Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, tại một số nơi, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa các quận nội thành, một số tổ chức mang danh nghĩa nhân đạo, nạn nhân chất độc màu da cam, tình thương, nhóm hát rong do người khuyết tật (chủ yếu là người khiếm thị) vẫn tiếp tục dựng sân khấu nhỏ trên góc hè đường tại các ngã ba, ngã tư, trục đường giao thông để biểu diễn các buổi chiều, từ 17 giờ đến 21 giờ.
Hoạt động này diễn ra thường xuyên tại một số tuyến phố như Tố Hữu, Giảng Võ, Âu Cơ, Trần Đại Nghĩa, ngã ba Lê Trọng Tấn, Xã Đàn…
Để đảm bảo mỹ quan, an toàn và trật tự văn minh đô thị, xác định rõ trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước địa phương đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật không đúng địa điểm quy định trên địa bàn TP, UBND TP chỉ đạo: Sở VH-TT tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội, UBND các quận/huyện/thị xã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tại địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp tổ chức không đúng địa điểm quy định.
Ca sĩ Mỹ Tâm từng hát với người khuyết tật trên sân khấu vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bản tin. Ảnh: BVT
Sở LĐ-TB&XH tăng cường quản lý đối tượng là người khuyết tật; kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức mạo danh người khuyết tật, hoạt động nhân đạo từ thiện để trục lợi. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “xin tiền” phản cảm, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã chỉ đạo công an các quận/huyện/thị xã; chủ tịch UBND các xã/phường/thị trấn quản lý chặt chẽ địa bàn. Tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè và các khu vực diễn ra hoạt động của người tham gia giao thông. Nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm lòng lề đường để biểu diễn nghệ thuật.
Đặc biệt, văn bản nêu rõ chỉ cho phép tổ chức với những hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, chào mừng sự kiện quan trọng của TP, địa phương theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.