Sự có mặt của Hải Quân của NATO được các chuyên gia xem như một sự xâm phạm “lãnh địa” của Hạm Đội Biển Đen của Nga trong khu vực này.
Mối đe dọa từ phương Tây
Cuộc tập trận sẽ diễn ra tại phía Đông Nam của Constanta, khu vưc lãnh hải của Romania. Các tàu chiến của Mỹ, Anh, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các lực lượng hải quân của Bulgaria, Romania và Canada – sẽ tham gia vào cuộc diễn tập này.
Hải quân NATO ở Biển Đen (Ảnh: Reuters)
Nội dung của nó bao gồm các hoạt động thông tin liên lạc, diễn tập chiến thuật chung và trao đổi dữ liệu trên bề mặt cũng như dưới nước. Các lực lượng hải quân cũng sẽ được giao nhiệm vụ đánh bại các cuộc tấn công mô phỏng của không quân và hải quân đối địch.
Hai tàu của Lực lượng Hải quân Romania, một tàu khu trục nhỏ của Tây Ban Nha (ESPS Almirante Juan de Borbon, phân loại quân sự F-102), một tàu khu trục nhỏ của Canada (HMCS Toronto), và một tàu khu trục nhỏ Drazki của Lực lượng Hải quân Bulgaria sẽ tham gia vào các cuộc tập trận.
Romania trước đó đã kêu gọi Hoa Kỳ và NATO tăng cường sự hiện diện của họ tại quốc gia vùng Balkan. Quốc gia từng theo Xã Hội Chủ Nghĩa này là một trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại nước Nga sau sự sáp nhập của Crimea.
Kể từ khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng cao, Ukraine, Romania - cùng với Bulgaria - đã tham gia vào các cuộc tập trận hải quân tại Biển Đen và tổ chức diễn tập quân sự với quân đội Mỹ cũng như NATO.
“Gấu” Nga đáp trả
Trước những hành động của Hải quân NATO. Ngày hôm qua, Hạm đội biển Bắc của Nga cũng đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Cực, ngoài khơi bờ biển phía bắc của Nga.
Cuộc tập trận diễn ra ở đảo Kotelny thuộc Biển Trắng này sẽ bao gồm các bài tập đổ bộ của lính thủy đánh bộ nhằm tiến chiếm các căn cứ quân sự dọc bờ biển của kẻ thù. Cùng với đó là sự yểm trợ hỏa lực của 2 tàu đổ bộ từ ngoài khơi.
Mục đích của hoạt động này là để lính thủy đánh bộ của Nga làm quen với sự khắc nghiệt của Bắc Cực - một khu vực đang nóng lên bởi các tranh chấp quốc tế bao gồm sự tham gia của Nga và các nước phương Tây.
Tàu khu trục Drazki của Hải quân Bulgaria (Ảnh: Reuters)
"Sự hiện diện của chúng tôi ở đây là nhằm bảo vệ lợi ích của Nga ở Bắc Cực và tái khẳng định rằng các tuyến đường Bắc Cực là lịch sử quý giá của người Nga", phó giám đốc Hạm đội Biển Bắc, Chuẩn Đô đốc Viktor Sokolov, nói với RT.
Các tiền đồn trên đảo Kotelny, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt nhất trên trái đất và bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ, dự kiến sẽ được chuyển đổi thành một thành trì mới ở Bắc Cực của Liên bang Nga.
Moscow sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực vào cuối năm nay. Trong khi đó, việc xây dựng lại các cơ sở phòng không ở các đảo Bắc Cực sẽ hoàn thành vào tháng Mười.
Nga dự định sẽ tăng cường vị thế của mình ở Bắc Cực trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, tài chính và kinh tế. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thành lập một cơ quan công quyền mới, thực hiện chính sách của Moscow trong khu vực.
Moscow và Washington đã đóng băng hợp tác Mỹ-Nga ở Bắc Cực do quan hệ căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Mặc dù Nga có sự hiện diện quân sự lớn nhất ở Bắc Cực, nhưng không ai trong số năm quốc gia Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch – tuyên bố chủ quyền đầy đủ về khu vực giàu tài nguyên này.