Hải quân Nga như 'hổ mọc thêm cánh' nhưng thực chất thế nào?

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gọi tàu khu trục mới Đô đốc Gorshkov này là “rường cột chính” trong hải quân Nga trong nhiều năm tới. Giới phân tích cũng nhận định tàu khu trục cỡ nhỏ lớp Gorshkov sẽ bền vững và đáng gờm.

“Tàu khu trục mới này được trang bị tốt như một tàu chiến cỡ nhỏ” – chuyên gia Paul Schwartz tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) viết trong một chương trình nghiên cứu năm 2016. Chuyên gia bổ sung rằng tàu Đô đốc Gorshkov sẽ gia tăng đáng kể khả năng chiến đấu của hạm đội Nga.

Tàu khu trục Gorshkov. Ảnh: SPUTNIK

Còn Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch của Trung tâm Tình báo thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, thì nói: “Tàu này đã được nâng cấp đáng kể so với những người tiền nhiệm”. Ông Schuster chỉ ra các tàu khu trục mới của Nga hứa hẹn sẽ mang theo tên lửa hành trình chống hạm siêu âm, có thể phát hiện mục tiêu nhanh hơn so với các tàu của Mỹ.

Trong lễ duyệt binh Hải quân Nga ngày 29-7 tại St.Petersburg, có sự góp mặt của 40 tàu chiến các loại. Ngoài tàu khu trục Đô đốc Gorshkov kể trên, một số tàu khác đáng chú ý trong lễ duyệt binh Nga bao gồm tàu tấn công đổ bộ hoàn toàn mới Ivan Gren vớ khả năng mang theo 13 xe tăng chiến đấu chủ lực, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Marshal Ustinov 10.000 tấn và tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Oryol 24.000 tấn- tàu lớn nhất tham gia duyệt binh, theo TASS.

Đáng chú ý, tàu sân bay duy nhất của Nga Đô đốc Kuznetsov lại không tham gia diễu binh. Hàng không mẫu hạm 58.000 tấn này đã được sửa chữa và trang bị lại hồi tháng 5, hơn một năm sau khi tàu hoàn thành sứ mệnh ở Syria và về nước. Thời điểm đang trên đường trở về, Đô đốc Kuznetsov phun ra khói đen dày đặc và mất tới hai trong số 15 máy bay chiến đấu hiện đại gồm 1 Su-33 và 1 MiG-29K chỉ vì hệ thống cáp hãm trên mặt boong hoạt động kém hiệu quả, mất an toàn. TASS cho biết, hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov dự kiến “nghỉ phép” tới năm 2021.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga bốc cháy. Ảnh: The Moscow Times

Đài CNNdẫn ý kiến của chuyên gia Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch của Trung tâm Tình báo thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết điều này bộc lộ một vấn đề đối với hải quân Nga đó là bảo dưỡng. “Điều dễ nhận ra ở người Nga là họ tập trung vào thi công đầu tiên, vận hành xếp thứ hai, huấn luyện thứ ba và bảo dưỡng thứ tư” – cựu sĩ quan hải quân Mỹ cho biết.

“Tàu Kuznetsov cần nâng cấp và bảo dưỡng hơn nữa so với những gì người Nga tuyên bố công khai họ sẽ thực hiện. Nghĩa là Kuznetsov sẽ bị “xem như lỗi thời” khi rời cảng vào năm 2021” – ông Schuster, giờ là giáo sư tại ĐH Hawaii Pacific nhận định.

Khi được hỏi về các tuyên bố do Thứ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra trong tháng này rằng Moscow trong năm nay sẽ bổ sung 19 tàu chiến vào hạm đội nước này với khoảng 280 tàu chiến, ông Schuster tỏ ra thận trọng. “Người Nga đếm tất cả tàu chiến vào biên chế, kể cả tàu tuần tra và các đơn vị sắp đại tu xong. Điều này tạo ra một con số ấn tượng, tuy nhiên trong số chúng chỉ có sáu tàu sẽ là tàu chiến hiện đại” – ông nói.

Việc đóng tàu của Nga cũng gặp một số vấn đề. Như TASS đưa tin hồi đầu tháng 7, việc bàn giao tàu khu trục cỡ nhỏ thứ hai trong lớp Gorshkov – Đô đốc Kasatonov – sẽ bị hoãn lại gần một năm. TASS nói nguyên nhân do một số vấn đề động cơ.

Tàu Đô đốc Kasatonov bị hoãn bàn giao cho Hải quân Nga. Ảnh: TWITTER

Trong một bài luận nghiên cứu hồi tháng 5-2018, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) lưu ý  việc trì hoãn bàn giao tàu Đô đốc Kasatonov là một trong loạt thiếu sót trong nỗ lực xây dựng hạm đội hải quân của Nga, đặc biệt là các lực lượng bề mặt.

Trong thập kỷ tới, Hải quan Nga sẽ phụ thuộc vào các tàu chiến cỡ lớn cũ kỹ liên tục được tân trang và trùng tu giống như trường hợp của tàu sân bay Kuznetzov và những tàu chiến nhỏ hơn, mới hơn nhưng lại đối mặt với các thách thức về sản xuất như tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, báo cáo của Chatham House cho biết.

Chuyên gia Schuster cho hay thậm chí khi các tàu chiến gia nhập Hải quân Nga thì cũng không có nghĩa kẻ thù phải thấy bất an. “Nga luôn giỏi trong chế tạo nhưng thường thấy họ chỉ đưa chưa tới 10% tàu chiến của họ ra biển cùng một lúc. Các tàu chiến Nga neo đậu nhiều hơn so với hoạt động trên biển” – ông nói.

Dẫu báo chí Nga tháng này đăng ngập tràn các câu chuyện ca ngợi sự tăng cường hải quân Nga và “nhá hàng” cuộc duyệt binh hải quân ngày 29-8, tuy nhiên sự kiện năm nay so với phiên bản năm 2017 có phần lu mờ. Năm nay được báo chí ca ngợi cũng bởi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố phát triển vũ khí nước Nga bước vào giai đoạn mới.

Hồi tháng 3 trong bài phát biểu thông điệp liên bang, ông Putin tiết lộ một số vũ khí mới “bất khả chiến bại”, sẽ biến lưới phòng thủ của NATO “hoàn toàn vô dụng”, gửi đi lời cảnh báo toàn thế giới về tiềm lực quân đội trỗi dậy của Nga. Và ngay sau thượng đỉnh giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16-7,Bộ Quốc phòng Nga công bố loạt video nêu bật một số vũ khí mà ông Putin đề cập hồi tháng 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm