lớn, lên tới 4,4%/năm. Mức lãi suất chênh lệch giữa các ngân hàng lớn khiến khách hàng “đau đầu” khi chọn lựa nơi để gửi tiền trong thời điểm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm