“Năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hạn chế in tiền mới mệnh giá dưới 2.000 đồng, đồng thời không đặt vấn đề in tiền để đáp ứng nhu cầu đi chùa chiền, lễ hội…” - ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, phát biểu tại buổi họp báo của NHNN về thị trường tiền lẻ và giao dịch tiền qua hệ thống ATM ngày 25-12.
Không bố trí các điểm đổi tiền lẻ ở khu di tích
Theo ông Đào Minh Tú, chi phí cho nhu cầu in ấn tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng trong dịp tết khoảng 300 tỉ đồng. Trong điều kiện ngân sách đang khó khăn, khoản tiền này có thể sử dụng vào rất nhiều việc cấp thiết hơn như xây dựng trường học, bệnh viện.
Vì thế NHNN sẽ hạn chế in các loại tiền mệnh giá thấp này, thay vào đó sẽ đưa vào lưu thông lượng tiền 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng đã qua sử dụng để tránh gây lãng phí. “Tiền nhỏ lẻ hiện được sử dụng đi lễ hội, không phản ánh đúng chức năng của đồng tiền. Chẳng hạn như sau dịp lễ hội chùa Hương, số tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng lên tới 1.200 bao tải… Ở các nơi trên thế giới, tiền được in ra để thanh toán chứ không phải để sử dụng với chức năng để đi lễ hội” - ông Tú phân tích.
Ông Tú cũng cho biết đối với tiền mệnh giá 5.000 đồng trở lên, NHNN vẫn bảo đảm nhu cầu tiền mới để lì xì như mọi năm, còn với mệnh giá 500 đồng NHNN sẽ không in thêm vì in tiền lẻ thường tốn kém hơn rất nhiều so với mệnh giá lớn. Chẳng hạn muốn in 1.000 đồng thì chi phí bỏ ra phải cao gấp đôi.
Dịch vụ đổi tiền lẻ trước cổng chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Đồng quan điểm này, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, cho rằng đồng tiền cần trở về đúng vị trí chứ không phải thành vật đi lễ. Ngành văn hóa cũng ủng hộ chủ trương hạn chế tiền mệnh giá nhỏ phục vụ cho công tác tín ngưỡng. “Năm nay sẽ không bố trí các điểm đổi tiền lẻ trong các khu di tích. Bộ đã soạn chỉ thị gửi các sở, ban quản lý lễ hội, di tích chủ trương này. Đây cũng là tiêu chí đánh giá năng lực của ban quản lý di tích để xét thi đua cơ sở” - ông Thành nói.
ATM cũng có lúc ốm yếu!
Về dịch vụ rút tiền tự động ATM, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN bảo đảm cơ số tiền mặt đủ các loại mệnh giá để phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân dịp tết. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như máy rút tiền thường gặp sự cố khi lượng giao dịch tăng đột biến. Theo ông Tú thì “ATM cũng giống như con người, cũng có lúc ốm yếu… Hoạt động, làm việc nhiều cũng cần được nghỉ ngơi... Do đó rất mong được người dùng thông cảm, chia sẻ”.
Giải pháp cho vấn đề này phó thống đốc NHNN cho biết NHNN đã chỉ đạo các NHTM trao đổi trực tiếp với khu công nghiệp và các nhà máy để giãn ra, không trả lương cùng lúc qua máy ATM. Các NHTM cần phối hợp để có nhiều máy ATM tại một điểm để người dân có thể linh hoạt rút ở các cột khác nhau. Bên cạnh đó các doanh nghiệp bố trí thời gian cho người lao động trực tiếp đến NH để rút tiền mặt.
Trước thắc mắc thời gian gần đây nhiều người giao dịch rút tiền tại ATM gặp phải tiền rách nát, ông Đào Minh Tú khẳng định các loại tiền trong máy ATM phần lớn là tiền mới, nguyên vẹn được kiểm soát kỹ qua nhiều khâu. Vì vậy trường hợp tiền rách từ ATM là rất hi hữu.
Thành lập chín đoàn thanh tra an toàn thực phẩm dịp tết Tại cuộc gặp mặt cộng tác viên báo chí diễn ra tại Hà Nội ngày 25-12, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ là rất cao. Theo ông Trung, cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, các cơ sở sản xuất kinh doanh lợi dụng thời điểm này để đưa vào thị trường những thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng. Do vậy khâu kiểm soát an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Vị cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập chín đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 18 tỉnh và TP trọng điểm. Ngoài ra, Cục đã có văn bản yêu cầu Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các mặt hàng phục vụ dịp tết Nguyên đán. Liên quan đến việc sáu người bị ngộ độc tử vong tại Quảng Ninh do uống rượu của Công ty CP XNK 29 Hà Nội. Ông Trung thừa nhận Cục An toàn thực phẩm chưa từng kiểm tra đơn vị này. “Việc kiểm tra doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương” - ông Trung nói. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2013 toàn quốc ghi nhận 160 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.200 nạn nhân, trong đó có 28 trường hợp tử vong. So với năm 2012 đã giảm được năm vụ, số tử vong giảm sáu trường hợp. |
TRÀ PHƯƠNG