Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Điểm đầu của dự án là cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối là cầu Thăng Long với tổng chiều dài trên 5,3 km. Chiều dài cầu cạn cao tốc là trên 4,8 km.
Cầu cạn được xây dựng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, bề mặt cắt rộng 24-27-38 m; toàn tuyến có 6 nhánh lên xuống, bề rộng mỗi nhánh 7 m.
Dự án chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm xây dựng đoạn Mai Dịch-Cổ Nhuế và đoạn Cổ Nhuế-cầu Thăng Long. Thời gian thực hiện thi công trong 28 tháng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Việc sớm hoàn thành xây dựng tuyến đường Vành đai 3 sẽ góp phần quan trọng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay trên tuyến đường và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội; đồng thời hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Hà Nội.
Được biết sau gần 2 năm khởi động việc lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT đã chính thức công bố 2 gói thầu với tổng giá trị hơn 2.600 tỉ đồng.
Cụ thể, Liên danh Sumitomo Mitsui Construction Co.Ltd-Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 trúng gói thầu số 1 (xây dựng đoạn Mai Dịch-Cổ Nhuế) có giá gói thầu 1.517 tỉ đồng.
Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn Cổ Nhuế-Nam Thăng Long) có giá gói thầu 1.348 tỉ đồng, Liên danh Tokyu Construction.Ltd.-Taisei Corporation trúng thầu.
Để xây dựng tuyến đường này, Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh trên trên tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiến hành thực hiện song song dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long với tổng mức đầu tư 3.113 tỉ đồng. Đoạn mở rộng dài 5,5 km; điểm đầu tại ngã tư Mai Dịch, điểm cuối giáp cầu Thăng Long. Chiều rộng nền đường 56-93 m...
Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành vào ngày 31-3-2018.
Đây là một trong số những công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội được ưu tiên đầu tư để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của TP.