Hai nguyên nhân khiến nhiều công ty ngành nhựa phải bán mình

(PLO)- Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 5,5 tỉ USD

Ngày 25-10, Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2023-2028), tổng kết năm năm hoạt động nhiệm kỳ VI (2018- 2023), bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ VII và đề ra phương hướng hoạt động cho hiệp hội trong thời gian tới.

Ông Hồ Đức Lam, tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ mới. Theo ông Lam, cùng với bước chuyển mình của nền kinh tế, sáu nhiệm kỳ cho đến nay ban chấp hành hiệp hội Nhựa đã có những bước tiến và hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Ban chấp hành Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII. ẢNH: TÚ UYÊN

Tốc độ tăng trưởng ngành nhựa năm năm qua luôn đạt hai con số từ 12%-15%/ năm. Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/ năm.

Quy mô ngành nhựa năm 2022 ước đạt trên 25 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm 2021.

DN nhựa Việt Nam sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm nhựa Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 5,5 tỉ USD tăng 11,4 % so với năm ngoái.

Theo ông Lam, ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, trong nhiều năm qua máy móc thiết bị cũng nhập gần như 100% từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức…

Tuy nhiên, năng lực sản xuất nguyên liệu của ngành nhựa đang được cải thiện rõ từ cuối năm 2019 và được kỳ vọng thời gian tới có thể đáp ứng được 30%-40% nhu cầu sử dụng trong nước, tỉ lệ nhập khẩu giảm còn 60%-70%.

“Ngành nhựa Việt Nam là miếng bánh thơm mà các DN nước ngoài muốn mua lại. Hiện nay DN Châu Âu rất quan tâm, tiếp đến là Nhật Bản nhưng Thái Lan mua lại DN nhựa Việt Nam nhiều nhất. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đòi hỏi DN Việt ngày càng hoàn thiện mình ”-ông Lam nói.

Theo ông Lam, DN phải bán mình do lãnh đạo DN là "thế hệ F1" bây giờ lớn tuổi mà "thế hệ F2" không theo nghề hoặc không có người kế thừa. Thứ hai là thị trường cạnh tranh gay gắt, lợi thế lợi nhuận không còn lớn như trước đây. "Không ai muốn bán đứa con của mình nhưng đó là hai lý do cơ bản"-ông Lam nói.“

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới