Hai lần xung phong

Đã 56 tuổi, có cháu nội biết nói bi bô nhưng cô Phạm Thị Kim Anh mà bà con ở xóm Thiết Trường, thị trấn Mộ Đức (Quảng Ngãi) gọi là cô Sáu hãy còn khá trẻ so với tuổi. Nói chuyện về một thời thanh niên xung phong (TNXP), cô sôi nổi vô cùng…

Đánh tranh lợp nửa khu lán trại

Cô Sáu kể: “Nhà có năm chị em. Bốn gái, một trai, mình là con gái áp út. Từ hồi còn nhỏ đã được cha tập tành, rồi thuần thục cả công việc của đàn ông, vác cày, hụ trâu ra đồng cày hết đám này đến đám khác. Nhà dột thì chị em đi cắt cây cỏ tranh rồi đánh tranh lợp nhà”.

Năm 1976, đất nước vừa thống nhất, tỉnh vận động TNXP lên xây dựng Nông trường mía Nghĩa Hành. Cô Sáu có mặt ngay trong tốp đầu tình nguyện.

Trên đó là đồi hoang, hố bom chi chít. Thanh niên tập trung về đến tám đội, mỗi đội trên 200 người. Tất cả cùng nhau khai hoang, san lấp hố bom. Bữa cơm thường chỉ khoai, sắn chấm mắm. Cực nhọc là thế nhưng đêm về là cùng nhau hát vang rồi mắc võng ngủ dưới cây rừng. “Hồi đó sức trẻ nên mưa nắng và cả sốt rét rừng là thế, có lúc san lấp hố bom còn đụng phải bom lép nổ, có anh chị thương vong nhưng có mấy ai bỏ về quê” - cô Sáu kể.

Hai lần xung phong ảnh 1

Cô Sáu - Phạm Thị Kim Anh.

Để chống đỡ với mưa rừng và nắng gắt, cấp trên chỉ đạo xây dựng lán trại. Cô Sáu tình nguyện vào đội xây dựng rồi chia nhóm đi tìm cỏ tranh để cắt, gánh về đánh tranh.

Cánh thanh niên ban đầu cứ tưởng chỉ họ mới thạo việc đánh tranh lợp nhà. Nhưng rồi hầu như tất cả đều “bái phục” cô Sáu và chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Phổ Cường về tài đánh tranh. Rồi họ “nhường” luôn cho hai cô đánh tranh để lợp cho hết thảy 30 lán trại. Cái tên “Cô Sáu đánh tranh” có từ đó…

Vùng đất bom mìn, hoang hóa sau mười năm đã thành cánh đồng mía bạt ngàn. Cũng từ những ngày đội nắng đội mưa đó, nhiều TNXP gắn bó với nông trường nên vợ nên chồng. Cô Sáu cũng có một mái ấm riêng là một ngôi nhà lợp tranh, vách trát đất sét. Ba mặt con ra đời trên đất nông trường.

Nhưng rồi theo thời gian, nông trường giải thể. Vợ chồng cô tất tả quay trở lại quê. Cuộc sống khó khăn hơn, rồi vợ chồng lục đục dẫn đến một kết cục đáng buồn là cả hai chia tay nhau. Cô lại một thân một mình nuôi ba con nhỏ.

Câu hát trên rừng Dông Cụt

Từ ngôi nhà ở thôn Thiết Trường, tôi theo cô Sáu băng qua nhiều xóm nhà và đồi núi hoang về vùng Dông Cụt, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. “Bản doanh” của cô Sáu nằm giữa ba bề núi dựng với đồi cây xà cừ và keo lai xanh tốt.

Hai lần xung phong ảnh 2

Cô Phạm Thị Kim Anh nơi trang trại nuôi heo, bò ở thôn Thiết Trường, thị trấn Mộ Đức.

Cô Sáu kể: “Từ hồi chia tay chồng, mình mở quán tạp hóa. Nhưng quê nhà nghèo khó, tiền vốn chẳng nhiều mà bà con lại thiếu chịu quá nhiều nên chẳng thể “trụ” được. Thế là mình nghĩ cái nghiệp của mình là nông dân, thêm kinh nghiệm của 14 năm sáu tháng làm TNXP gắn bó với đồi rừng thì chỉ còn cách lên đồi rừng khai hoang, trồng trọt, nuôi heo, nuôi bò mới thuận. Thế là mình cùng cậu em trai út tự “xung phong” lên đất này và bắt đầu cuộc đời như hồi mới làm TNXP một lần nữa”.

Hai chị em lại thay nhau phát quang bụi rậm đốt dọn rồi trồng khoai trồng mì. Đôi bàn tay thời con gái đánh tranh lợp nhà cho toàn đội lại thêm một lần chẻ lạt, cắt tranh làm nhà trát vách đất để có chỗ trú mưa trú nắng. Ở miền rừng, vẫn những cơn mưa chiều như trút nước và có những ngày nắng dội rát bỏng lưng. Cô Sáu lại thương mình, thương con, nhớ những ngày tuổi trẻ TNXP. Hồi đó có chị em toàn đội, lúc buồn thì chia sẻ. Còn bây giờ chỉ có hai chị em. Lúc em bận việc về nhà, chỉ còn có mình cô Sáu trên đồi. Những lúc như vậy, sau khi thở dài cô lại động viên mình và tự hát câu hát ngày xưa “Năm nay, những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống”. Câu hát giữa đồi nắng cháy, giữa những đêm mưa rừng xua tan sự cô đơn.

