Hạn chế án oan: Tòa có vai trò quyết định

Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị xác định: “Việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư… tranh luận dân chủ tại phiên tòa”. Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp...”. Gần đây nhất, lần đầu tiên nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa đã được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (sắp được thông qua).

Chất lượng hạn chế

Chủ trương đã rất rõ như vậy, thực tế thì sao? Tại hội nghị công tác của ngành tòa án đầu năm nay tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương) nhận xét: “Chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa chưa cao”. Để tạo chuyển biến tích cực, Chủ tịch nước yêu cầu ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa...

Trở lại vụ án đang gây xôn xao dư luận của ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Nguyễn Đức Bền (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, người bào chữa cho ông Chấn ở hai phiên xử sơ, phúc thẩm năm 2004) kể: Vào thời điểm này, Nghị quyết 08 đã được ban hành nhưng phán quyết của cả hai cấp tòa đều không hề căn cứ trên kết quả tranh tụng tại phiên xử. Trước đó, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, cộng với kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, khi tranh luận, luật sư Bền đã trình bày rằng chứng cứ buộc tội ông Chấn rất lỏng lẻo, thiếu logic, có sự mâu thuẫn về thời gian, về mô tả vật chứng, dấu vết, việc thực nghiệm hiện trường. Tang vật là chuôi dao không thu thập được. Mặt khác, ông Chấn có chứng cứ ngoại phạm. Từ đó, luật sư Bền đề nghị tuyên ông Chấn không phạm tội nhưng các tòa không đề nghị đại diện VKS đối đáp, cũng không ghi nhận.

Thực tế, các phiên tòa mà phần trình bày gỡ tội của luật sư, dù thuyết phục vẫn chỉ “rơi vào khoảng không” như trên đang diễn ra khá phổ biến. Rất nhiều vụ đại diện VKS ra tòa đuối lý khi tranh luận với luật sư, thậm chí chỉ biết “bảo lưu quan điểm” nhưng cuối cùng phán quyết của tòa cũng không hề dựa trên kết quả tranh tụng.

Luật sư đang tranh tụng với đại diện VKS tại một phiên tòa. Ảnh minh họa: HTD

Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Nhiều thẩm phán chủ tọa phiên tòa có tâm lý coi nhẹ việc tranh tụng. Họ thường chủ quan cho rằng mình đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên nắm hết mọi tình tiết, ngóc ngách, coi nhẹ lập luận, quan điểm của luật sư và bị cáo. Rất nhiều trường hợp, luận điểm của luật sư đã không được tòa ghi nhận đầy đủ trong bản án, khi bác bỏ thì tòa không phân tích, nêu rõ lý do.

Tư duy “án tại hồ sơ”

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), tư duy “án tại hồ sơ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thẩm phán. Khi đọc hồ sơ, thấy các bút lục thể hiện bị cáo đã nhận tội, tòa dễ dàng chấp nhận như bằng chứng pháp lý có giá trị quyết định. Nếu bị cáo phản cung, tòa thường làm động tác đọc lại các bản cung và hỏi “sao tại cơ quan điều tra bị cáo lại khai nhận tội?”. Nếu bị cáo khai bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, tòa bắt bị cáo phải làm một điều mà họ không thể nào làm được là “chứng minh đi”. Bị cáo không chứng minh được, tòa lập tức bác bỏ, cho rằng lời khai ép cung, mớm cung, dùng nhục hình là không có cơ sở.

Theo luật sư Phong, chính tư duy “án tại hồ sơ” đã làm tòa xem nhẹ, bỏ qua những tình tiết mới, những chứng cứ mới phát sinh tại phiên tòa theo hướng gỡ tội cho bị cáo. Thay vì làm trọng tài xem xét đầy đủ các khía cạnh buộc tội - gỡ tội, tòa lại có xu hướng nghiêng về phía VKS như một cơ quan công tố thứ hai. Nhìn lại trong rất nhiều vụ án oan, mâu thuẫn về chứng cứ buộc tội hay sự xuất hiện của những chứng cứ gỡ tội đều đã bộc lộ ngay từ phiên xử sơ thẩm đầu tiên nhưng cuối cùng bị cáo vẫn bị kết án.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhìn nhận: Không phải ngẫu nhiên mà các nghị quyết về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị lại tập trung vào khâu tranh tụng tại phiên tòa hình sự, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp. “Với chức năng xét xử, tòa như người gác cửa sàng lọc, chỉ ra các sai sót của quá trình điều tra, truy tố để yêu cầu khắc phục. Theo luật, gặp trường hợp chứng cứ buộc tội không thuyết phục, mâu thuẫn, tòa hoàn toàn có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc mạnh dạn tuyên bị cáo không phạm tội. Vì vậy trong giai đoạn xét xử, nếu tòa thật sự công tâm và có trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm túc tinh thần của cải cách tư pháp thì án oan sẽ rất khó xảy ra dù trước đó chất lượng điều tra, truy tố không đảm bảo” - vị thẩm phán này khẳng định.

Vai trò quyết định của tòa

Theo Thẩm phán Hoàng Văn Hải (Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh), mục đích của cải cách tư pháp, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa là tránh việc kết án oan và sai. Theo đó, thẩm phán chủ tọa và các thành viên HĐXX có nhiệm vụ phải thẩm tra lại toàn bộ chứng cứ của vụ án tại phiên xử một cách công khai. Quá trình tranh tụng tại phiên tòa sẽ giúp HĐXX có cái nhìn và sự đánh giá chuẩn xác về mặt chứng cứ, từ đó đưa ra phán quyết phù hợp.

Ông Hải đồng tình rằng theo luật, tòa có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội trong trường hợp tài liệu chứng cứ kết tội lỏng lẻo, mâu thuẫn, thiếu thuyết phục hoặc trường hợp chứng cứ buộc tội chưa chắc chắn kiểu “năm ăn năm thua” và tại phiên xử xuất hiện những tình tiết mới, chứng cứ mới cho thấy bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi thẩm phán phải có bản lĩnh bởi có một thực tế là việc đánh giá chứng cứ giữa các cấp tòa sơ, phúc thẩm nhiều khi rất khác nhau khiến các thẩm phán phải thận trọng.

Về chuyện tại phiên xử, bị cáo phản cung kêu oan, phủ nhận lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra và nói bị mớm cung, bức cung, dùng nhục hình, ông Hải nhận xét HĐXX cần phải thận trọng xem xét. Cái khó cho cả bị cáo lẫn tòa là cơ quan điều tra, VKS không khi nào thừa nhận có chuyện này. “Do vậy vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của thẩm phán càng phải cao để đủ trình độ và sự tinh tế nhằm phát hiện ra được những uẩn khúc của vụ án”.

Người thẩm phán cần sự dũng cảm

Năm 2008, khi còn làm chánh án TAND huyện Krông Búk, tôi đã tuyên hai bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản dù khi họp án trước phiên xử, chính tôi đã từng thống nhất rằng họ có tội.

Cụ thể, trong vụ án đó, trước khi mở phiên xử, ba ngành tố tụng của huyện đã có cuộc họp để thống nhất quan điểm. Dựa vào hồ sơ, tôi đồng ý với quan điểm chung là các chứng cứ buộc tội hai bị cáo đã rõ. Tuy nhiên, tại phiên tòa mà tôi làm chủ tọa, sau phần thẩm vấn và tranh luận, tôi đã phát hiện ra nhiều tình tiết quan trọng chứng tỏ hành vi của hai bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tôi thay đổi quan điểm nhận thức và hỏi đại diện VKS huyện là có thay đổi không thì nhận được cái lắc đầu từ chối. Kết quả là sau khi nghị án, HĐXX đã mạnh dạn tuyên bố hai bị cáo vô tội. Bản án lập tức bị VKS huyện kháng nghị. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm sau đó, đại diện VKS tỉnh xét thấy bản án sơ thẩm đã đúng nên ra quyết định rút kháng nghị và tòa phúc thẩm đã công nhận hiệu lực của án sơ thẩm.

Đến nay tôi vẫn tự hào với quyết định kịp thời và đúng đắn này của mình.

Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

“Đừng để hồ sơ, định kiến chi phối”

Muốn tránh oan, sai thì ngoài việc chú trọng đến kết quả và diễn biến tranh tụng, khi xét xử, chủ tọa còn phải tuân thủ đúng “nguyên tắc điều tra công khai” tại tòa. Phải hiểu đây là một cuộc “điều tra” riêng, lúc này thẩm phán có thể quên hồ sơ vụ án đi để tập trung xét hỏi, việc thẩm vấn không đơn thuần là để hợp thức hóa hồ sơ đã có. Không đơn thuần mà thuật ngữ điều tra xét hỏi được quy định trong BLTTHS vì nó nâng cao vai trò của HĐXX.

Công bằng mà nói chỉ cần có kiến thức pháp luật cộng với sự công tâm, kỹ càng thì thẩm phán sẽ phát hiện ra ngay những vấn đề bất thường trong vụ án. Nhưng nhiều khi do nhận thức chủ quan và quá dựa vào hồ sơ nên việc đánh giá chứng cứ của thẩm phán yếu, không chuẩn.

Theo tôi, với những vụ án có “vấn đề” thì chỉ nên tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung hai lần, sau đó nếu việc điều tra bổ sung không có kết quả thì tòa nên quyết thẳng là bị cáo không phạm tội chứ không nên trả tới trả lui. Vì việc xét hỏi, đối chất công khai tại tòa cho thấy cơ sở buộc tội chưa vững chắc thì tòa có quyền tuyên bố hành vi đó không phạm tội.

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới