PGĐ Sở GTVT TP Hà Nội trả lời tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 31-5 về tuyến xe buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã.
“Giờ khó nhất là giải quyết làm sao nó vận hành được. Bắt buộc phải có đường ưu tiên. Nhưng thực tế hiện nay mật độ giao thông tại Hà Nội cao, hạ tầng giao thông thiếu, rất khó giành riêng một làn đường cho xe buýt với tần xuất 2-3 phút/chuyến. Do đó chúng tôi đang tính toán lại phương án chỉ làm đường dành riêng cho một số đoạn như nút giao đường vành đai I, II…, còn phần đường còn lại phải dùng chung. Quý III này, sẽ cho chạy thí điểm thực tế, cố gắng quý IV-2016 sẽ đưa vào sử dụng” - ông Quang nói.
Về việc tại sao tuyến xe buýt trị giá hàng ngàn tỉ đồng, khởi công từ năm 2013 nhưng đến nay phương án làm đường ưu tiên cho xe buýt lại phải nghiên cứu lại, ông Quang giải thích: Theo thiết kế ban đầu của tuyến buýt nhanh là phải có đường giành riêng, đường này phải có gờ cứng, cố định. Tuy nhiên, triển khai trong thực tế lại không phù hợp vì hạ tầng giao thông của Hà Nội hạn hẹp.
Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT có tổng mức đầu tư hơn 55,33 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỉ đồng) từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới, khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.
Tuyến buýt này có lộ trình từ Bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Theo thiết kế tuyến buýt có tổng chiều 14,7 km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75 m và gồm có 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường; một trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; một trạm đầu cuối Yên Nghĩa và bốn cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ. Có một trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong Bến xe Yên Nghĩa. Sử dụng xe buýt dài 12 m.
Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh. Dự kiến khi đưa vào vận hành, xe buýt chạy trên tuyến này sẽ đạt tốc độ trung bình khoảng 22-25 km/giờ. Khả năng vận chuyển có thể vượt khoảng 200% so với dự kiến 90 hành khách của mỗi xe.
Một nhà chờ xe buýt đã hoàn thiện của tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã bị bỏ hoang, hư hại.
Theo Sở GTVT TP Hà Nội, hiện tuyến buýt đã thi công xong trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã, trạm đầu cuối Bến xe Yên Nghĩa, xây xong 4/8 cầu vượt tiếp cận nhà chờ, xây dựng xong 21/21 nhà chờ, xây dựng và lắp xong khu depot trong Bến xe Yên Nghĩa. Hiện còn bốn cầu đi bộ tại các nhà chờ, triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé, đoàn xe, tổ chức giao thông trên toàn tuyến và một số hạng mục phụ trợ khác. Tuy nhiên, so với kế hoạch ban đầu, đến nay tuyến buýt này đã chậm tiến độ sáu tháng, hệ thống nhà chờ chờ xe buýt bằng thép đã hoàn thiện đang trong tình trạng bị bỏ hoang, mái và khung thép bị bong tróc, hư hại.