Cô Sáu kể: “Đã vào tận vùng Dông Cụt này nhưng cũng “lắm chuyện” lắm. Có người biết mình chia tay chồng tới tán tỉnh không được thì họ buông lời sàm sỡ. Đêm về thì họ giả tiếng hú hoặc chọi đá vào cửa để nhát ma. Nếu không có những ngày ở rừng làm TNXP thì khó bề “trụ” được trên miền rừng này”.

Mẹ của cô thấy con gái mình lận đận, cực khổ thương lắm nên nuôi cháu thay con. Rồi bà tìm lên trên rẫy hoang xem con mình phát dọn. Có bận bà ở lại luôn trên đồi. Thương con nên bà cứ bảo: “Nếu có buồn tình thì thời gian sẽ nguôi ngoai khi con mình lớn. Còn nếu chuyện áo cơm mà phải vào rừng sâu vắng lặng thế này thì thôi hãy trở về nhà, mẹ con làm lụng nghèo khó có nhau”.

Thương mẹ, cô Sáu bảo sẽ về nhà nhưng lòng đầy quyết tâm phải cố gắng bám trụ với rừng.

Hai lần xung phong ảnh 3

Trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi của cô Phạm Thị Kim Anh vùng Dông Cụt.

Lấy ngắn nuôi dài

Trên đất rừng mới vỡ, cô Sáu lại trồng khoai trồng mì. Đến mùa thu hoạch, bán đi mua được hai con bò làm giống rồi nhân đàn lên tới 30 con. Rồi từ loại bò cỏ địa phương, cô chuyển sang nuôi bò lai Sind để bán cho đắt tiền. Rồi cũng từ tiền bán bò, cô mua heo đem về nuôi. Đàn heo có khi lên tới cả trăm con nên hai chị em chăm không xuể phải thuê bà con chòm xóm phụ giúp.

Trên triền đồi rộng 4,8 ha vỡ hoang, ban đầu cô trồng mì, chuối. Sau đó, chọn chỗ đất tốt, cô Sáu mua máy bơm nước về trồng hàng trăm cây samboche. Trồng cây ăn trái trên đất đồi khó khăn nhưng khi bán giá quá rẻ nên khi tỉnh phát động trồng rừng, cô Sáu chuyển sang trồng cây lấy gỗ, cây keo nguyên liệu. Bây giờ trên đồi đã có trên 1.000 cây xà cừ trồng hơn mười năm tuổi và cánh rừng keo nguyên liệu xanh bạt ngàn.

Từ việc bán cây, tiền bán heo, bán bò, cô đủ sức làm một ngôi nhà khang trang, làm chuồng trại trên đồi Dông Cụt và xây nhà mới ở thôn Thiết Trường. Cô Sáu trở thành điển hình trong phong trào phát triển chăn nuôi ở huyện Mộ Đức.

Tâm niệm gắn bó với rừng

Năm 2012, cô Phạm Thị Kim Anh được bầu chọn là đại biểu TNXP của tỉnh Quảng Ngãi tham dự Hội nghị biểu dương TNXP làm kinh tế giỏi toàn quốc. Tại hội nghị, cô vinh dự được báo cáo về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, trồng rừng.

Một chút lắng lòng, cô kể: “Từ sau khi chuyện vợ chồng đổ vỡ, mình chỉ cố gắng làm lụng để thoát nghèo, nuôi con. Bây giờ ba đứa con đã có gia đình riêng, được mình hỗ trợ để làm nhà, hai đứa con trai mua cho mỗi đứa một chiếc xe xúc để chúng đi làm ăn. Đứa con gái út học xong đi làm kế toán cũng có cuộc sống gia đình ổn định. Như vậy là toại nguyện. Nhưng rồi cuộc sống lại có lẽ riêng của nó. Mình gặp anh hiện đang công tác ở Tỉnh đội Quảng Ngãi cũng có hoàn cảnh như mình nên thương nhau, gắn bó với nhau, mặc dù cả hai không hề có chung đứa con nào cả. Anh công tác ngoài tỉnh, ngày nghỉ lại về vùng Dông Cụt này cùng mình chăm bón vườn rừng, hỗ trợ mình chăn nuôi heo bò. Cuộc sống của gia đình theo thời gian thoải mái hơn”.

Năm ngoái, huyện Mộ Đức đầu tư làm đường lên khu vực Dông Cụt. Có một doanh nghiệp lên đây tham quan, muốn biến nơi này thành điểm du lịch sinh thái nên bảo cô Sáu nhượng lại 4,8 ha đất đồi rừng cho họ với giá 5 tỉ đồng, còn cây gỗ trên rừng thì cô Sáu khai thác. Lời đề nghị này đã làm nhiều thành viên trong gia đình cô Sáu suy nghĩ. Nhiều người nói: Cô cũng đã lên chức bà rồi cần nghỉ ngơi. Người thì cho rằng với số tiền ấy cộng với số tiền tích lũy lâu nay, cô Sáu về thị trấn Mộ Đức mua đất làm nhà, làm quán dư sức. Nhưng cô Sáu cả quyết: “Đời mình gắn bó với núi, với rừng, “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” mà. Mình sống được là nhờ rừng nên không sang nhượng cho ai mà sẽ gắn bó với nó cả cuộc đời”.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm