Hải đội cứu dân

Hằng năm, cứ vào ngày Biên phòng toàn dân (3-3), các chiến sĩ Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Nghệ An lại nhận nhiều cuộc gọi chúc mừng của ngư dân khắp nơi. Các ngư dân luôn khắc ghi tình cảm, hành động của các chiến sĩ.

Một buổi chiều cuối năm 2011, khi các chiến sĩ Hải đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An vừa bưng bát cơm thì nhận được tin gần hòn Nôm (Hà Tĩnh) có tàu của ngư dân bị trúng lốc, hỏng máy sắp chìm. Lập tức các chiến sĩ bỏ bát cơm ăn dở lao ngay xuống tàu nổ máy trực chỉ nơi con tàu gặp nạn lướt tới. Khi màn đêm ập xuống, người ta thấy con tàu của hải đội trở về cùng ông Lê Văn Tám - chủ tàu gặp nạn và bảy ngư dân khuôn mặt vẫn còn vương nét hãi hùng.

Đó là một trong những chuyến cứu nạn ngư dân trên biển diễn ra thường xuyên của các chiến sĩ Hải đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An.

Hải đội cứu dân ảnh 1

Năm ngư dân Nam Định được Hải đội 2 cứu sống trên vùng biển Nghệ An. Ảnh: LT

Bất chấp hiểm nguy

Đại bản doanh Hải đội 2 nằm khiêm tốn bên bờ sông Lam, sát cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) theo hướng nhìn ra biển. Dưới sông, bên cạnh các con tàu hàng, tàu cá là sáu chiếc tàu của hải đội luôn túc trực, sẵn sàng xuất bến.

Thượng tá Trần Văn Long, Chính trị viên Hải đội 2, cho biết vùng biển xứ Nghệ chịu ảnh hưởng thời tiết khí hậu khắc nghiệt, có nhiều đảo nhỏ, nhiều cửa sông, cửa lạch rất nguy hiểm cho tàu thuyền ngư dân. Vì vậy, Thượng tá Long nói nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân được xem ngang bằng với nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị.

Trung úy Phan Văn Lợi, người từng tham gia cứu nạn các thuyền viên tàu Hoàng Trung 08 hồi năm 2009, kể: Rạng sáng hôm ấy trời mưa giông lớn kèm gió to khiến con tàu vận tải Hoàng Trung 08 (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chở 850 tấn xi măng và 3.000 lít dầu bị chìm tại vùng biển Cửa Lò. Tính mạng tám thuyền viên trên tàu này đang rất nguy kịch vì mưa mỗi lúc một lớn, gió giật cấp 6, cấp 7.

Khi con tàu của Hải đội 2 tiếp cận được tàu Hoàng Trung 08, Trung tá Lê Văn Thi vừa mở cửa để lao ra cứu thuyền viên thì gió bật tung cửa kính xô anh Thi ngã sóng soài. Cùng lúc, tấm kính vỡ sắc lẹm đã cắt đứt tĩnh mạch tay phải khiến anh Thi mất nhiều máu, choáng ngất, chấn thương cột sống và chấn động não. Rất may sau đó anh vẫn an toàn tính mạng.

“Lúc ấy chúng tôi cố gắng đánh lái nhưng sóng dồi quá lớn không thể đưa các thuyền viên sang tàu cứu nạn. Chúng tôi đành mạo hiểm liên lạc yêu cầu các thuyền viên tàu gặp nạn mặc áo phao đứng trên boong cầm dây sẵn sàng, hễ thấy mô tô nước lao ra đến nơi thì nhảy xuống biển. Chúng tôi lái mô tô nước tăng hết tốc lực lao đến, nhiều lần bị lật nhào nhưng vẫn cố lướt sóng tiếp cận các thuyền viên để đưa từng người vào bờ an toàn” - Trung úy Lợi nhớ lại.

Hải đội cứu dân ảnh 2

Đại úy Hồ Sỹ Linh (thuộc Hải đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An) đang túc trực trên tàu, sẵn sàng ra biển tuần tra và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Đ.LAM

Cứu người không ngơi nghỉ

Rạng sáng 25-9-2009, trời mưa giông xối xả, gió biển giật vào từng cơn, trực canh của Hải đội 2 nhận được tin tàu của ngư dân Hà Tĩnh sắp chìm ở cửa Hội. Ngay lập tức tàu của Hải đội 2 nổ máy chở chín chiến sĩ lao vút đi, kịp thời cứu được con tàu cùng chủ tàu là ông Trần Văn Tuyên (trú xã Cẩm Linh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) an toàn.

Khi các chiến sĩ chưa kịp thay quần áo ướt thì có tin chiếc tàu đánh cá NA-0107-TS do ông Hồ Thế Khanh (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò) điều khiển cùng 13 ngư dân đang cần cứu gấp vì chân vịt đã bị sóng đánh gãy. Trong đó, hai người trên tàu đã bị gió quật rơi chìm xuống biển, tàu đang chao đảo mạnh. Ngay lập tức hai con tàu của Hải đội 2 chở 16 chiến sĩ lao nhanh ra tọa độ nơi tàu của ông Khanh đang lâm nạn. Sau 4 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ đã tìm cứu vớt được hai người rơi xuống biển và con tàu.

Đưa được con tàu cùng 14 ngư dân vào bờ, các chiến sĩ Hải đội 2 tưởng đã được nghỉ ngơi. Nào ngờ lúc này lại có tín hiệu kêu cứu: 12 ngư dân của tỉnh Thanh Hóa trên ba con tàu trên đường vào bờ trú ẩn đã bị sóng đánh gãy bánh lái, hỏng máy, có nguy cơ chìm. Các chiến sĩ lập tức quay đầu hai con tàu khẩn trương đi tìm cứu, đưa các ngư dân bị nạn vào bờ bố trí nơi ăn, chốn ở, chờ người thân của họ đón về.

Lần khác, con tàu cứu nạn của Hải đội 2 vượt gió bão đến nơi tàu cá NA-93370-TS chở chín người bị nạn cách đảo Ngư chừng 12 hải lý về phía đông. Do trời mù không tìm thấy con tàu, các chiến sĩ liên lạc qua bộ đàm hướng dẫn ngư dân lấy giẻ tẩm dầu đốt sáng để các anh đến cứu. Sau 1 tiếng tìm kiếm, tất cả chín ngư dân được cứu an toàn nhưng con tàu NA-93370-TS bị sóng đánh chìm xuống biển. Khi lên tàu hải đội, chín ngư dân cùng quỳ lạy để cảm ơn cứu mạng. Các anh ứa nước mắt ôm từng người đứng dậy và nói: “Có gì đâu, việc cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ của chiến sĩ bộ đội biên phòng mà”.

Đa số những cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đều quê Nghệ An, Hà Tĩnh. Không hiếm lần trong những cơn bão lũ, họ nhận được điện thoại của vợ con ở quê báo nhà đã tốc mái, ngập lụt. Lúc ấy các anh chỉ còn biết động viên người thân “ở đất liền cố gắng khắc phục khó khăn, trên biển nhiều ngư dân đang kêu cứu khẩn thiết” rồi lại lao tàu ra biển. “Có nhiều chuyến bão mạnh, con tàu của chúng tôi bị sóng hất lên rồi ném xuống, bánh lái không thể điều khiển được đúng hướng. Những lúc ấy chúng tôi điện thoại về nhà để được nghe lời nói của vợ con, tuy không nói ra nhưng trong bụng nghĩ xem như mình đã nói những lời sau cùng. Nhưng rất may, nguy hiểm rồi cũng qua đi, chúng tôi lại còn cứu được các ngư dân khác, đưa họ vào bờ an toàn” - Trung tá Phan Văn Xuân, Hải đội trưởng Hải đội 2, nói.

***

Trung tá-Hải đội trưởng Xuân cho biết chỉ tính ba năm trở lại đây, Hải đội 2 đã kịp thời cứu được hơn 200 thuyền viên và ngư dân gặp nạn trên biển.

Hằng năm, vào những ngày lễ, tết, kỷ niệm ngày thành lập Bộ đội biên phòng và ngày Biên phòng toàn dân (3-3), chuông điện thoại của Hải đội 2 liên tục đổ. Nhưng đó không phải là tín hiệu kêu cứu khẩn cấp mà là cuộc gọi của nhiều ngư dân từ mọi miền đất nước điện đến chúc mừng và cảm ơn đã cứu mạng. Ông Lê Văn Nghĩa (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói: “Nếu không được các chiến sĩ biên phòng kịp thời cứu vớt thì xương cốt tôi cùng tám anh em ngư dân đã mãi mãi nằm dưới đáy biển rồi”.

Chống buôn lậu và đi cứu dân trong lũ dữ

Giữa tháng 10-2010, lũ dữ đổ về miền Trung. Khi nghe tin hàng ngàn hộ dân Hà Tĩnh đang cô lập trong rốn lũ, tám chiến sĩ Hải đội 2 lập tức lên ba canô ngược nguồn lao lên rốn lũ Hương Khê. Khi các anh vừa đến xã Hòa Hải thì nghe tin ở xã Hà Tĩnh có người phụ nữ vừa sinh con xong nước đã ngập đến mái nhà. “Khi chúng tôi tới nơi thì thấy người mẹ đang ôm con ngồi khóc trên mái nhà. Chúng tôi liền quay canô đưa hai mẹ con về quê ngoại an toàn rồi lại quay đi sơ tán dân tránh lũ” - Thiếu tá Đông kể.

Công tác cứu hộ, cứu nạn vất vả bao nhiêu thì công tác phòng, chống buôn lậu của Hải đội 2 không kém phần gian nan bấy nhiêu. Đại úy Hồ Sỹ Linh cho biết: Trước đây ở Nghệ An rộ lên tàu đi đánh cá nhưng thực chất là đi buôn lậu trên biển. Có chủ tàu buôn lậu còn đổ dầu nhớt trên boong tàu để bẫy các chiến sĩ. Người nào không cẩn thận, vừa nhảy sang tàu (để kiểm tra) liền bị trượt nhớt té nhào xuống biển hoặc ngã dập đầu xuống tàu. Đó là chưa nói nhiều người dân, ngư dân ở cạnh Hải đội 2 còn làm “tai, mắt” báo tin cho các tàu buôn lậu mỗi khi thấy tàu của hải đội nổ máy đi tuần. Những năm gần đây, nạn buôn lậu đã được dẹp. Ngư dân ở cửa Hội giờ luôn đồng hành cùng chiến sĩ trong việc cứu hộ, cứu nạn cũng như tuần tra chống buôn lậu trên biển.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm