Ngư dân Hà Tĩnh vui mừng sau chuyến đi biển bội thu mùa cá Nam.

Hà Tĩnh: Đánh bắt hợp pháp, phát triển kinh tế biển xanh

(PLO)- Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, ba cảng biển, nguồn lợi thủy sản dồi dào và ngư trường rộng lớn để hướng đến phát triển kinh tế biển xanh.

Sau cơn bão số 3 vừa qua, ngư dân Hà Tĩnh lại tiếp tục ra khơi bám biển làm giàu. Vụ cá Nam mùa này (kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hằng năm), những con tàu vỏ sắt trở về cập bến, mang về hàng tấn cá thu, cá hố, tôm, mực…

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, ba cảng biển, nguồn lợi thủy sản dồi dào và ngư trường rộng lớn để hướng đến phát triển kinh tế biển xanh.
Ngư dân Hà Tĩnh vui mừng sau chuyến đi biển bội thu mùa cá Nam. Ảnh: ĐẮC LAM

Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 3.500 tàu cá (115 chiếc hoạt động vùng khơi, 636 chiếc hoạt động vùng lộng), 2.807 chiếc khai thác ven bờ với khoảng 15.000 lao động trực tiếp trên biển.

Kiên trung bám biển làm giàu

“Chúng tôi chủ yếu ra khơi 10-15 ngày/chuyến, khai thác mực lá, mực nang, một số loại cá như cá cam, cá lịch… Chúng tôi cũng chú trọng áp dụng công nghệ trong khai thác nên trung bình mỗi chuyến biển có thể thu được khoảng 150-170 triệu đồng” - ngư dân Trần Văn Dần (xã Kỳ Hà) chia sẻ.

Những con tàu khai thác gần bờ của ngư dân ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh cũng đã tạo nên thương hiệu “mực nhảy Kỳ Anh” nổi tiếng.

P45_Chinh_h2.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra sổ nhật ký hành trình tàu ra khơi đánh bắt hải sải trên vùng biển
Hà Tĩnh. Ảnh: T.MẠNH

Những ngày đầu tháng 10 này, cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cũng tấp nập đón tàu thuyền của ngư dân ra vào với những khay hàng tươi ngon, chất lượng.

Ngư dân Nguyễn Văn Phương (thị trấn Lộc Hà) phấn khởi nói: “Vụ cá Nam là vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm, chúng tôi chủ yếu đánh bắt ở vùng lộng được số lượng lớn mực, cá bạc má, cá nục…

Trung bình mỗi chuyến biển có thể thu được 6-8 tạ hải sản các loại, mang về giá trị khoảng 13-15 triệu đồng”.

Các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, kiểm ngư… thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Theo ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), Kỳ Hà có tổng cộng 297 tàu thuyền, trong đó có 32 chiếc công suất lớn tham gia đánh bắt ở các ngư trường. Với lợi thế này, ngư dân ở đây có thể mang về nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao từ các vùng biển từ Đà Nẵng trở vào.

Không chỉ Kỳ Hà, ngư dân xã Thạch Kim cũng đã và đang kiên trung bám biển làm giàu.

Ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết toàn xã Thạch Kim có hơn 100 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Trong đó, 24 chiếc có công suất trên 90 CV và 100% đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Những năm gần đây, xã Thạch Kim đã chú trọng nâng cấp đội tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, đổi mới phương thức đánh bắt để mở rộng ngư trường…

“Mỗi năm, xã Thạch Kim đạt sản lượng đánh bắt hơn 2 tấn hải sản các loại với tổng trị giá hơn 100 tỉ đồng” - ông Trần Đình Hưng nói.

Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cũng cho biết trong thời gian tới, xã sẽ tập trung khuyến khích người dân mở rộng hoạt động chế biến, quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP.

Hiện xã đã có ba sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và năm nay đang phấn đấu có thêm 2-3 sản phẩm OCOP”.

46.600

tấn là con số ước tính đạt trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác thủy sản của Hà Tĩnh trong chín tháng đầu năm 2024, tăng 1,45% so với cùng kỳ. Trong đó khai thác thủy sản ước tính đạt gần 33.000 tấn (tăng 3,79%), nuôi trồng đạt hơn 13.600 tấn (tăng 1,0%), theo thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh.

Hiệu quả từ những tổ đồng quản lý nghề cá

Đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập bảy tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ theo cơ cấu theo Luật Thủy sản 2017.

Ông Nguyễn Viết Hùng, phụ trách Phòng Quản lý khai thác (Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh) cho biết Hà Tĩnh đã giao quyền đồng quản lý vùng biển cho bảy tổ đồng quản lý tại các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Đây là những nơi ven biển của cả nước làm khá tốt mô hình này.

Đặc biệt tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh có ngư dân Phạm Văn Thời (trú xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân) đã xả thân cứu sống hai người trên biển được công nhận liệt sĩ trong thời bình, được truy tặng Huân chương Dũng cảm. Sau khi anh Thời hy sinh, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên được hình thành…

Ông BÙI TUẤN SƠN, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh:

Quản lý lượng thủy sản lên bến bằng phần mềm số

Thời gian qua, đơn vị đã và đang phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào cảng, đặc biệt là tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU; không làm thủ tục rời cảng khi tàu cá chưa đảm bảo hồ sơ và điều kiện theo quy định; kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản.

P45_Chinh_h3_Hinh-BOX_BUI-TUAN-SON.jpg

Một trong những kiến nghị của EC là minh bạch trong quản lý tàu cá và lượng thủy sản lên bến. Do vậy thời gian qua Hà Tĩnh đã triển khai dùng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT VN. Đây là phần mềm được Cục Thủy sản triển khai áp dụng trên cả nước.

Phần mềm này được sử dụng bằng điện thoại thông minh nhằm cung cấp đầy đủ quy trình và khai báo theo quy định; có thiết kế đơn giản, dễ hiểu để ngư dân thuận tiện khi sử dụng. Việc khai báo thông tin thực hiện các thủ tục xuất, nhập bến qua phần mềm này giúp bà con cùng nhiều chủ tàu, thuyền trưởng khác chủ động và tiết kiệm thời gian hơn so với trước.

Các tổ này đã góp phần tạo dựng mối liên kết giữa cộng đồng ngư dân trong quá trình vươn khơi; hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản ven bờ.

Đồng thời, tổ cũng phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, kiểm ngư… thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác hải sản không hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Cũng theo ông Hùng, định hướng của tỉnh là phấn đấu từ nay đến năm 2025 phát triển được 10-12 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ.

Những ngày đầu tháng 10 này, vùng biển ven bờ huyện Nghi Xuân tương đối lặng sóng, tạo điều kiện thuận lợi cho những chiếc thuyền có chiều dài dưới 15 m vươn khơi bám biển.

“Những tiếng mìn nổ trên vùng biển giáp ranh huyện Nghi Xuân với tỉnh Nghệ An đã chấm dứt, không còn cảnh tàu dùng kích điện hủy diệt hải sản như 10 năm trước đây” - ngư dân Nguyễn Văn Thú, Tổ phó Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên nói.

Là người có thâm niên 50 năm vươn khơi bám biển, ông Hoàng Văn Kiêm (huyện Nghi Xuân) chia sẻ: “Từ khi ra đời, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên đã giúp chúng tôi rất nhiều việc, nhất là cứu hộ, cứu nạn trên biển, động viên nhau bám biển”.

Ông Hoàng Ngọc Thại, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá xã Kỳ Phú, cho biết tổ được quyền tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.

Nhờ hoạt động tích cực của tổ mà việc người dân dùng phương thức đánh bắt tận diệt như mìn, xung điện, giã cào... đang có chiều hướng giảm.

Ông Trần Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên, nói: “Lúc ra biển, phát hiện có luồng cá, chúng tôi thông báo cho nhau đến cùng khai thác. Khi có sự cố trên biển chúng tôi tham gia cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm ngư dân.

Khi phát hiện các tàu, thuyền tỉnh bạn có dấu hiệu vi phạm khai thác, chúng tôi cũng kịp thời phối hợp với chính quyền và bộ đội biên phòng để ngăn chặn, xử lý”.

Các ngư dân Hà Tĩnh đã và đang sát cánh cùng nhau, cùng với chính quyền nỗ lực vươn khơi bám biển, đánh bắt hợp pháp để quyết tâm cùng gỡ thẻ vàng IUU.•

Họ đã nói

Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh:

Khu kinh tế Vũng Áng sẽ trở thành động lực cho tỉnh

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 18 về xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh. Đây là nghị quyết rất quan trọng để khai thác tiềm năng, lợi thế văn hóa Hà Tĩnh, lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế.

P5_Cot-phai_h2_TRAN-THE-DUNG.jpg

Trong 63 tỉnh, thành, Hà Tĩnh chưa phải là tỉnh có kinh tế mạnh nhưng nguồn thu ngân sách nằm trong tốp đầu. Về thu hút đầu tư, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã đi theo đúng hướng đó là tập trung phát triển công nghiệp nặng. Khu kinh tế Vũng Áng sẽ trở thành động lực cho tỉnh.

.............................

Ông VÕ TRỌNG HẢI, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh:

Phát triển kinh tế xanh

P5_Cot-phai_h3_VO-TRONG-HAI.jpg

Hà Tĩnh xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030 của tỉnh cũng xác định ba trụ cột tăng trưởng xanh gồm: Xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đề ra là tăng trưởng kinh tế bình quân trên 9%, kinh tế số chiếm 30%; duy trì tỉ lệ che phủ rừng trên 52%; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định; chỉ số phát triển con người phấn đấu cao hơn mức trung bình của cả nước.

**************************

Logistics là một trong những ngành trọng điểm

Hà Tĩnh đang chú trọng phát triển kinh tế biển và ven biển theo định hướng của Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

P5_Cot-phai_h1.jpg
Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang được đầu tư phát triển. Ảnh: ĐL

Thời gian qua, các ngành kinh tế biển ở tỉnh này có bước chuyển biến tích cực. Hà Tĩnh đã ban hành cơ chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.

Hà Tĩnh đang tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển. Ngành du lịch biển đang phục hồi nhanh sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2022 đạt gần 1,6 triệu lượt khách và năm 2023 đạt gần 3,2 triệu lượt khách (phục hồi 83% so với năm 2019.

Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dịch vụ logistics là một trong những ngành trọng điểm, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi trong việc kết nối, trung chuyển hàng hóa sẽ là những tiềm năng, lợi thế để đầu tư và phát triển dịch vụ này ở Hà Tĩnh.

Theo quy hoạch tỉnh, Hà Tĩnh sẽ có bốn trung tâm logistics. Trong đó có 2 trung tâm tại Khu kinh tế Vũng Áng, 1 trung tâm tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và 1 trung tâm tại huyện Đức Thọ.

Hà Tĩnh kỳ vọng logistics sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm để Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng Bắc Trung Bộ.•

Hôm nay, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Hà Tĩnh

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân Hà Tĩnh với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Hôm nay (4-10), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đến Hà Tĩnh, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Hà Tĩnh là địa phương có biển thứ 17 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

P45_mau-dau-trang.jpg
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” (phải) trao quà cho bà con ngư dân tại Khánh Hòa vào ngày 20-9 vừa qua. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Ngày 4-10, tại Hà Tĩnh, Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 100 gia đình ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng) gồm: Bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng 1 triệu đồng. Đồng thời, Ban Tổ chức trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh là con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với 16 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Khánh Hòa với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023. Chương trình sẽ đến với 28 tỉnh, thành giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

Lời cảm ơn

Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:

1. Công ty Cổ phần Pin Ắc Quy Miền Nam (PINACO).

2. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

4. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

5. Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam.

6. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

7. Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.

8. Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm.

9. Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

10. Tập đoàn Sungroup.

11. Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long.

12. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM.

13. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV.

14. Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu.

… và một số đơn vị tài trợ khác.

Đọc thêm