Hà Nội: Sức sống của quy hoạch Pháp

Triển lãm quy hoạch Hà Nội do người Pháp làm khi đô hộ nước ta đang được tổ chức ở Hà Nội (đến hết ngày 31-12). Đây là quy hoạch có giá trị để giới chuyên môn nước nhà tham khảo, nhất là khi Hà Nội đang được lập quy hoạch mới.

Trung tâm hành chính bên hồ

Trong những năm đô hộ nước ta, thời kỳ 1888-1920, thực dân Pháp tập trung xây dựng ở Hà Nội để biến nơi này không chỉ là thủ phủ hành chính, chính trị của Bắc Kỳ thuộc Pháp, mà còn là thủ đô của liên bang Đông Dương.

Phía đông hồ Hoàn Kiếm là khu vực xây dựng tập trung bao gồm các cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền thực dân. Trong đó có Tòa đốc lý, Tòa thống sứ, kho bạc, bưu điện, Ngân hàng Đông Dương, sở công chính, khách sạn chính quốc, câu lạc bộ sĩ quan, vườn hoa… Các công trình trên kết hợp với vườn hoa tạo thành một tổng thể trung tâm trọn vẹn, được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo phong cách quy hoạch, kiến trúc Pháp.

Cùng với đó, người Pháp đã hoàn thiện hệ thống đường dạo, trồng cây xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm, kết hợp với việc khai thác mặt nước hồ cho mục đích đi thuyền du ngoạn. Quanh hồ là nơi nghỉ ngơi, giải trí. Không gian hồ kết hợp với vườn hoa Paul Bert làm sống động khu trung tâm hành chính xưa của Hà Nội.

Hà Nội: Sức sống của quy hoạch Pháp ảnh 1

Trung tâm hành chính bên hồ Hoàn Kiếm là một dấu ấn quy hoạch của người Pháp lên đô thị Việt Nam. Ảnh: TL

Một hệ thống không gian mở gồm hồ nước, vườn hoa, quảng trường… liên hoàn với hệ thống các đại lộ tạo nên cảnh quan đô thị có tầm nhìn rộng, đồng thời tăng thêm khả năng thông thoáng của môi trường đô thị. Các không gian mở này được xuất phát từ Hồ Gươm.

Phố Pháp trong lòng Hà Nội

Vào những năm 1920-1945, ở phía nam hồ Hoàn Kiếm, người Pháp làm khu phố kiểu Âu. Biến nơi này thành khu phố trung tâm của Hà Nội với đầy đủ tiện nghi đô thị, phục vụ cho hoạt động kinh tế và việc cư trú của người Pháp.

Khu phố Pháp hay còn gọi là khu phố Tây, gồm một loạt tuyến phố theo dạng ô cờ vuông vức. Trong đó có nhiều phố chạy ngang song song như phố Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Cùng với đó là một loạt tuyến phố chạy dọc cắt những phố trên như phố Quán Sứ, Quang Trung, Bà Triệu, Hàng Bài, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh… Các tuyến phố này có đường rộng cho xe, trên vỉa hè rợp bóng cây là chỗ dành cho người đi bộ, cùng với đó là hệ thống đèn chiếu sáng và thoát nước... Hai bên đường chủ yếu là biệt thự dành cho người Pháp nằm duyên dáng trong những khuôn viên rộng có sân vườn bao quanh. Các biệt thự này làm theo kiến trúc ở một số vùng miền của Pháp, qua đó cũng làm cho người Pháp xa xứ vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Mạng lưới đường phố này khác hẳn với khu vực 36 phố phường chật hẹp do người Việt làm trước đó.

Khu phố Pháp ở Hà Nội được xây dựng theo quy hoạch phương Tây, có giá trị về quy hoạch, kiến trúc đã góp phần tạo nên nét hấp dẫn cho Hà Nội. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa công trình và khung cảnh thiên nhiên nhiệt đới, thông qua tỉ lệ công trình kiến trúc vừa phải và có chú ý đến cây xanh. Cùng với đó tạo nên một số trục chính có công trình trọng điểm án ngữ với vai trò là điểm nhấn.

Nguyên tắc quy hoạch của chính quyền thực dân, trong đó có Pháp là thiết kế đô thị phải tạo điều kiện thuận lợi cho người Âu sang cư trú. Họ được hưởng những gì mà thành phố tạo ra cho họ. Tiện nghi đô thị chú trọng phục vụ người Âu.

Bên cạnh khu phố Pháp, còn có khu vực chủ yếu dành cho người Việt Nam thuộc tầng lớp tiểu tư sản trung lưu do Pháp đào tạo để làm việc cho bộ máy hành chính của Pháp. Đó là các phố Ngô Thì Nhậm, Lò Đúc, Hàm Long, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, Triệu Việt Vương… Ở đây, các ô phố có quy mô nhỏ, mật độ xây dựng cao hơn so với khu phố Pháp. Sự khác biệt này thể hiện sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội trong chế độ thực dân. Giữa một bên là người Pháp thực dân và bên kia là người Việt Nam bản xứ.

Hà Nội có ôtô vào năm 1886

Sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp ra sức mở mang các đường giao thông nối liền Hà Nội với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho những hoạt động quân sự, chính trị cũng như những khai thác kinh tế ở thuộc địa. Lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang ở mức rất thấp. Việc xuất hiện những con đường và phương tiện giao thông hiện đại là một yếu tố mới, tạo thuận lợi cho sự năng động xã hội và giao lưu kinh tế giữa các vùng.

Cùng với việc khai thác đường thủy trên sông Hồng, người Pháp bắt đầu kiến thiết đường xe lửa và mở mang những đường bộ chính. Làm hàng loạt tuyến đường như Hà Nội-Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội-Vinh, Hà Nội-Hà Giang, Hà Nội-Cao Bằng, Hà Nội-Hải Phòng, mở những quốc lộ nối liền thủ đô với các tỉnh và các xứ trong Đông Dương.

Một công trình giao thông rất quan trọng được xây dựng vào thời kỳ này là cầu Long Biên, khi đó được gọi là cầu Doumer, xây năm 1898, hoàn thành sau đó bốn năm. Cầu có chiều dài gần 2 km, được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ. Qua việc xây cầu Long Biên, thực dân Pháp muốn thể hiện sức mạnh của văn minh và kỹ thuật hiện đại phương Tây tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phương tiện giao thông trong thành phố thời đó ngoài xe điện thì phương tiện vận chuyển phổ biến nhất vẫn là xe tay. Năm 1886, Hà Nội bắt đầu có ôtô. Khi đó, chỉ có hai chiếc xe của Giáo hội và một nhà thầu.

Quy hoạch qua một thế kỷ vẫn tốt

Chính phủ Pháp muốn dùng thuộc địa làm mảnh đất thực nghiệm cho những ý đồ quy hoạch đô thị mới. Thông qua đó, một mặt Pháp thể hiện tính hơn hẳn của mình ở nước thuộc địa, mặt khác, từ đó đúc rút kinh nghiệm áp dụng trong quy hoạch đô thị ở chính quốc.

Quy hoạch Hà Nội của Pháp khác ta ở chỗ: đã định làm gì là làm cái đó, không có thay đổi. Đã vẽ trên bản đồ như thế nào thì phải được thực hiện như thế. Nếu quy hoạch ở chỗ đó xây công trình gì, hay trồng cây thì thực tế sẽ diễn ra đúng như thế. Nhà cửa khi đó xây dựng theo trật tự, theo quy hoạch. Nếu sai thì đưa ra trị theo pháp luật. Thời này đi tiểu không đúng chỗ cũng bị phạt cơ mà!

Đường trong khu phố Pháp tính đến nay đã qua gần một thế kỷ sử dụng nhưng hiện nó vẫn thỏa mãn được nhu cầu đi lại, mà không hề bị lạc hậu, rất ít bị tắc nghẽn. Đó là tầm nhìn đô thị. Bởi cách đây gần 100 năm, khi làm quy hoạch ở Hà Nội, những nhà quản lý, chuyên gia của Pháp đã thấy rằng trong tương lai Hà Nội sẽ phát triển lên, người và xe sẽ tăng lên rất nhiều lần so với hiện tại. Quy hoạch Hà Nội do thực dân Pháp lập có tầm nhìn lớn. Điều này rất đáng để những nhà lập quy hoạch cho Hà Nội hiện nay suy ngẫm. Tuy nhiên, đáng tiếc là quy hoạch của Pháp vẫn còn thực hiện dang dở ở Hà Nội do Pháp bị bại trận ở Việt Nam.

Phá cổng ngăn giữa các phường trong phố cổ

Khu vực 36 phố phường của Hà Nội khi xưa có nhà cửa hai bên, đường bằng đất có lát gạch ở giữa, có cổng ngăn cách ranh giới giữa các phường. Cổng mở thông ban ngày và đóng kín ban đêm.

Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã chỉnh trang khu vực 36 phố phường của Hà Nội như phá bỏ các cổng ngăn giữa các phường trong phố, phá bỏ lều, quán trước nhà. Mở rộng, nắn thẳng và trải đá mặt đường, đồng thời tạo vỉa hè lát gạch cùng hệ thống cống rãnh thoát nước.

Những can thiệp về chỉnh trang giao thông của người Pháp đã làm thay đổi bộ mặt không gian đường phố của Hà Nội xưa. Phố rộng, liên hoàn tạo thành mạng lưới liên tục thuận tiện cho các hoạt động giao thương. Phường thủ công buôn bán xưa mất đi tính khép kín vốn có của nó.

PGS-KTS TRẦN HÙNG Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

HOÀNG VÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm