Hạ giá suất ăn để cạnh tranh: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

(PLO)- Một số cơ sở cung cấp suất ăn không ngại hạ giá suất ăn để cạnh tranh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-8, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) đã có buổi khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Công ty Suất ăn công nghiệp Tú Anh (quận Bình Tân).

an toàn thực phẩm - 1
Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Công ty Suất ăn công nghiệp Tú Anh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Khó đảm bảo chất lượng khi hạ giá suất ăn

Bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty Suất ăn công nghiệp Tú Anh, cho biết hiện công ty này đang cung cấp khoảng 40.000 suất ăn/ngày với một điểm cung cấp suất ăn tại quận Bình Tân và 20 bếp ăn tập thể cố định tại các công ty, xí nghiệp.

Đối tượng phục vụ chính của công ty là học sinh tại các trường có tổ chức bán trú; công nhân, nhân viên văn phòng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM), Trảng Bàng (Tây Ninh)…

Với số lượng suất ăn lớn mà công ty này cung cấp ra ngoài, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó ban Văn hóa - Xã hội đặt vấn đề công ty đã đảm bảo an toàn thực phẩm thế nào, ngăn ngừa thực phẩm bẩn ra sao, có các kịch bản xử trí khi mất an toàn thực phẩm xảy ra hay chưa...

an-toan-thuc-pham-9.jpg
Nhân viên Công ty Suất ăn công nghiệp Tú Anh đang chế biến thức ăn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Nụ cho hay những vấn đề trên cơ bản công ty đã đảm bảo, đồng thời thông tin thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngại đưa ra giá thật thấp để cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn thực phẩm giá rẻ, không nguồn gốc.

"Giá thực phẩm ngày càng tăng, trong khi giá mỗi suất ăn của họ vẫn giữ ở mức 18.000-20.000 đồng như nhiều năm về trước. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khác trong cung ứng suất ăn đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng" - bà Nụ nói.

an-toan-thuc-pham-5.jpg
Đoàn khảo sát trực tiếp kiểm tra dây chuyền sản xuất suất ăn, vệ sinh dụng cụ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Suất ăn sẵn cũng cần có giá sàn

Để những suất ăn được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Nụ đề xuất nên có quy định về giá sàn. Chẳng hạn, giá tối thiểu cho mỗi suất ăn là 22.000-25.000 đồng (chưa bao gồm thuế). Đối với suất ăn trong trường học nên ở mức 40.000 đồng/bữa ăn (gồm ăn trưa và ăn xế).

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp không giấy phép, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tôi góp ý TP nên sớm xem xét tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức, hoạt động căn tin, bếp ăn tại trường học. Việc nấu ăn tại chỗ trong trường tạo điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp tổ chức bếp ăn, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc cho học sinh theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn” - bà Nụ nói.

an-toan-thuc-pham-6.jpg
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay hiện nay đã có quy định về giá trần cho mỗi suất ăn là 35.000 đồng. Để quản lý tốt, cần có thêm quy định về giá sàn, nếu không các đơn vị sẽ hạ giá để cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cạnh đó, các trường học cần có tiêu chuẩn cao khi lựa chọn đối tác cung cấp suất ăn, giúp suất ăn của học sinh được đảm bảo cả chất và lượng.

“Khi lựa chọn đối tác đến nấu ăn tại trường hay cung ứng suất ăn sẵn, chúng tôi biết các hiệu trưởng rất áp lực vì vừa phải đảm bảo chất lượng mà giá cả cũng phải hợp lý. Chúng tôi khuyến cáo trường không nên bỏ qua khâu đấu thầu, nên lựa chọn đối tác có chất lượng tốt nhất để cung cấp suất ăn đảm bảo cho học sinh, giảm vận chuyển thức ăn sẽ giảm nguy cơ thức ăn hư hỏng” - bà Lan nói.

an-toan-thuc-pham-7.jpg
Vận chuyển các suất ăn đến trường học, khu công nghiệp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tiếp đó, bà Lan nhấn mạnh cần tăng cường thanh tra là để phát hiện những gì chưa đúng, chưa tốt ngay từ khi mới manh nha để chấn chỉnh. Nếu đợi đến lúc sai phạm mới thanh tra là thất bại vì khi đó đã ảnh hưởng xấu sức khỏe người dân.

“Với tình hình nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra như hiện nay, nếu thanh tra không cứng, không làm đúng thì không ổn. Chúng tôi sẽ giữ quyền thanh tra đột xuất nếu có thông tin về vi phạm và tiếp tục phối hợp thật tốt để thanh tra không trùng lắp” - bà Lan khẳng định.

an-toan-thuc-pham-8.jpg
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, khảo sát quy trình chế biến thức ăn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đảm bảo chất lượng nguyên liệu nhập vào

Để đảm bảo các suất ăn cho học sinh, công nhân, đề nghị Công ty Suất ăn công nghiệp Tú Anh tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu nhập vào, không chỉ quan sát/giám sát mà phải nắm được đối tác thu mua nguyên liệu từ đâu.

Ngoài ra, cần có kiểm tra chéo và bất chợt, phải kiểm soát chặt nếu nguyên liệu cung ứng lấy từ vùng có nguy cơ. Có kịch bản đối phó nếu xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm, phải chú ý vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân trước rồi tiến tới làm việc với cơ quan, đối tác để tìm nguyên nhân.

Ông CAO THANH BÌNH - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm