Trong phân tích thị trường mới nhất, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo thị trường chứng khoán trong nước có thể có nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn, đưa chỉ số Vn-Index lên ngưỡng từ 1.350-1.450 điểm trong năm 2024.
Áp lực ngắn hạn
Theo KIS, trong ngắn hạn, Vn-Index chịu một số áp lực từ vấn đề tỷ giá VND, động thái bán ròng của khối ngoại cũng như việc dòng vốn bị rút khỏi một số quỹ. Dù vậy, trong trung và dài hạn, thị trường sẽ được hỗ trợ bởi năm yếu tố: Kinh tế phục hồi, chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tiền tệ mở rộng, dòng vốn FDI và hoạt động sản xuất phục hồi.
Với các dữ liệu cập nhật đến thời điểm này, các nghiên cứu viên của KIS tin rằng thời kỳ khó khăn nhất đã ở phía sau, và năm 2024, kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng.
Điều này có thể thấy từ một số phân tích quốc tế, như Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 1 đạt 6,81%, và 6,26% trong quý II-2024. Một số tổ chức tài chính khác dự báo tăng trưởng cả năm 2024 đạt 6,0% - 6,3%.
Lãi suất thấp hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 đã 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động trong toàn hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức thấp nhất từ năm 2010 với tất cả các kỳ hạn. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 15%.
Các gói giải ngân hạ tầng của Chính phủ cho các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường sắt, cùng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước liên tục tăng, gần gấp đôi trong 5 năm cũng mang tới xung lực hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Cũng theo phân tích của KIS, vốn FDI tăng mạnh nhờ hàng loạt những thành công về ngoại giao mới đây của Việt Nam, mới nhất là thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Australia năm đầu 2024, với Nhật Bản và Mỹ năm 2023, với Hàn Quốc năm 2022. Tiếp tục đà tăng của năm ngoái, trong hai tháng đầu năm nay, vốn FDI giải ngân và đăng ký mới tăng lần lượt 9,8% và 38,6%.
Trong bức tranh chung ấy, số doanh nghiệp thành lập mới tăng trở lại từ quý II-2023, số lao động từ doanh nghiệp đăng ký mới đang ở mức cao. Đồng thời, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hơn khi chỉ số sử dụng lao động thời điểm đang trong xu hướng phục hồi.
Khả năng thị trường chứng khoán Việt được nâng hạng
Cùng quan điểm này, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng rủi ro vĩ mô của Việt Nam đã hạ nhiệt, động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2024 sẽ đến từ ba yếu tố: giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng và dòng vốn FDI vào mạnh.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 5.8%. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những rủi ro có thể khiến tăng trưởng thấp hơn dự kiến như: Vấn đề địa chính trị; kinh tế Mỹ, Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự báo; thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất đồng USD tại Mỹ chậm và thấp hơn dự kiến.
Trong năm nay, Vn-Index có thể đón một số cơ hội tăng điểm, khi Fed có thể sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ với ba lần giảm lãi suất; tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi ngang so với 2023 và khả năng suy thoái thấp, trong đó, châu Âu và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng cao trong năm 2024. Ngoài ra, dự báo lạm phát toàn cầu hạ nhiệt về mức 5,8-5,9%, sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương sớm hạ lãi suất điều hành.
Yuanta dự báo lãi suất các ngân hàng trong nước sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm và tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2024, còn tăng trưởng EPS 2024 của các doanh nghiệp niêm yết HSX đạt 28% so với 2023.
Việc triển khai hệ thống KRX và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 được xem là động lực thúc đẩy cho chỉ số Vn-Index cũng như toàn thị trường.