“Đã bảy năm rồi tôi không ra đường, chỉ ăn nằm một chỗ, không biết chuyện gì xảy ra bên ngoài, ngay cả trong nhà cũng không biết trong bếp, ngoài sân nhà mình có gì. Khi xuất viện về nhà, tôi sẽ đi khắp Đà Lạt để mọi người biết rằng Hải “chân voi” đã tái xuất, hết “bế quan” rồi. Tôi sẽ đi ăn bún mắm, lẩu dê… những món mà tôi thích”. Anh Hải cười với vẻ mặt rạng ngời niềm vui, hạnh phúc khi mở đầu câu chuyện.
Anh Hải đã nặng 50 kg
Chiều cuối tuần tôi đến BV FV gặp anh Hải. Anh bảo nhớ nhà lắm, đã gần nửa năm xa nhà rồi. Trong BV không được hút thuốc lá, không được uống bia, cảm giác rất thèm nhưng bệnh tật thì phải chịu vậy! Nhưng thèm nhất là được nói chuyện, được gặp gỡ mọi người chứ hơn ba tháng nay chỉ nằm “ôm” tivi và phòng bệnh thì chỉ có hai mẹ con. Ngày nào cũng 1-2 giờ sáng mới ngủ.
Nhìn anh Hải trắng trẻo, da dẻ hồng hào và có phần lên cân, tôi trầm trồ khen. Anh Hải bảo: Ở BV sướng lắm, muốn ăn gì là BV cho ăn cái đó. Hôm qua mới cân, được 50 kg rồi đấy! Cơ bắp chân, cơ tay cũng đã to lên vì mỗi ngày đều tập vật lý trị liệu hai lần. Giờ về mua vải may quần áo cũng đỡ hơn, chứ ngày trước phải mua 2 m vải mới may được một cái quần. Anh nhẩm tính: Ngày trước nặng 120 kg, khối u chiếm hết 90 kg, như vậy ăn vô bao nhiêu “nó” nuốt hết bấy nhiêu.
Anh nói: Cái tết năm rồi là lần đầu tiên ăn tết xa nhà nhưng cũng là cái tết đau đớn nhất, đau hơn khi được mổ xong. Vào ngày 30 tết, từng mảng thịt lớn phía sau lưng bắt đầu hoại tử, đau nhức không thể tả. Phải mất đến 7-8 ngày các bác sĩ mới cắt lọc hết, rồi sau đó chờ cho nó lành mới tiến hành ghép da…
Anh Hải trước khi phẫu thuật (trái). Anh Hải hạnh phúc với hiện tại. Ảnh: TÙNG SƠN
Hạnh phúc sau cuộc hành trình năm năm gian nan
Niềm hạnh phúc hiện tại cũng không thể nào làm anh Hải quên đi những ngày tháng cùng gia đình vất vả tìm bác sĩ cắt bỏ khối u giải thoát cho mình. Đoạn đường lắm nỗi gian nan mà đến tận bây giờ anh mới thuật lại cho chúng tôi nghe. Anh bảo mình như người chết đuối, vớ được cái phao nào thì bám cái ấy thôi!
Anh Hải kể năm 2007, khi người chị ruột của anh định cư bên Mỹ về thăm nhà đã bảo anh rằng bên Mỹ có một bác sĩ từng phẫu thuật cho người có khối u như anh. Thế là chị chụp ảnh anh và qua Mỹ gửi cho BS McKay McKinnon - thành viên Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ.
Qua người chị, BS McKay McKinnon đã gọi cho anh Hải, đồng thời để tiện liên lạc ông đã tặng cho anh một chiếc máy tính xách tay để theo dõi hình ảnh và liên lạc với anh. BS McKay McKinnon khẳng định ông mổ được và bảo lãnh anh qua Mỹ để mổ. Nhưng qua hai lần phỏng vấn đều thất bại. BS McKay McKinnon lại liên hệ với BV Triều An để đưa anh Hải qua Singapore. Tất cả thủ tục đều xong thì đùng một cái không đi được vì hãng máy bay không bán vé cho anh Hải. Họ bảo anh Hải lên máy bay không lọt, chưa kể trên đường đi lỡ có sự cố sẽ không xử lý được. Sau đó bác sĩ bảo anh liên hệ đi bằng đường tàu biển nhưng phía tàu biển lại trả lời tàu chỉ chở hàng chứ không chở người.
Rồi giữa năm 2011, BV Ung bướu TP.HCM muốn giúp, anh đã không nói điều này cho BS McKay McKinnon. Nhưng vài tháng sau BV Ung bướu nói không mổ được do tràn dịch màng phổi. “Ngày BV Ung bướu nói không mổ được nữa, tôi nghĩ đời tôi thôi rồi, chỉ nằm một chỗ suốt đời. Nhưng mà cũng hên, khi tôi nói chuyện này với BS McKay McKinnon, ông hứa sẽ tìm BV khác và cuối cùng ông báo là BV FV chịu nhận với mức giá tượng trưng 12.000 USD (250 triệu đồng)”. Và anh Hải gặp hên thật khi Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng chuyển 110 triệu đồng do các nhà hảo tâm đóng góp, bạn đọc báo Tuổi Trẻ cũng góp 60 triệu đồng và người chị ở Mỹ cho 4.000 USD… đủ tiền đóng cho BV FV. BS McKay McKinnon đã bay từ Mỹ sang Việt Nam để thực hiện ca phẫu thuật giải thoát cho anh Hải.
“Xuất viện tôi sẽ học nghề sửa chữa điện thoại” - anh Hải một lần nữa khẳng định ước mơ của mình. Tại sao anh lại chọn nghề sửa điện thoại nhỉ? “Ừ! Thì nghề này nhẹ nhàng, vừa sức mình vì chỉ cầm bằng hai cái tay, chứ sửa tivi làm sao rinh nổi! Năm 2007, tôi đóng học phí 4 triệu đồng nhưng học được sáu tháng thì phải bỏ vì… khối u to quá đi không nổi nữa và được trả lại 1 triệu đồng. Chỉ còn ba tháng nữa sẽ ra trường” - anh Hải tỏ vẻ tiếc nuối. Anh còn cho biết thêm ngày đó học sửa điện thoại, thầy chỉ cho vọc mấy cái “cùi bắp”. Muốn sửa máy xịn mà thầy không cho, sợ hư phải đền! Giờ đã thoát khổ, nói về hạnh phúc gia đình, mong muốn có vợ con như bao người đàn ông khác, anh tỏ ra bi quan. “Mình chưa làm gì được, có làm cũng không đủ ăn. Nếu lấy người đồng cảnh ngộ như mình sẽ khổ cho cả hai. Thôi ở vậy cũng không sao! Trước mắt, giờ về ráng tập vật lý trị liệu cho khỏe, kiếm tiền mua chiếc xe lăn để đi lại chứ chiếc cũ đã hơn 10 năm, cũ kỹ, hư rồi” (anh Hải cười). |
DUY TÍNH