UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 30/2019.
Theo quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và tiếp tục có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2025.
Theo quyết định số 30/2019, bảng giá đất Hà Nội được áp dụng từ năm 2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 31-12-2024. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi xây dựng bảng giá đất mới, UBND TP quyết định gia hạn thời gian áp dụng bảng giá đất thêm một năm, đến hết ngày 31-12-2025.
Xác định theo vị trí, chiều sâu của thửa đất
Điểm nhấn quan trọng trong Quyết định số 71 là việc Hà Nội bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách.
Theo đó, vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.
Cụ thể: Vị trí 1 áp dụng với thửa đất có mặt giáp với đường, phố được ghi trong bảng giá đất. Vị trí 2 áp dụng với đất tiếp giáp ngõ có mặt cắt từ 3,5m trở lên.
Vị trí 3 là đất giáp ngõ có mặt cắt từ 2m đến dưới 3,5m. Vị trí 4 là đất giáp ngõ có mặt cắt dưới 2m.
Đối với các thửa đất xa đường, phố, bảng giá quy định mức giảm giá theo khoảng cách. Từ 200-300m giảm 5%; từ 300-400m giảm 10%; từ 400-500m, giảm 15%; từ 500m trở lên giảm 20%.
Có thể thấy việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm mức giá phù hợp với điều kiện thực tế sử dụng đất và giá trị kinh tế, tránh tình trạng định giá cao cho các thửa đất ở xa khu vực trung tâm.
Quyết định cũng đưa ra các phân lớp giá đất theo chiều sâu thửa đất. Theo đó, từ chỉ giới hè đường, ngõ đến 100m áp dụng 100% giá đất theo quy định; từ 100-200m, giảm 10%; từ 200-300m giảm 20%; từ 300m trở lên giảm 30%.
Giá đất mới cao nhất lên đến 695,3 triệu đồng/m2
So với bảng giá đất cũ theo Quyết định 30 thì bảng giá đất mới cao gấp từ 2 đến 6 lần.
Trong đó, mức giá đất cao nhất của Thủ đô thuộc về quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2. Mức giá này tương ứng với đất ở, vị trí 1 của các phố Lê Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào. Trước đó, đất cùng vị trí ở các tuyến phố này có giá là 187,9 triệu đồng/m2, như vậy giá mới điều chỉnh đã cao gấp 3,7 lần bảng giá đất cũ.
Hay như phố Trần Hưng Đạo (từ Trần Thánh Tông - Lê Duẩn) giá đất trước đó là 114 triệu đồng/m2 nay đã tăng gấp 6 lần, lên mức 695,3 triệu đồng/m2.
Bảng giá đất cao nhất tại quận Ba Đình là 450,84 triệu đồng/m2 trên phố Phan Đình Phùng. Sau đó là đất ở phố Điện Biên Phủ với mức giá là 425,9 triệu đồng/m2.
Quyết định số 71 có hiệu lực từ ngày 20-12-2024.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành, giá đất tại bảng giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính, thuế và các khoản thu ngân sách từ đất đai được thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.
Ngoài ra, bảng giá đất nông nghiệp trong khu dân cư cũng được bổ sung quy định linh hoạt.
Cụ thể, giá đất nông nghiệp trong khu dân cư có thể cao hơn giá đất nông nghiệp ngoài khu dân cư nhưng không vượt quá 50% giá đất nông nghiệp tương ứng tại các khu vực khác. Điều này, nhằm khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư hiệu quả, đồng thời bảo đảm lợi ích cho người sử dụng đất.
Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ tại nông thôn, bảng giá đất được chi tiết hóa theo từng xã và khu vực. Đặc biệt, các thửa đất nằm ngoài phạm vi 200m từ các tuyến đường phố có tên trong bảng giá sẽ áp dụng mức giá giảm tương ứng với quy định về khoảng cách.
Việc gia hạn và điều chỉnh bảng giá đất lần này nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là bước đệm quan trọng để thành phố chuẩn bị cho việc xây dựng bảng giá đất mới trong giai đoạn 2026-2030, phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024.