Hà Nội sẽ nghiên cứu sắp xếp các quán trà đá vào trong ngõ

(PLO)- Công an TP Hà Nội rà soát, nghiên cứu phương án sắp xếp các quán trà đá vỉa hè vào trong ngõ để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2. Đây là lần đầu tiên cuộc họp tổ chức trực tuyến đến 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Sắp xếp quán trà đá vào trong ngõ

Tại cuộc họp, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, cho biết vào tháng 2-2023, Ban Chỉ đạo 197 của TP đã ban hành kế hoạch lập lại trật tự đô thị, vỉa hè… trong đó có các lộ trình cụ thể để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội. Ảnh: Trọng Phú

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội. Ảnh: Trọng Phú

"Điều quan trọng nhất là làm sao duy trì được, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Sau xử lý thì phải nâng cao ý thức của người dân, hình thành lại khái niệm về vỉa hè không phải là nơi kinh doanh, buôn bán. Vỉa hè là không gian công cộng, chỉ phục vụ người đi bộ, không phải nơi trông giữ phương tiện. Chúng tôi có kế hoạch cụ thể, đi đến đâu tuyên truyền đến đó, làm bền bỉ" - ông Hải nói.

Ngoài biện pháp ra quân tuyên truyền, xử lý các vi phạm, TP cũng có giải pháp liên quan đến quy hoạch, sắp xếp lại các chợ cóc; rà soát, đánh giá, giải toả các quán trà đá kinh doanh tại mặt phố để sắp xếp tại các điểm ngõ; quy hoạch, sắp xếp lại các điểm đỗ xe.

Hà Nội sẽ rà soát sắp xếp lại các quán trà đá tại mặt đường để sắp xếp vào trong ngõ. Ảnh: Trọng Phú

Hà Nội sẽ rà soát sắp xếp lại các quán trà đá tại mặt đường để sắp xếp vào trong ngõ. Ảnh: Trọng Phú

Đối với cuộc sống, mưu sinh của người lao động bám vỉa hè, lòng đường, ông Hải cho biết qua đánh giá thực tế, số người này không nhiều. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh lớn sẽ phải thực hiện gọn gàng vào phía trong; một số cửa hàng tạp vụ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị thì phải quyết liệt xử lý, yêu cầu để hàng hoá gọn gàng, đúng quy định.

"Các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, bán trà đá cần tính toán tại các khu vực, các ngõ để sắp xếp. Tuỳ thực tế các phường, địa phương, nếu sắp xếp được thì thực hiện luôn" - ông Hải nêu thêm.

Theo ông Hải, kế hoạch cũng giao trách nhiệm “rõ người, rõ việc” cho từng đơn vị, địa phương trong việc lập lại trật tự đô thị, vỉa hè, lòng đường. Đồng thời, TP cũng lập nhiều đoàn công tác, kiểm tra để đánh giá, xem xét trách nhiệm các đơn vị, địa bàn thực hiện nhiệm vụ này.

Bêu tên đơn vị buông lỏng quản lý vỉa hè

Liên quan nội dung này, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho hay sáng ngày 9-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương của TP tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.

Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh phải chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép hiện nay.

Theo đó, ông Thanh giao các quận huyện, sở ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường, nhất là các tuyến phố, khu vực điểm nóng về ùn tắc giao thông, xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng. Ảnh: Trọng Phú

Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng. Ảnh: Trọng Phú

Đồng thời rà soát, sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện, chỗ để xe trên hè phố, dưới lòng đường theo đúng quy định, đảm bảo đường thông hè thoáng, không làm cản trở việc đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát những điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra, xử lý các vi phạm; hoàn thành trước ngày 20-3.

Từ ngày 21-3, thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và báo cáo thường xuyên về TP vào ngày 2 hàng tháng.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu thiết lập đường dây nóng, kênh thông tin (như ứng dụng Zalo…) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh, kiến nghị của người dân, các cơ quan báo chí về các hành vi vi phạm; duy trì lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các quận, huyện, thị xã và kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm khi cần thiết.

Định kỳ ngày 5 hàng tháng, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Thành ủy, UBND Thành phố, trong đó nêu rõ các địa bàn còn nhiều vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm